Nguy cơ 'sập' thị trường nông sản vì cỏ kế đồng

Cỏ kế đồng bị cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam phát hiện, có khả năng lây lan rất nhanh, xâm hại nghiêm trọng cho hơn 27 loại cây trồng, xâm lấn đồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia
Cỏ kế đồng bị cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam phát hiện, có khả năng lây lan rất nhanh, xâm hại nghiêm trọng cho hơn 27 loại cây trồng, xâm lấn đồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia
TP - Ngày 17/10, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm tháo gỡ khó cho các DN nhập khẩu lúa mỳ nhiễm cỏ kế đồng, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) khẳng định, loại cỏ dại này là đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới, nếu xâm hại vào nước ta sẽ gây tổn hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, môi trường, thậm chí có thể đánh sập các thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Loại cỏ nguy hiểm

TS Dương Minh Tú, Giám đốc Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật (Cục BVTV), cho biết, cỏ kế đồng (tên khoa học là Cirsium arvanse) là loài có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, sau đó lây lan sang Mỹ, Canada và một số quốc gia khác do nhập khẩu, vận chuyển các lô hàng bị nhiễm hạt của loài cỏ này. Loài cỏ này có khả năng thích nghi và phát triển tại nhiều vùng sinh thái, khí hậu và đất đai khác nhau.

Theo TS Tú, cỏ kế đồng có thể cao đến 1,5 m, lây lan rất nhanh cả hình thức bằng vô tính, hữu tính, sức chống chịu và thích nghi với môi trường rất tốt. Rễ cỏ mọc rất sâu trong đất, có thể sâu đến 3m và mọc lan ngang đến 6 m, từ rễ hoặc đoạn rễ cỏ, mầm mới lại mọc lên để tạo thành quần thể. Mỗi cây có thể tạo ra 5000 hạt cỏ rất nhỏ, dễ phát tán nhờ gió, các loại chim, gia súc, động vật hoang dã, qua hệ thống thuỷ lợi (hạt cỏ có thể trôi dạt theo dòng nước và có thể nảy mầm sau khi nằm trong đất hoặc trong nước 20 năm) cũng như hoạt động của máy móc nông nghiệp và các hoạt động của con người.

TS Tú cho rằng, loài cỏ này mọc xâm lấn, cạnh tranh dinh dưỡng với các loại cây trồng và có thể tiết ra chất độc để ức chế các cây khác phát triển. Hiện có kế đồng có thể gây hại nghiêm trọng hơn 27 loại cây trồng (ngô, đậu tương, các loại đậu đỗ, hành,bầu bí, khoai tây, cà, nho….), xâm lấn đồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia.

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng KDTV (Cục BVTV), cho biết, do nguy hiểm, nên cỏ kế đồng là đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, không cho phép hàng hoá bị nhiễm loại cỏ này nhập khẩu để bảo vệ  sản xuất nông nghiệp như: Braxin, Argentina, Mexico, Úc, Israel, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Campuchia… Theo ông Hà, ngay tại Mỹ, Canada nơi cỏ kế đồng đã lây lan ra nhiều nơi,  nhưng nếu phát hiện trong hàng hóa nhập khẩu có loại cỏ này, lập tức bắt tái xuất. “Do vậy, nếu hàng nông sản từ Việt Nam xuất sang Mỹ, dính loại cỏ này, thì chính họ sẽ cấm chúng ta chứ không ai khác”- ông Hà nói.

Theo PGS TS Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, đã là đối tượng kiểm dịch thì không thể để lọt một đối tượng nào, chứ không phải có tỷ lệ như các DN đề xuất. Bởi đây là lợi ích quốc gia, vì sự phát triển nông nghiệp bền vững.

PGS Vân cũng cho rằng, việc ngăn chặn các đối tượng KDTV là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của ngành BVTV, nếu để loại cỏ kế đồng vào nước ta, cùng  với các loại cỏ dại khác nó sẽ gây thiệt hại khủng khiếp. “Cây mai dương, bim bôi hoa vàng…là một bài học, việc xử lý những loại cây ngoại lai này rất khó khăn và vô cùng tốn kém”, ông Vân cảnh báo.

Lùi thời gian yêu cầu tái xuất

Theo Cục BVTV, từ tháng 5/2018 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 1,6 triệu tấn lúa mỳ (khoảng 1.000 lô) nhiễm cỏ kế đồng, phần lớn nhập khẩu từ Mỹ, Canada và Nga. Đây là một tỷ lệ rất lớn, so với con số cả nước nhập từ đầu năm đến nay chỉ hơn 4 triệu tấn. Cục đã chỉ đạo hệ thống KDTV áp dụng biện pháp yêu cầu tái xuất từ 1/11 tới, và cảnh báo nguy cơ áp dụng biện pháp mạnh hơn với những lô bị nhiễm cỏ dại nguy hiểm trên.

Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp tái xuất sẽ khiến nhiều DN lo ngại thiếu nguyên liệu để sản xuất. Nhiều DN đề xuất lùi thời hạn áp dụng biện pháp tái xuất. Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty Bột Quốc tế, nói rằng, nếu tái xuất các lô lúa mỳ nói trên, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN, vì mỗi lô trị giá vài trăm tỷ đồng, nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất.

Trước những vấn đề của DN kiến nghị, ông Hoàng Trung, Cục trưởng BVTV, khẳng định, cỏ kế đồng thuộc đối tượng KDTV của Việt Nam, và cơ quan KDTV đã xử lý đúng theo quy định và thông lệ quốc tế. “Từ khi phát hiện (tháng 5/2018), Cục đã thông báo, họp với các DN để cảnh báo, tháo gỡ, điều động cán bộ KDTV để hỗ trợ… Đến thời điểm này, Bộ, Cục chưa có văn bản nào công bố cấm, tạm ngừng nhập khẩu lúa mỳ nhiễm cỏ kế đồng”- ông Trung nói.

Theo ông Trung, trước khó khăn của DN, cũng các nước như Mỹ, Canada, Nga đã có văn bản chính thức, đề nghị Việt Nam ngồi lại để tìm giải pháp để ngăn chặn loại cỏ này, Cục đã tạm thời lùi thời hạn áp dụng biện pháp tái xuất từ 1/11, và duy trì việc kiểm soát theo tình thế.

“Biện pháp tình thế là vẫn cho phép nhập khẩu, nhưng dưới sự giám sát rất chặt chẽ của cơ quan KDTV, từ trên tàu, xuống cầu cảng, trong quá trình bốc dỡ, chuyển về kho, niêm phong giám sát các kho, đồng thời giám sát từ khâu xay xát, lên viên (nếu làm thức ăn gia súc), hoặc bột mỳ thành phẩm… lúc đó mới hoàn tất quá trình KDTV, ngăn chặn loại cỏ kế đồng xâm hại”- ông Trung nói.     

Lãnh đạo Cục BVTV cảnh báo, trong trường hợp sau khi đàm phán với các nước mà không có giải pháp xử lý loại bỏ cỏ kế đồng ra khỏi hàng từ nước nhập khẩu, Cục sẽ áp dụng biện pháp cao hơn, trước mắt là yêu cầu tái xuất, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.