Nguyễn Huy Thiệp và duyên phận với sân khấu(*)

Nguyễn Huy Thiệp và duyên phận với sân khấu(*)
TP - Vở “Sang sông” (kịch bản Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Anh Tú) đã tạo được nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần thứ nhất (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1-8/12/2008).

>> 'Sang sông' của Nguyễn Huy Thiệp gây nhiều tranh cãi

Nguyễn Huy Thiệp và duyên phận với sân khấu(*) ảnh 1

“Sang sông” với diễn xuất của Trung Hiếu, Lệ Ngọc… Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nhân dịp này chúng tôi trích đăng bài viết của nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành về kịch Nguyễn Huy Thiệp và vở “Sang sông”.

...Tao ngộ sân khấu, Thiệp tỏ ra chủ động. Hồi Lưu Quang Vũ (1948-1988) đang làm mưa làm gió kịch trường, đôi lần ngồi đàm đạo về  ma lực của ánh đèn sân khấu, Vũ đã hào hứng rủ rê Thiệp cộng tác chuyển truyện ngắn thành kịch.

Việc chưa đâu vào đâu, Lưu Quang Vũ đột ngột qua đời! Thiệp choáng váng vì lẽ vô thường của kiếp nhân sinh, nhưng không  bỏ cuộc mà âm thầm chuyển vài truyện ngắn mình tâm đắc sang dạng thức đối thoại.

Bạn bè đọc, thích thú, giục anh đưa cho người này người nọ có máu mặt ở giới sân khấu. NSND Phạm Thị Thành xăng xái dựng Quỷ ở với người cho sinh viên làm bài thi tốt nghiệp (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh), có mời Thiệp dự buổi diễn báo cáo!

Xem xong, Thiệp cám ơn một cách xã giao, nhưng thâm tâm không thỏa mãn, thậm chí thất vọng. Và, vở này cũng chỉ diễn duy nhất lần ấy, trong phạm vi hẹp của nhà trường.

Năm 2003, Cty văn hóa Phương Nam liên kết với NXB Trẻ, chật vật lắm mới cho ra mắt bạn đọc Tuyển tập kịch Nguyễn Huy Thiệp, gồm Quỷ ở với người, Còn lại tình yêu, Nhà tiên tri, Cái chết được che đậy, Xuân Hồng, Hoa sen nở ngày 29-4, Suối nhỏ êm dịu- với 1.000 ấn bản bán ra thị trường.

Kịch Nguyễn Huy Thiệp chính thức đến với công chúng. Mấy đơn vị xã hội hóa trong Nam ngoài Bắc rắp ranh đưa kịch bản này nọ rút từ tuyển tập vào kế hoạch dàn dựng mà rút cục chẳng thấy tăm hơi. Nghe nói chỉ có một kịch  bản in cuối cùng ở tuyển tập được trình diễn ở Pháp mà thôi...

Thi thoảng nhỏ to với tôi, Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra cay cú băn khoăn về số phận những kịch bản của anh, sao giới sân khấu chưa mặn mà? Tôi góp lời:

- Mỗi loại hình nghệ thuật dường như là một số phận người, đều có phương cách tồn tại riêng, lãnh địa riêng. Môi trường của kịch bản văn học là phải hiện ra trên sàn diễn nhà hát, nơi quần tụ của đám đông.

Chỉ trong khoảnh khắc ấy, không gian được thiết lập ấy của nghệ thuật trình diễn, nó mới thực sự chạm tới cái thế giới mà tạo hóa đã dành riêng cho sân khấu- một thế giới tràn đầy hình sắc, âm thanh và nhất là rạo rực chất nhục thể, dễ cám dỗ đến thôi miên dẫu chỉ trong thoáng chốc.

Chả thế mà nghệ thuật  nghe nhìn đang lên ngôi, có nguy cơ lấn sân văn hóa đọc thâm trầm, trí tuệ nhưng có phần riêng tư, đơn lẻ từng ngự trị quá lâu trong lịch sử sinh hoạt tinh thần nhân loại, nay đến lúc đối diện với khủng hoảng.

Có điều tài Nguyễn Huy Thiệp nếu tỏ ra đắc cách, đắc địa nên tỏa sáng ở chốn văn chương chữ nghĩa mà dường như không có duyên phận với cõi miền đầy tính phù du, có đấy mà tan biến ngay đấy của sân khấu chăng?

