Nguy hiểm bất ngờ từ bóng bay Hidro

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Những quả bóng bay tưởng chừng như vô hại nhưng khi gặp nguồn nhiệt như tàn thuốc, bật lửa, ánh nắng mặt trời…sẽ gây cháy nổ gây thương tích cho những người đứng gần.

Bóng bay bơm khí hydro được sử dụng rất phổ biến trong đời sống hiện nay. Chúng được bày bán ở nhiều nơi như cổng trường học, các điểm vui chơi giải trí… hay dùng để trang trí các sự kiện, lễ hội. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những quả bóng bay ấy có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu gặp nguồn nhiệt đủ lớn. Chúng có thể được ví như những “quả bom nổ chậm” gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, vào tối 15/9 vừa qua, tại một điểm vui chơi ngoài trời ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã xảy ra vụ việc một chùm bóng bay bơm khí Hidro phát nổ khiến 9 người bị thương nặng.

Ngay sau vụ nổ, cảnh tượng hoảng loạn đã xảy ra, nhiều người dân vứt cả xe máy, xe ôtô bỏ chạy. 9 nạn nhân nhanh chóng được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, TP Đồng Hới, Quảng Bình.

Hầu hết nạn nhân bị thương do bỏng độ 2 và độ 3. Bị thương nặng nhất là chị Nguyễn Thị Thanh Diệp (33 tuổi), trú TP Đồng Hới, nạn nhân này bị bỏng độ 3.

 Có 5 trẻ em bị bỏng trong vụ nổ bóng

Có 5 trẻ em bị bỏng trong vụ nổ bóng

Trong số các nạn nhân bị bỏng có 3 trẻ em. Ngay trong đêm, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba đã gọi điện các bác sĩ của bệnh viện có mặt kịp thời để cấp cứu người bị nạn.

Hiện công tác tập trung điều trị bỏng cho các nạn nhân đang được các bác sĩ tại bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới thực hiện. 5 trường hợp bỏng độ 2 sẽ có hướng điều trị nhiều thuận lợi. Riêng trường hợp bỏng độ 3, theo các bác sĩ, chắc chắn sẽ để lại nhiều di chứng về sau.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp nổ bóng bay gây tai nạn nghiêm trọng cho mọi người, trước đó tại Việt Nam cũng đã liên tiếp xảy ra các vụ việc nổ bóng bay gây bỏng nặng cho các nạn nhân.

2 bà cháu nhập viện vì bóng bay phát nổ

Chiều 1/7/2015, nhân dịp sinh nhật cháu C.M.H (3 tuổi, Trần Duy Hưng, Hà Nội), bà N.T.Y (53 tuổi) mua 2 quả bóng bay mang đến lớp trong lúc đón cháu. Khi cháu H. vừa cầm bóng thì bất ngờ 2 quả bóng bay phát nổ khiến cháu bị bỏng toàn bộ vùng mặt. Bà Y. ôm để che cho cháu cũng bị bỏng 2 bàn tay và cổ tay.

Hai bà cháu được đưa vào viện Bỏng Quốc gia để cấp cứu. Bác sĩ điều trị cho biết, cháu H bị bỏng độ 2-3 toàn bộ vùng mặt nhưng do bỏng khí nên có khả năng sẽ không để lại sẹo.

Chụp ảnh kỷ yếu bằng bóng bay, 3 sinh viên bị bỏng

Khoảng 8 giờ sáng 11/5/2015, sinh viên lớp Công tác xã hội K35, Đại học Khoa học (Đại học Huế) dùng bóng bay để trang trí buổi chụp ảnh kỷ yếu cuối khóa.

Một bạn nam trong lớp dùng bật lửa đốt sợi dây buộc nhằm chia nhỏ chùm bóng bay. Do bất cẩn, ngọn lửa bùng lên, cả chùm bóng phát nổ khiến 2 nam sinh và 1 nữ sinh bị bỏng.

Cả 3 ngay lập tức được đưa vào Bệnh viện Y dược Huế (Thừa Thiên - Huế) điều trị trong tình trạng bỏng vùng mặt và cánh tay.

13 thầy trò bị bỏng trong lễ mừng trường chuẩn quốc gia

 chùm bóng bay phát nổ làm 11 học sinh và 2 thầy giáo bị bỏng và phải nhập viện

chùm bóng bay phát nổ làm 11 học sinh và 2 thầy giáo bị bỏng và phải nhập viện

Ngày 24/4/2014, sau khi kết thúc lễ mừng trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều học sinh Trường THCS Suối Dây (huyện Tân Châu, Tây Ninh) được giáo viên phát bóng bay để chơi.

Bất ngờ chùm bóng bay phát nổ làm 11 học sinh và 2 thầy giáo bị bỏng và phải nhập viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chữa trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Hiếu Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân khiến các bệnh nhân bị bỏng là bóng bay được bơm khí hydro nên khi gặp oxy và ánh sáng mặt trời gây nổ, tỏa nhiệt làm những người tiếp xúc bị bỏng.

Đi dự đám cưới, 4 người nhập viện vì bóng bay phát nổ

Ngày 16/1/2014, gia đình anh Nam (40 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) đi dự đám cưới người thân ở nhà hàng. Đứa cháu xin một quả bóng bay ở đám cưới để chơi, anh Nam rút một dây trong chùm bóng bay ra nhưng không được.

