Nguy cơ lạm phát, thâm hụt ngân sách

Nguy cơ lạm phát, thâm hụt ngân sách
TPO- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2010 dự báo lạm phát trong năm nay ở mức 8,5%, tăng trưởng GDP đạt 6,3%. Theo kịch bản cao, lạm phát sẽ lên tới 10,5% trong năm 2010 nếu Chính phủ không quyết liệt trong việc chống lạm phát.
Nguy cơ lạm phát, thâm hụt ngân sách ảnh 1

Xe Audi Q7 có giá sau thuế 137.000 USD vừa được nhập về đầu tháng 7/2008, hiện đang được trưng bày tại salon Xpo Auto - Ảnh: Lê Nam - Tuổi Trẻ

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế, Đại học Kinh tế cho biết, năm nay, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với hai áp lực lớn về tỉ giá và thâm hụt ngân sách.

Có 2 kịch bản lạm phát trong năm 2010: Nếu Chính phủ thận trọng trong chính sách tiền tệ, lạm phát sẽ ở mức “thấp” 8,5%.

Nếu Chính phủ không quyết liệt trong việc chống lạm phát, mức lạm phát lên tới 10,5%. Dù lạm phát đạt hai con số nhưng tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8 - 6,9%.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng này có thể dẫn tới những bất ổn vĩ mô như lạm phát vượt một con số, thâm hụt thương mại tăng và thâm hụt ngân sách tương đương năm 2009. Chính phủ không nên đặt ra quá nhiều mục tiêu phát triển cùng lúc và năm 2010, ổn định kinh tế vĩ mô cần được ưu tiên hơn là nỗ lực tăng trưởng.

Báo cáo cũng đưa ra nhận định, đồng tiền Việt Nam sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá trong thời gian tới. Cùng với đó, thâm hụt ngân sách là vấn đề đáng lo ngại trong trung và dài hạn vì bội chi của Việt Nam đã luôn ở mức 5% GDP từ nhiều năm gần đây. Riêng năm 2009, bội chi ngân sách ước tính bằng 7% GDP. Năm 2010, do nền kinh tế vẫn còn yếu nên thâm hụt dự báo vẫn ở mức cao.

“Để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách, nhà nước sẽ phải tăng thuế hoặc phải vay nợ thông qua phát hành trái phiếu. Cả hai hành động này đều tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế” - Báo cáo nhận định.

TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng, để lạm phát không tăng cao, Nhà nước không thể để tiếp tục xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, liên tục có các công trình khởi công, động thổ rồi lại chậm tiến độ. Tăng trưởng của nền kinh tế phải đảm bảo hiệu quả và dài hạn, không nên đánh đổi tăng trưởng cao bằng bất cứ giá nào.

Theo ông, để hạn chế lạm phát, nhập siêu cần có biện pháp mạnh tay. Không thể để việc ô tô nguyên chiếc nhập tăng tới 149%, các loại hàng xa xỉ khác cũng gia tăng lượng nhập khẩu như hiện nay.

“Chính phủ dường như đang lưỡng lự giữa việc lựa chọn tăng trưởng hay ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ hơn”- Ông Doanh nói.

Cũng theo TS Nguyễn Đức Thành, vấn đề lạm phát cần được coi trọng hơn trong năm nay. Nhà nước không nên thắt chắt tiền tệ một cách cứng rắn, mà cần linh hoạt để duy trì sự thanh khoản cho nền kinh tế, điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường.

Nếu thắt chặt chính sách tiền tệ có thể tiếp tục đẩy lãi suất lên cao hơn nữa, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí rất cao, không bù đắp được những gì đã nhận được từ mức lãi suất hỗ trợ trong năm trước.

Nếu lạm phát giữ ở mức cao, người dân và doanh nghiệp có xu hướng “găm” giữ ngoại tệ. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm USD trên thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

"Do đó, kiềm chế lạm phát phải gắn liền với ổn định tỷ giá. Thời gian tới, chính sách tỷ giá nên được điều chỉnh theo hướng thả nổi, có sự quản lý”- Ông Thành đề xuất.

Thiếu công cụ chống rủi ro

Theo TS Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, cần có chiến lược cho thâm hụt ngân sách ở Việt Nam. Đây là vấn đề đáng lo ngại trong trung và dài hạn nhiều năm gần đây.

Để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách, Nhà nước sẽ phải tăng thuế hoặc phải vay nợ thông qua phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, với việc tăng thuế, các doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí lớn hơn, làm giảm động lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, mức tiêu dùng cũng giảm, làm giảm tổng cầu.

Biện pháp này không khả thi trong bối cảnh Việt Nam đang cần cải thiện môi trường kinh doanh và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Trường hợp nếu tăng thu thuế từ nguồn thuế thu nhập cá nhân thì nhóm đối tượng này cũng đóng góp không đáng kể, chỉ khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng/năm.

Ông Ngoạn cho biết, theo dự tính, năm 2009, hỗ trợ lãi suất phải cần tới 17.000 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ sử dụng khoảng gần 10.000 tỷ đồng, bằng một nửa số tiền hỗ trợ thông qua thuế.

“Chúng ta hiện không có công cụ chống rủi ro cho nền kinh tế. Dư nợ ngoại tệ đang ở mức 17 - 18 tỷ USD, một con số khá lớn nhưng hầu hết các ngân hàng, doanh nghiệp không áp dụng công cụ chống rủi ro”- Ông Ngoạn cho biết

Các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ cần cảnh giác với các hiện tượng tăng giá cục bộ trên thị trường bất động sản, hạn chế việc các ngân hàng cho vay chứng khoán, tránh để nợ quốc gia vượt ngưỡng an toàn.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.