Nghe đến đó, Nguyễn Huy Thiệp sững lại, rồi rất nhanh chìm vào im lặng một cách bí ẩn. Bẵng đi một thời gian ít gặp lại anh, chỉ biết dạo này sức khỏe Thiệp xuống đi trông thấy sau chuyến đi Ý nhận giải thưởng văn chương và ghé sang Anh quốc dự lễ ra mắt bản dịch tác phẩm của mình.

Thế rồi, NSND Doãn Hoàng Giang, Chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ sân khấu, chính thức đặt hàng tác giả Sang sông chuyển thể sang kịch. Ngày khởi công dàn dựng tại 51 Trần Hưng Đạo, Thiệp cũng có mặt.

Tôi nóng ruột chờ đợi diện kiến hình hài Sang sông trên sàn diễn mà không khỏi âu lo lởn vởn về số phận và sức sống của nó. Thâm tâm, tôi thực sự mong muốn lời dự báo của mình về duyên phận của Thiệp với sân khấu sẽ bị bác bỏ. Thế rồi Sang sông được chọn khai màn Liên hoan sân khấu thể nghiệm  hôm 1/12 vừa qua.

Nếu Sang sông công bố trên báo Văn nghệ số 8/1992 qua khâu biên tập đã ít nhiều không còn giữ được nguyên dạng, thì dưới dạng kịch bản do chính tay Thiệp chấp bút lại thấy nhiều thay đổi hơn nữa.

Đối chiếu hai văn bản dễ dàng nhận ra sự cô đọng đến hàm súc với nhiều tầng ý nghĩa cao sâu lẫn tinh quái và hiểm hóc đã được chính Nguyễn Huy Thiệp làm mềm đi.

Chi tiết bàn tay như một biểu tượng ám ảnh lặp lại ở những biến thái khác nhau dưới lốt các nhân vật thuộc các tầng lớp khác nhau trong truyện không còn nhịp mạch được nhấn miết như trong kịch bản nữa. Đồng thời phần mở đầu và phần kết thúc kịch được kéo dài ra quá mức cần thiết.

Nhưng cũng có những thay đổi đáng chú ý khi xử lý chi tiết: Chủ chiếc bình cổ nổ súng vào gã lục lâm dám đập vỡ nó để cứu đứa trẻ bị kẹt cứng không rút tay khỏi bình được, bất ngờ nhận ra kẻ trúng đạn đang hấp hối kia lại chính là đứa con độc nhất bị lạc của mình!

Đạo diễn trẻ ngoại tứ tuần Anh Tú, sau vở diễn đầu tay- kịch thơ Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm, tiếp tục thử thách bản lĩnh với Sang sông đầy gai góc và quá phức tạp.

Đọc xong kịch bản, Anh Tú đã thẳng thắn nói với tác giả rằng, so với truyện, tính hấp dẫn lẫn sự sâu sắc giảm sút hẳn, nên đề nghị được cắt gọt, thêm bớt để phục nguyên tinh thần của truyện.

Qua sự dàn dựng của Anh Tú, vở diễn có một dung dáng là lạ, tân kỳ. Nhưng sự sâu sắc đến hóc hiểm bởi nhiều tầng ý nghĩa pha lẫn sự rậm lời đến mức sính triết lý dài dòng của tất cả các nhân vật vốn có trong kịch Thiệp chưa được tôn lên khi cần thiết, hoặc tước bỏ một cách đúng chỗ nên vở Sang sông hiện ra ngổn ngang bề bộn như quang cảnh một công trường xây dựng dang dở.

Có những lớp diễn lay thức người xem như đoạn hai cha con nhận ra nhau trong tuyệt vọng, nhưng cũng có nhiều đoạn diễn xô bồ dài dòng khiến một bộ phận khán giả thắc mắc không rõ vở kịch trao gửi thông điệp tư tưởng gì.

Dẫu có mặt được đi liền với mặt chưa được, thậm chí che lấp cái hay ẩn tàng, Sang sông vẫn là tiết mục mang tới cốt cách thử nghiệm, tìm lối đi mới cho sân khấu chúng ta.

(*) Tít bài do tòa soạn đặt

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.