Nguy cơ mai một văn hóa Brâu

Nguy cơ mai một văn hóa Brâu
TP -  Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Phạm Cao Đạt trao đổi với phóng viên Tiền Phong quanh nguy cơ mai một văn hóa của người Brâu ở Đăk Mế - Bờ Y - Ngọc Hồi - Kon Tum.

>> Phát hiện thêm 8 bộ chiêng Tha của người Brâu

Nguy cơ mai một văn hóa Brâu ảnh 1
Chiêng Tha báu vật của người Brâu  Ảnh: Huỳnh Kiên

Làng của người Brâu ở Đăk Mế - Bờ Y - Ngọc Hồi - Kon Tum đang nằm trong khu quy hoạch đô thị trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong tương lai nó sẽ là đô thị loại II. Làm thế nào để bảo tồn văn hóa của người Brâu?

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Nhà nước bỏ ra khá nhiều tiền, song người Brâu ít chịu ở làng của họ. Từ năm 1991, khi làng Brâu bị cháy, chúng ta đầu tư vào đây rất nhiều tiền, song không hiệu quả. Tôi cho rằng, nếu mình hiểu họ thì chừng đó tiền là yên ổn lâu rồi.

Bây giờ, họ vẫn vào rẫy gần nhất là ba cây số, đến rẫy xa nhất hàng chục cây số. Gọi là nhà ở làng Đăk Mế song, thực chất, họ ở trong rẫy. Cho nên, làng Brâu ở Đăk Mế quanh năm gần như chỉ có bà già, con nít ở nhà. Những người biết lao động hầu hết đều ở trên rẫy.

Càng ngày càng đẩy họ vào sâu. Dự án mới hiện nay triển khai hai mấy tỷ đồng làm nhà mới, ruộng nữa nhưng, về văn hóa, thì rất đáng suy nghĩ. Vấn đề xen cư vào quá nhiều, dân số Brâu vênh trong các báo cáo, mỗi cơ quan một số liệu khác nhau.

Có thêm người Kinh, người Thái người Nùng, Mường trong làng Đăk Mế. Tính lai tạp hôn nhân trong cộng đồng Brâu cũng diễn ra nhiều, người Brâu lấy các dân tộc khác và ngược lại. Rất khó biết thế nào Brâu thuần chủng. Thôn trưởng đưa tôi số liệu 114 hộ, 420 dân, song số liệu của UBND xã khác.

Chúng ta đầu tư nhiều nhưng không hiệu quả, dễ dẫn đến phản tác dụng?

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Bây giờ, trong đồng bào Brâu xuất hiện tâm lý ỷ lại nhà nước về đồng tiền và mê tín dị đoan trở lại quá nhiều. Bất cứ thứ gì cũng làm kiêng và cúng. Kiêng cả tháng, kiêng cúng trâu. Không có tiền phải đi mượn, đi vay. Tôi vừa rồi mới đi ba ngày, 19 đến 21/6 này, thấy rất đáng lo.

Nguy cơ mai một văn hóa Brâu ảnh 2
Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt người gần 20 năm nghiên cứu dân tộc Brâu

Ông đánh giá thế nào về khả năng mai một văn hóa truyền thống của người Brâu, nhất là làng Đăk Mế đang được đô thị hóa rất nhanh.

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Bây giờ, mình làm việc cứu vãn. Nghĩa là, cứu vãn được gì thì cứu vãn. Từ năm 1992, khi Brâu và Rơ Mâm “rơi vào sách đỏ”, nhà nước đầu tư cho họ rất nhiều nên không ít làng xung quanh ganh ghét.

Lo sợ về sự tuyệt chủng của họ nên mình có nhiều chính sách quan tâm đến họ. Thế rồi, nhiều cơ quan xuống với họ, mỗi một cơ quan có cách ứng xử khác nhau. Cho tiền dân vô tội vạ.

Bây giờ, khu vực này được quy hoạch thành đô thị loại II nên đất có giá, họ bán đất cho dân ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội nên có tiền. Họ tiêu tiền rất buồn cười, không có kế hoạch, uống rượu suốt ngày. Sự xen canh xen cư ngày càng phổ biến nên bản sắc mất dần.

