Nước mắt là hỗn hợp của nước, dịch và chất nhờn bôi trơn bề mặt mắt giúp bảo vệ mắt khỏi những tổn thương và nhiễm trùng. Bình thường nước mắt được tiết ra một cách tự nhiên, vì vậy rất ít người để ý về lượng nước mắt tạo ra. Khi mắt bị khô, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau: khó chịu trong mắt, cảm giác khô, cảm giác rát bỏng, cảm giác có sạn trong mắt, ngứa mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, đỏ mắt, có dử mắt, nhìn mờ…
Khô mắt có thể là tình trạng tạm thời và sẽ trở lại bình thường sau một thời gian, không cần điều trị. Tuy nhiên, khô mắt cũng có thể trở thành một vấn đề mạn tính, dai dẳng, có thể dẫn đến các biến chứng làm suy giảm thị lực và chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng như đã liệt kê ở trên kéo dài là dấu hiệu cho thấy tình trạng khô mắt đang chuyển biến nghiêm trọng hơn.
Khô mắt là tình trạng lượng nước mắt tiết ra không đủ phục vụ cho hoạt động của mắt. Các tuyến lệ trong và quanh mi mắt bị giảm dần chức năng tiết nước làm ướt mắt. Ngoài ra, cũng có thể do gió, thời tiết và môi trường làm khô mắt…
Điểm danh những thuốc có thể gây khô mắt
Thuốc gây khô mắt do nhiều cơ chế. Chúng có thể làm giảm lượng nước mắt mà tuyến lệ tiết ra hoặc làm thay đổi hỗn hợp thành phần trong nước mắt. Một số thuốc có thể gây khô mắt như:
Thuốc kháng histamine: Các thuốc kháng histamine mà bạn dùng khi dị ứng với phấn hoa, bụi nhà, lông chó mèo, nấm mốc…. sẽ giúp bạn phòng ngừa các triệu chứng phổ biến như ngứa, hắt hơi, chảy nước mắt, và chảy nước mũi. Nhưng một số thuốc cũng có thể làm mắt ít tạo nước mắt hơn, dẫn đến khô mắt, gây kích ứng mắt.
Thuốc điều trị mụn: Một số thuốc trị mụn do bác sĩ kê đơn sẽ loại bỏ những nốt mụn bằng cách làm giảm chất nhờn được sản sinh bởi các tuyến bã nhờn dưới da. Nhưng một số tuyến này cũng có ở mi mắt, dẫn đến việc làm giảm lượng dầu trong nước mắt và gây khô mắt.
Các thuốc điều trị tăng huyết áp: Các thuốc chẹn beta (propranolol, timolol, atenolol…) là nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp phổ biến. Một trong những tác dụng phụ của thuốc này là làm giảm sản xuất một loại protein có trong nước mắt. Điều này dẫn tới nước mắt được tạo ra ít hơn và mắt trở nên khô hơn. Các thuốc chẹn beta còn làm giảm nhãn áp, làm giảm lượng nước trong nước mắt, là nguyên nhân gây khô mắt.
Thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị Parkinson và thuốc an thần gây ngủ: Các thuốc này đều có một điểm chung, đó là tác động đến cơ chế dẫn truyền thần kinh. Điều này giúp ích cho việc điều trị các chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần song đồng thời cũng làm ngưng các tín hiệu điều khiển mắt tiết nhiều nước mắt hơn, dẫn tới tình trạng khô mắt.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thuốc chống trầm cảm đều gây khô mắt, ThS.BS. Lê Công Thiện (Viện Sức khỏe tâm thần- Bệnh viện Bạch Mai) cho biết. Các thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptyline, doxepin, clomipramine…) hay một số thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) như sertraline và paroxetine gây khô mắt (nhưng fluoxetin trong nhóm SSRIs thì lại không gây ra tình trạng này).
Thuốc chống sung huyết mũi như: Để điều trị cảm lạnh hoặc dị ứng dẫn đến chảy nước mũi, bạn sẽ cần dùng các thuốc như oxymetazoline, xylometazoline… Thuốc có tác dụng làm co các mao mạch máu ở mũi, giúp dòng khí lưu thông trong mũi dễ dàng hơn, giúp dễ thở. Đồng thời chính “cơ chế” hoạt động đó cũng tác động đến mắt, khiến mắt ít sản sinh nước mắt hơn.
Cách đề phòng và điều trị khô mắt do thuốc
Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có cảm giác khô mắt thì cần báo cho bác sĩ biết để có hướng xử trí. Mặc dù khô mắt đem lại nhiều cảm giác khó chịu nhưng người bệnh không được dừng thuốc đột ngột vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân. Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc hay kê đơn mới bằng một thuốc khác không hoặc ít gây khô mắt hơn, trong trường hợp có thể.
Để điều trị rối loạn nước mắt, có thể áp dụng liệu pháp thay thế nước mắt bằng tra nước mắt nhân tạo, duy trì độ ẩm cho mắt. Tuy nhiên giải pháp này chỉ áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, để hạn chế sự bốc hơi của nước mắt, bạn có thể đeo kính mát, kính bảo hộ hoặc kính giữ ẩm.