'Nguy cơ mất nước' vì phim ngoại?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thoạt nghe cảnh báo này trong tham luận của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc, một số người bất ngờ và phản ứng. Thực ra từ lâu văn hóa nghệ thuật đã được hiểu là một thứ quyền lực mềm có sức mạnh sâu rộng, liên hệ hữu cơ với nền kinh tế và vị thế quốc gia.

“Chỉ đến khi chúng ta nhận ra con cháu ta say mê xem phim, nghe nhạc Hàn hơn là phim, nhạc Việt; thích đọc truyện tranh Nhật hơn truyện cổ tích Việt; bật ti vi lên bất kỳ giờ nào cũng thấy nhiều phim và nhạc nước ngoài hơn phim, nhạc Việt; đến các thành phố thì nhan nhản những tòa nhà và khu mua sắm mang tên nước ngoài khó đọc, khó hiểu, khó nhớ... lúc đó chúng ta mới bàng hoàng nhận ra nguy cơ mất nước từ bên trong, tuy chưa quá nghiêm trọng nhưng đã ở mức báo động đỏ rồi”, nhạc sĩ cảnh báo.

Tất nhiên mất nước phải hiểu theo nghĩa tinh thần. Khi chúng ta dành nhiều thời gian để tiếp thu văn hóa nước ngoài sẽ dẫn đến sự ưa chuộng không chỉ tác phẩm mà hình ảnh đất nước con người mà cả các sản phẩm tiêu dùng, du lịch của họ. Việc giao lưu văn hóa này chỉ có vấn đề khi nền văn hóa của chúng ta quá thiếu vắng những sản phẩm để khẳng định bản sắc, cũng như để tăng sức đề kháng trước những đợt tấn công ào ạt từ bên ngoài.

Trước khi cùng chịu tác động toàn cầu của làn sóng Hàn Quốc, công chúng Việt Nam từng ảnh hưởng văn hóa Liên Xô (cũ), say sưa với truyện chưởng, phim bộ Trung Quốc rồi truyện tranh Nhật Bản, sản phẩm văn hóa Âu Mỹ thì quá tràn lan rồi. Người Hàn giỏi ở chỗ không chỉ kháng cự mà còn biết cách tiếp thu và ảnh hưởng ngược lại. Ở ta mảng phim truyền hình nội gần đây khởi sắc trở lại. Nhưng phần nhiều lại do sẵn nguồn kịch bản nước ngoài mà ta phải mua lại, chủ yếu của Hàn Quốc, Trung Quốc và gần đây thêm Thái Lan- người láng giềng đang nổi lên như một đế chế phim ảnh mới.

Dự đoán tới đây Việt Nam sẽ còn nhập siêu từ Thái Lan trên lĩnh vực văn hóa song song với kinh tế. Nếu trước người Hàn học công nghệ làm phim từ Mỹ thì người Thái sẵn học lại người Hàn. Năm 2016 khi “Hậu duệ mặt trời” đang làm mưa gió, diễn viên Song Joong Ki đã nhận được lời mời sang thăm Thái Lan và gặp hẳn Thủ tướng. Qua đây Thái Lan muốn thúc đẩy tương tác về điện ảnh và du lịch giữa hai nước. Và thành tựu lớn đã đến với điện ảnh xứ chùa vàng hai năm sau đó-phim dài tập “Nhân duyên tiền định” vượt khỏi biên giới. Bên cạnh chuyện tình xuyên không ly kỳ, phim đậm đặc các yếu tố văn hóa lịch sử truyền thống Xiêm La.

Thành công của phim dẫn tới việc trang phục, lễ hội truyền thống cũng như lịch sử Thái Lan tiếp cận thế giới nhiều hơn. Trong nước, phim cũng kích thích người dân mặc trang phục truyền thống và tới cố đô Autthaya- bối cảnh của phim du ngoạn nhiều hơn. Văn hóa cung cấp những cách thức tự nhiên nhất để thể hiện lòng yêu nước như thế.

Cách dễ (mà cũng khó) nhất để tiếp cận trái tim khán giả không phân biệt biên giới là qua phim ảnh và nghệ thuật đại chúng. Khi đã có được trái tim rồi thì đường đến… ví tiền không xa. Đầu tiên là các đồ lưu niệm dành cho người hâm mộ đắt hàng, sau đó đến các thương hiệu từ đất nước đang chiếm thế thượng phong về văn hóa. Mất nước theo nghĩa đen thì chưa nhưng mất thị trường là thực tế nhãn tiền.

Muốn lấy lại thế cân bằng về văn hóa chỉ có cách nâng cao tinh thần nội sinh để tạo nên tác phẩm có chất lượng, trước hết phải đáp ứng được nhu cầu và mặt bằng thưởng thức trong nước. Điều này không thể trông chờ vào sự đột biến của một vài tài năng đơn lẻ mà phải có một chủ trương, cơ chế đồng bộ.

Việt Nam bắt đầu có những tín hiệu tích cực khi các cấp lãnh đạo bắt đầu quan tâm hơn và đánh giá đúng tầm quan trọng của văn hóa và phim ảnh.

Nếu còn có ai chưa nhìn ra vấn đề thì có khi vì loạt đạn “phim ngoại” quá ngọt họ đã trúng phải mà không hay biết.

MỚI - NÓNG