Cái khó hiện nay là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế xã hội với việc bảo tồn bản sắc của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và Brâu nói chung. Đảng, Nhà nước không thể để họ lạc hậu mãi...

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Cách tác động của chúng ta hiện nay vào cộng đồng Brâu là rất mạnh. Song, điều quan trọng là làm đúng cách, hợp với lòng dân, để dân tự quyết định làng họ ở đâu, nên làm như thế nào.

Như Nhà rông mà khi dự án tái định cư Đăk Mế xây cho họ, dân gọi là Nhà rông Nhà nước. Xây dựng năm 1993 đến năm 1997 hỗ trợ họ làm lễ đâm trâu. Họ đến một lần rồi để lại cho trường học. Sau đó mái tôn bị lốc đánh tốc lên. Giờ chỉ trơ lại các cột. Không hiểu văn hóa nên sự ứng xử của chúng ta đôi khi tốn tiền mà chẳng hiệu quả.

Trước sự tác động như thế, như ông nói, người Brâu càng lùi sâu vào trong rừng, đi cách làng từ 3 - 10 km. Vậy người Brâu sẽ đón nhận làng tái định cư sắp tới như thế nào?

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Có thể vẫn như cũ thôi. Hộ nào cũng có nhà trong rẫy. Nếu tái định cư mà vẫn như làng Iệc ở Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y nhà 35 triệu đồng san sát nhau, 400 m2 vườn thì dân sẽ chủ yếu sống trên rẫy.

Họ thấy càng lùi sâu vào rừng đời sống càng ít bị tác động. Họ thực hiện kinh tế chiếm đoạt theo truyền thống, ăn uống đã có sẵn trên rừng dưới suối, không phải mua. Họ bắt cua, ếch, nhái để ăn, rồi những món khoái khẩu như đọt mây, măng rừng, nấm, tổ kiến rau rừng.

Về làng cái gì cũng cần đến tiền, mà họ không giỏi sản xuất hàng hóa, kiếm tiền. Vì thế, thời điểm hiện nay mà lên làng Brâu thì 10 đàn ông có bảy người say rượu. Không có việc làm trên rẫy, họ về làng chỉ lấy rượu giải trí nên say sưa suốt ngày. Bây giờ, người ta bán đất có tiền.

Nguy cơ mai một văn hóa Brâu ảnh 3
Biểu diễn chiêng Tha của người Brâu

Trình độ dân trí Brâu hiện nay ra sao, người học cao đến lớp mấy?

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Có một em trình độ hết lớp12. Trước đây, ngành giáo dục tổ chức một lớp dành riêng cho họ. 14 em ra trường nội trú dân tộc huyện để học. Có lớp riêng, song chỉ được một năm.

Ông đang có nhiều tâm huyết với Brâu, hy vọng sắp tới sẽ có tác phẩm ra mắt công chúng.

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Tôi đăng ký sẽ làm cuốn sách phác thảo Folklor Brâu. Từ phương tiện vận chuyển đến phương thức chế tác, nhu cầu ẩm thực, giải trí, lễ hội, cấu trúc làng, nhà ở, hôn nhân làm hết.

Phác thảo một khuôn mặt như vậy về sau lỡ không còn điều kiện tồn tại thì cũng có cái để hình dung về Brâu. Ngay bây giờ cũng đã sử dụng đến tư duy hồi cố của nghệ nhân rất nhiều. Cứu vãn được cái gì thì cứu vãn, chứ không văn hóa Brâu sẽ mất đi mau chóng.

Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu Folklor Brâu, ông đánh giá thế nào về chiêng Tha trong đời sống tinh thần của họ?

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Chiêng Tha trong tâm linh Brâu như vật thiêng, vật tổ. Người Brâu không có từ đánh chiêng Tha mà “mời Tha nói”, thủ tục rất khắt khe. Chiêng Tha chỉ tham gia phần lễ đơn thuần, không mang Tha vào hội.