Anh dùng bật lửa để đốt dây buộc. Quả đầu tiên thành công nhưng đến quả thứ 2 thì cả chùm bóng bay phát nổ.

Anh Nam và 3 đứa trẻ đứng gần bị lửa bén vào quần áo, bỏng ở mặt, cổ, tai và hai bàn tay. Cả 4 được sơ cứu và chuyển tới Bệnh viện Xanh Pôn điều trị.

3 người nhập viện vì nổ bóng bay ngày khai giảng

 Bóng bay nổ làm bà Thắm cùng 2 người cháu bị bỏng nặng.

Bóng bay nổ làm bà Thắm cùng 2 người cháu bị bỏng nặng.

Sáng 5/9/2013, bà Vương Hồng Thắm (43 tuổi, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) mua 40 quả bóng bay đã bơm khí hydro từ một cửa hàng chuyên bán bóng bay về để bán lại cho một trường học trang trí trong lễ khai giảng.

Khi đem về nhà, bà Thắm thả số bóng bay vào căn phòng rộng khoảng gần 20m2 và tiến hành buộc những quả bóng này thành từng túm.

Bỗng nhiên 1 quả bóng bay lên trên chạm vào bóng điện trên tường bị nổ và làm tất cả các quả bóng bay khác cùng nổ liên hoàn.

Hậu quả, bà Thắm cùng 2 người cháu là anh Lê Đại Dương (27 tuổi) và Vương Hồng Hà (31 tuổi) bị bỏng nặng, tóc cháy xém. Bà Thắm được đưa vào bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng cấp cứu. Anh Dương và anh Hà bị bỏng nặng hơn 50% cơ thể nên đã được chuyển lên Hà Nội điều trị.

5 người bỏng nặng do nổ bóng bay đêm trung thu

 Vụ nổ bóng bay khiến cả 5 người bị bỏng nặng phần mặt và tay.

Vụ nổ bóng bay khiến cả 5 người bị bỏng nặng phần mặt và tay.

Vụ tai nạn trên xảy ra khoảng 10h đêm ngày 30/09/2012. Nạn nhân là 5 thanh niên đang trọ ở Tam Trinh, Hoàng Mai được đưa vào cấp cứu tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn với tình trạng bỏng rất nặng.

Theo lời kể của Vân, Hoàng Mai, Hà Nội: "Vào đêm trung thu (đêm 30/09), cả nhóm (5 người) đang cầm chùm bóng bay đứng trong thang máy chuẩn bị đi chơi, bỗng Tuấn dùng bật lửa ga với ý định để cắt dây, tách rời từng quả bóng nhưng do lửa bén vào một quả bóng kết hợp với khí hidro gây nên tiếng nổ lớn khiến cả 5 người bị bỏng nặng phần mặt và tay”.

Những vụ việc trên đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh cho người dân cả nước về mức độ nguy hiểm của những chùm bóng bay bơm khí Hidro.

Dễ bị bỏng nặng khi nổ bóng bay

Theo BS Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng BV Xanh Pôn cho biết, bóng bay thường được bơm khí hydro hoặc acetylene là những chất khí rất nhạy với cháy nổ. Khi bóng bay ở gần nguồn nhiệt (tàn thuốc, bật lửa…) sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí trong quả bóng gây hiện tượng cháy nổ. Bóng bay càng to (được bơm lượng khí nhiều) thì nguy cơ gây cháy nổ càng lớn.

Bóng bay nổ có thể gây thương tích cho những người đứng gần. Đặc biệt là những vùng hở trên cơ thể như mặt, tay là những vùng nguy hiểm dễ bị bỏng nhất. Đây cũng là những điểm gây mất thẩm mỹ và có khả năng để lại di chứng lâu dài cho bệnh nhân.

BS Thống khuyến cáo, khi bị bỏng người thân hoặc những người xung quanh cần nhanh chóng loại bỏ những chất gây bỏng trên da nạn nhân. Sau đó, lập tức tìm cách phân vùng bỏng theo mức độ, ngâm vùng bỏng vào nước mát ngay. Tuyệt đối không được bôi kem đánh răng hay bôi nước mắm lên vết bỏng sẽ dễ làm nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu, mọi người cần dùng gạc y tế, quấn lỏng quanh vùng bỏng của nạn nhân để bảo vệ cho da không bị nhiễm trùng và nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện.

Mặt khác, trẻ nhỏ là đối tượng hay bị bỏng do bóng bay nhiều nhất vì thế các gia đình không nên mua những quả bóng quá lớn để trang trí nhà vào dịp lễ, Tết. Để tránh nguy hại, khi bơm bóng mọi người không được bơm quá căng. Bên cạnh đó, khi trẻ chơi đùa với bóng bay, người lớn cũng cần để ý, tránh để bóng gần nguồn nhiệt. Hơn nữa, cũng không nên để bóng bay ngoài trời nắng vì nhiệt độ cao sẽ khiến cho bóng bay nổ hay lưu trữ trong phòng kín bởi nếu không may chạm vào nguồn nhiệt như đèn điện cũng có thể phát nổ để lại hậu quả đáng tiếc.

Theo Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG