>> Trực tuyến phiên tòa xét xử vụ 'chạy' quota
Bị cáo VIP
Mờ sáng, nhóm bị cáo bị tạm giam đã được áp giải đến Toà theo chế độ … VIP. Cựu Thứ trưởng Mai Văn Dâu cùng 4 bị cáo Lê Văn Thắng, Bùi Văn Tuấn, Lai Wai Hung, Nguyễn Cương được đưa đến Tòa bằng xe Toyota “cá mập” và xe Mitsubishi Pajero “2 cầu” có lắp máy lạnh.
7 giờ 30 phút, “cậu quý tử” của ông cựu Thứ trưởng là Mai Thanh Hải xuất hiện tại khuôn viên Tòa án. Tuy được tại ngoại song gương mặt Hải vẫn phờ phạc.
Những người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan có mặt tại Tòa gồm có đại diện Bộ Công nghiệp; bà Nguyễn Diên Hồng (vợ ông Mai Văn Dâu); một số cán bộ của Bộ Thương mại, trong đó có các ông Nguyễn Việt Phú, Bùi Hồng Minh (Vụ XNK).
Bị cáo Dâu bước vào phòng xử án với phong thái bình tĩnh. Trông ông có vẻ khỏe mạnh, da mặt hồng hào, khác với những gì mà Bộ Thương mại đề cập trong thư gửi đến cơ quan tố tụng xin cho ông được tại ngoại vì lý do sức khỏe, già yếu và có bệnh tiểu đường. Duy có cái khác là mái tóc của cựu Thứ trưởng đã bạc trắng.
Cơ chế “xin cho” và thế lực kim tiền
Giữa năm 2003, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ ký hiệp định buôn bán hàng dệt may, quy định hạn ngạch vào thị trường Hoa Kỳ. Triển khai thực hiện hiệp định này, Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khác xây dựng cơ chế phân bổ hạn ngạch theo đúng nguyên tắc: Hạn chế tối đa cơ chế “xin cho”, các biểu hiện tiêu cực, kể cả việc buôn bán hạn ngạch...
Các bị cáo tại tòa |
Thế nhưng, Bộ Thương mại đã ký 5 văn bản có nội dung trái với chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó ông Mai Văn Dâu với vai trò là Thứ trưởng Thường trực, chuyên trách XNK đã ký 3 văn bản cho phép các doanh nghiệp vay mượn, nhường hạn ngạch mà thực chất là mua bán hạn ngạch được phân bổ.
Từ đây, hình thành cơ chế “xin cho” buộc các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may phải chạy nước rút xin quota để đáp ứng hợp đồng cho khách hàng tại Mỹ.
Tại Tòa, qua thẩm vấn 2 trong nhóm bị cáo đầu vụ là Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Cương đã thể hiện rất rõ điều đó. Tuấn lập ra Cty Tomotake chuyên thực hiện dịch vụ tư vấn và được Lai Wai Hung cùng Tsang Tak Lung ở doanh nghiệp Sundance và Leader Once ký ủy quyền nhờ chạy quota.
Tuy ở Hà Nội nhưng Tuấn phải nhờ sự giới thiệu của bà Nguyễn Thị Hiền ở Sở Thương mại TPHCM. Từ đây bà Hiền giới thiệu sếp cũ của mình là Nguyễn Cương – Phó Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất TPHCM.
Khi còn là Phó Giám đốc Sở Thương mại TPHCM, ông Cương chuyên trách lĩnh vực XNK và là thuộc cấp của ông Dâu, xét theo ngành dọc. Từ quan hệ này, ông Nguyễn Cương đã nhận từ Tuấn 140.000 USD để “tác động” với ông Dâu xét cấp quota cho Sundance và Leader Once giúp Tuấn.
Ông Cương đã hai lần trực tiếp dẫn đối tác của Tuấn đến gặp ông Dâu tại trụ sở Bộ Thương mại. Và từ đây Tuấn cũng theo hướng dẫn của ông Cương mang tiền và quà biếu cho những thành viên trong gia đình ông Dâu.
Một lần Tuấn đến mang theo túi quà chứa 5.000 USD kèm theo áo veston Ý giá trị 380 USD (mua ở Tràng Tiền) đến nhà riêng ông Dâu và gặp bà Hồng để gửi.
Lần khác, khi Mai Thanh Hải vào công tác tại TPHCM, Tuấn cũng hẹn gặp để đưa Hải 2 bộ hồ sơ xin bổ sung cấp quota cho Sundance và Leader Once kèm theo phong bì chứa 5.000 USD. Cuộc giao dịch này có chứng kiến của bạn Tuấn là cô Hạnh (quê Bắc Giang). Thậm chí theo lời khai của Tuấn, Hạnh còn nhìn thấy phong bì và kêu lên: “Tiền gì mà nhiều thế!”.
Sau đó, một lần ông Dâu đi thăm doanh nghiệp tại TPHCM, Tuấn xuất tiền mua một lô đất cho vợ chồng ông Dâu khoảng 300 m2 tại Thủ Thiêm (quận 2). Trả lời Chủ tọa về việc này, Tuấn xác nhận: “Theo hướng dẫn của chú Nguyễn Cương, bị cáo làm như thế để việc xúc tiến xin quota được dễ dàng hơn!”.
Hai bị cáo Bùi Văn Tuấn và Nguyễn Cương đều thừa nhận việc cáo trạng cáo buộc việc nhận và đưa tiền đều đúng. Song, Tuấn cho rằng, việc tặng bộ veston cho ông Dâu giá trị 380 USD, mong HĐXX xem như quà tặng thể hiện việc giao tế bình thường, chẳng phải là quà hối lộ.
Dư luận mong chờ phiên tòa làm rõ thực chất ông Mai Văn Dâu nhận số tiền “bôi trơn” là bao nhiêu? Còn ông Nguyễn Cương thì khẳng định, với vai trò là Phó Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất TPHCM, mà Sundance là doanh nghiệp có trụ sở thuộc quyền quản lý của cơ quan ông nên việc tác động xin quota giúp doanh nghiệp là… nghĩa vụ!
Phiên tòa tiếp tục làm việc vào hôm nay, 14/3.