Năm 1992, tôi chủ động đi tìm giá trị di sản văn hóa Brâu, sau đó về làm riêng công trình âm nhạc dân gian Brâu, đạt giải Hội Văn hóa Dân gian năm 1997. Trong công trình đó, tôi thống kê toàn bộ cồng chiêng.

Dân tộc Brâu lúc đó có 55 hộ, song có 17 bộ cồng chiêng, trong đó có 10 bộ chiêng Tha (3 bộ chiêng Man, 4 bộ chiêng Goong). 10 bộ chiêng Tha /55 hộ, mật độ sở hữu cồng chiêng lớn nhất trong các dân tộc ở Kon Tum.

Đã gần 20 năm gắn bó với chiêng Tha ông có biết chất liệu gì  đúc chiêng Tha mà quý  vậy. Nguồn gốc của chiêng Tha thế nào?

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Cũng như tất cả các chiêng khác, người Brâu chỉ sử dụng chiêng Tha chứ không làm ra. Về giá trị vật chất đơn thuần, ngày xưa bà con cho biết mua một bộ chiêng mất 40 - 50 con trâu. Trên thực tế, cách đây bốn năm, bảo tàng Kon Tum có mua một bộ chiêng trị giá hơn ba cây vàng của ông A Lem.

Bị xơ gan cổ trướng song ông chịu chết chứ quyết không bán chiêng Tha mua thuốc điều trị mà để lại cho con cháu. Chúng tôi năn nỉ mãi, nói rằng bảo tàng mua bảo tồn vật quý của người Brâu, lúc đó Thao Lem mới chịu nhượng lại.

Tỉnh Kon Tum có 30 loại chiêng của 20 nhóm dân tộc, mỗi nhóm có chiêng cổ truyền, chiêng thiêng. Tùy lễ nào mới đem chiêng thiêng ra đánh, không phải lúc nào cũng đánh được. Theo tôi giá trị của chiêng Tha là giá trị tâm linh ấp ủ trong vật chất đó.

Brâu là một trong năm dân tộc ít người nhất nước ta hiện nay. Chiêng Tha chỉ riêng người Brâu mới có, dường như ngành Văn hóa Kon Tum đang có dự án bảo tồn giá trị của chiêng Tha.

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Vừa qua Phòng VHTT Ngọc Hồi có làm dự án bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó có đề nghị Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch giúp về vật chất để họ duy trì chiêng Tha của Brâu.

Họ muốn khôi phục nguyên gốc bộ trang phục truyền thống nghệ nhân gốc gác là áo vỏ cây. Đã tìm nguyên liệu gần giống như thế ở huyện Đăk Glei lân cận. Nguyện vọng này tôi cho là rất chính đáng, bởi giá trị vật chất không lớn. Bộ chiêng mấy chục con trâu người ta còn giữ được, mấy triệu đồng sắm vài bộ áo nên làm.

Những năm vừa qua người ta rất lo lắng về tình trạng chảy máu cồng chiêng. Sắp tới nếu không bảo tồn tốt người Brâu có thể bán chiêng Tha lắm!

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Tôi trăn trở nhiều về vấn đề sở hữu cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên. Sắp tới, nếu có hội thảo khoa học tôi sẽ có tham luận về vấn đề này. Không gian văn hóa cồng chiêng rất rộng lớn, song vấn đề sở hữu cồng chiêng như thế nào trong di sản này?

Nhà nước chưa có đầu tư gì cả. Nhà nước chỉ công nhận không gian cồng chiêng, chứ chưa đầu tư gì trong đấy. Chiêng họ mua sắm được là tài sản riêng của họ. Làm thế nào để họ tự hào, giữ lại, không bán đi. Chứ không thể cấm họ mua bán đổi chác vì đó là tài sản của họ.

Chúng ta thống kê, lên danh sách rồi làm việc vô lý là bắt họ phải giữ mà không cho họ  trao đổi. Ấy là điều cực kỳ vô lý. Tôi nghĩ như thế!

Cảm ơn ông.

 Huỳnh Kiên thực hiện

MỚI - NÓNG