Nguyên nhân số ca mắc COVID-19 tăng nhanh ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều 5/11.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều 5/11.
TPO - Trước diễn biến mới của dịch, một số tỉnh, thành đang lên phương án cách ly, điều trị F0 tại nhà. Đồng thời, tăng cường tầm soát vùng nguy cơ cao để tách F0 ra khỏi cộng đồng; xét nghiệm tất cả các trường hợp có triệu chứng ho sốt. Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban phòng chống dịch COVID-19 với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM và 8 tỉnh phía Nam, chiều tối 5/11.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo 8 địa phương nhận định chung, trong khoảng 14 ngày qua, số ca mắc COVID-19 (F0) có xu hướng tăng, trong đó, phần lớn các ca mắc được phát hiện trong cộng đồng. Đáng chú ý, một số địa phương có số ca mắc cao như Cần Thơ (440 ca/ngày), Bạc Liêu (414 ca/ngày), An Giang (355 ca/ngày)…

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 7 ngày qua (29/10-5/11), người dân trở về quê và có xét nghiệm dương tính chiếm khoảng 2%. Tại tất cả các tỉnh, thành, số lượng F0 tăng ở khu vực cách ly tập trung, phong tỏa chiếm trên 70%.

Theo đó, nguyên nhân là do những địa phương này đã tiếp nhận hàng chục nghìn người dân từ các vùng có dịch trở về trong đó, có một số lượng nhất định trường hợp mắc COVID-19. Bên cạnh đó, việc trở lại trạng thái bình thường mới, người dân buôn bán trở lại qua các địa phương, nên việc lây lan dịch cũng được xác định ở mức nguy cơ cao.

Do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, các địa phương giám sát tất cả người về từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa bàn có khu vực dịch ở cấp độ 3 và cấp độ 4. Chủ động giám sát và xét nghiệm những người có nguy cơ cao; chủ động cách ly tập trung hoặc tại nhà theo từng trường hợp.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh có chủ trương sàng lọc, xét nghiệm nhanh trong cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực nguy cơ cao; từ đó, phong tỏa hẹp để tiếp tục sàng lọc nhằm mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên quy mô từng xã, huyện. Cùng với việc tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, các khu điều trị tập trung chú trọng việc nâng cao sức khỏe cho các F0 để hạn chế chuyển nặng.

Các địa phương cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, theo dõi thường xuyên để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; cải thiện hệ thống y tế cơ sở để hỗ trợ cách ly F1 và điều trị F0 không có triệu chứng tại nhà; có phương án, chính sách để phối hợp y tế công và tư nhân trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; công nhận xét nghiệm nhanh do doanh nghiệp tự triển khai để giảm tải cho lực lượng y tế…

Giám sát tất cả người về từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố này yêu cầu Sở Y tế đánh giá, theo dõi tỷ lệ mắc cũng như chuyển nặng của những người đã tiêm mũi 1, mũi 2 và chưa tiêm…; từ đó có phương án ứng phó phù hợp, bám sát tình hình thực tế tình hình tại từng địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, hiện đã xuất hiện tư tưởng chủ quan của người dân trong đi lại, sinh hoạt sản xuất cũng như công tác chủ động phát hiện, khai báo. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phân tích, rà soát kỹ khả năng lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa do số lượng F0 tại đây có dấu hiệu tăng trở lại.

Hiện, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương giám sát tất cả người từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và vùng có cấp độ dịch mức độ 3 hoặc 4; chủ động giám sát nhưng người có nguy cơ cao; có hình thức cách ly phù hợp ở các địa phương.

Phủ nhanh mũi 1 vắc xin

Về vắc xin phòng COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các địa phương tổng hợp chi tiết nhu cầu vắc xin để tiêm cho từng nhóm đối tượng (trên 18 tuổi, từ 12-17 tuổi…); thống kê đầy đủ kết quả tiêm các loại vắc xin, số vắc xin đã được phân bổ và tiếp nhận… Khi các lô vắc xin về, Bộ Y tế sẽ phân bổ ưu tiên cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. “Các địa phương cần tiêm phủ nhanh nhất mũi 1 vắc xin, trong trường hợp cần hỗ trợ nhân lực tiêm thì khẩn trương đề xuất”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau khi ưu tiên vắc xin phòng COVID-19 cho TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hà Nội…, đến nay phải ưu tiên tối đa cho các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên… Các địa phương phải khẩn trương thống kê rõ ràng, đầy đủ nhu cầu từng loại vắc xin và có kế hoạch tiêm phủ 100% mũi 1 nhanh nhất cho người dân trên 18 tuổi trên tinh thần “tính bằng giờ, bằng ngày”.

Các tỉnh Nam Bộ, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giao lưu, đi lại rất lớn với TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Tương tự, đối với các tỉnh Tây Nguyên, thời gian qua đón rất nhiều người trở về từ địa phương đã nhiễm rất sâu dịch COVID-19. Bộ Y tế có trách nhiệm bảo đảm đủ vắc xin; tổ chức tiêm gọn từng tỉnh, khu vực, sau đó hỗ trợ chi viện lẫn nhau. Trong trường hợp các địa phương cần hỗ trợ nhân lực cần báo cáo, Bộ Y tế phối hợp Bộ Quốc phòng để điều động, chi viện lực lượng.

Về kiến nghị cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm, cập nhật kết quả lên ứng dụng phòng, chống COVID-19, Phó Thủ tướng cho rằng, đối với những doanh nghiệp, nhà máy đã tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân, khi phát hiện ca mắc, cần có phương án khoanh vùng gọn từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất thay vì đóng cửa toàn bộ nhà máy.

“Công nhân đã tiêm vắc xin, kể cả 1 mũi đã qua 14 ngày, nếu mắc COVID-19 thì cũng rất nhẹ. Vì vậy, Bộ Y tế cần có hướng dẫn linh hoạt thay vì quy định cứng tỷ lệ xét nghiệm định kỳ người lao động. Các địa phương cũng cần thống kê, hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.