> Quảng Ngãi: Hơn 400 tỷ đồng xây vũng neo đậu tàu thuyền
Không đưa tàu về neo đậu
Ngày 16-11-2011, tàu cá QNg 48909 TS công suất 80 CV của anh Hành Văn Hoá (thôn Hải Tân, Phổ Quang) xuất bến. Chưa kịp ra khỏi cửa biển Mỹ Á thì tàu bị sóng đánh chìm cùng toàn bộ ngư dân.
Thấy vậy, tàu của anh Trần Cu Ly quay lại cứu nạn, thì bị va vào đá ngầm, khiến ngư dân Võ Minh Châu rơi xuống biển, hôm sau mới tìm thấy xác cách đó 20 km. “Bao nhiêu năm đi biển thuê tích góp đóng được con tàu trị giá 500 triệu đồng, mới được vài phiên biển đã mất trắng.
Còn chú Châu vợ đau ốm triền miên, phải đi làm nuôi 4 miệng ăn. Hôm ấy chú nài nỉ xin đi chuyến biển cuối năm để kiếm ít tiền về lo Tết cho tụi nhỏ nhưng lại bỏ mạng oan uổng” - anh Hóa nói.
Sau Tết, anh Hóa chạy vạy vay tiền đóng con tàu khác, nhưng anh nguyền sẽ không bao giờ xuất phát từ cửa biển Mỹ Á, và cũng không đưa tàu về đây neo đậu, dù tốn kém thêm.
Đây cũng là chọn lựa của nhiều ngư dân Đức Phổ. Bởi cũng tại cửa biển này, ngày 9-11-2011, tàu cá QNg 44297TS của ngư dân Nguyễn Quảng cũng bị sóng đánh chìm khi xuất bến, thiệt hại trên 400 triệu đồng, may không ai mất mạng.
Lão ngư Nguyễn Xếch - Vạn trưởng Vạn chài thôn Hải Tân, kể: Từ ngày công trình được khởi công xây dựng đến khi đưa vào sử dụng đã có hàng chục tàu bị nạn nơi cửa biển này, và hàng trăm lượt tàu trễ lịch ra khơi, do cửa biển bị bồi lấp.
Bây giờ chỉ còn khoảng 150 tàu công suất nhỏ neo đậu ở đây, còn khoảng 350 tàu công suất lớn phải neo ở nơi khác.
Tự cứu mình
Vì cửa biển bị bồi lấp nên nhiều chủ tàu tự cứu mình bằng cách neo tàu bên ngoài cửa biển mỗi khi trở về, sau đó dùng thuyền thúng vận chuyển cá vào bờ, chấp nhận thêm phí tổn vào ra.
“Cách này tốn kém lắm nhưng cũng phải cố về bến này. Bởi nếu chúng tôi bỏ đi nơi khác thì dịch vụ nghề cá trên bờ ở đây sẽ chết, nhất là chị em phụ nữ không còn công ăn việc làm, đói cả nhà”- ngư dân Võ Xuân Cẩm, nói.
Ông Nguyễn Khanh (65 tuổi) có thâm niên 50 năm trong nghề biển ở thôn Hải Tân, cho biết: Cửa biển Mỹ Á này, cứ sau Tết Nguyên đán là cát bồi lấp khiến tàu thuyền không thể ra khơi, xảy ra hàng chục năm nay.
Những tưởng dự án 90 tỷ kia sẽ khắc phục được, nào ngờ tình trạng cát bồi lấp vẫn tiếp tục tái diễn và ngày một nghiêm trọng hơn.
Ngư dân Nguyễn Xếch đưa tay chỉ về “núi cát” chắn ngang cửa biển, ngao ngán: “Trong lúc chờ nhà nước, ngư dân chúng tôi phải tự bỏ tiền từ 500 ngàn đến 1,5 triệu đồng tuỳ theo công suất tàu để nạo vét. Nhưng cũng chẳng thấm vào đâu”. Chiếc xà lan của đơn vị thi công cũng bị cát nhấn chìm.
Không chỉ có cát bồi lấp, cửa biển này còn có những tảng đá ngầm khổng lồ khiến ngư dân khiếp sợ mỗi khi đưa tàu ra vào cửa biển.
“Do lúc khảo sát không phát hiện các tảng đá này nên giờ cần phải có thời gian nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục. Do đó cửa biển bị cạn, hẹp gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào là điều không thể tránh khỏi”- ông Nguyễn Thành Vinh - Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đầu tư và xây dựng Thủy sản (Sở NN&PTNT Quảng Ngãi), lý giải.
Chủ tịch UBND xã Phổ Quang, ông Nguyễn Anh Tuấn, bức xúc: Công trình này là niềm mong đợi nhiều thế hệ ngư dân ở Đức Phổ, và còn góp phần tiêu thoát úng cho hàng ngàn hecta lúa, hoa màu ở khu đông hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ, thế mà nay như thế này thì lãng phí quá.
Công trình này do Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với các hạng mục: Đê bắc, đê nam, đê chắn cát – ngăn lũ, vũng neo đậu tàu thuyền, khơi luồng ra vào và bến cá, đảm bảo cho 400 tàu cá và tàu công suất trên 400 CV có thể ra vào cửa biển và neo trú an toàn trong mọi tình huống thời tiết. Trước đó, cũng tại huyện Đức Phổ, dự án khơi thông công trình cửa biển Sa Huỳnh đầu tư trên 45 tỷ đồng, nhưng khi đưa vào sử dụng lại trở thành nơi bẫy tàu cá mỗi khi ra vào cửa, làm thiệt hại cho ngư dân hàng tỷ đồng (Tiền Phong đã phản ánh). |