Chiều 26/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhằm siết chặt các biện pháp ứng phó khi ghi nhận 2 trường hợp nhập cảnh trái phép mắc COVID-19, chuẩn bị chủ trương “hộ chiếu vắc-xin” và bảo đảm nguồn cung vắc-xin.
Truy vết được 142 người cùng chuyến bay
Sau 6 ngày liên tiếp không thêm ca mắc mới trong nước, hôm 25/3, Việt Nam ghi nhận 2 công dân mắc COVID-19 ở Hải Phòng và TPHCM. Hai người này từ Campuchia nhập cảnh trái phép vào Phú Quốc lúc 5 giờ ngày 22/3 trên tàu cá (có khoảng 10 người).
Ban Chỉ đạo cho biết, bước đầu đã truy vết được 142 người trên chuyến bay VJ458 có người mắc COVID-19 từ Phú Quốc về Hà Nội ngày 22/3. TPHCM đã có kết quả xét nghiệm âm tính 8/8 trường hợp F1 của bệnh nhân 2.580; 23/28 F2 âm tính với SARS-CoV-2 và đang chờ kết quả xét nghiệm của 5 trường hợp còn lại. Ngày 26/3, Hải Phòng thông báo kết quả xét nghiệm âm tính của 21/22 F1 (1 trường hợp đang chờ kết quả); Quảng Ninh truy vết 6 người, trong đó 3/5 người trên cùng chuyến bay có kết quả âm tính, 1 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm; 1 nhân viên Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng có tiếp xúc, đang chờ kết quả xét nghiệm. Hà Nội có 76 người trên cùng chuyến bay với trường hợp mắc COVID-19 ở Hải Phòng, trong đó có 4 F1 (1 tiếp viên có biểu hiện đau rát họng, đã được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn; 3 người khác đã được lấy mẫu và chuyển cách ly tập trung); 72 trường hợp còn lại đang tiếp tục được các quận, huyện, thị xã điều tra xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm và cách ly tại nhà. Tỉnh Bình Dương có 8 trường hợp F1 được lấy mẫu xét nghiệm ngày 25/3, đã cách ly tập trung và đang chờ kết quả xét nghiệm. Cùng với đó, 12 địa phương có hành khách cùng chuyến bay đang tiếp tục rà soát.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, những vắc-xin phòng COVID-19 nhập khẩu về Việt Nam phải là những vắc-xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Chỉ những doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc-xin mới được nhập khẩu các loại vắc-xin này.
Lo ngại vấn đề nhập cảnh trái phép
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình biên giới Tây Nam khá phức tạp vì có cả đường bộ và đường biển; vấn đề nhập cảnh trái phép ở khu vực này đáng quan ngại. “Nguy cơ có thể xảy ra đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam rất lớn”, ông nói. Ban Chỉ đạo thống nhất cần khẩn trương thực hiện theo đề nghị của Bộ Ngoại giao là có các giải pháp hỗ trợ khuyến khích các tỉnh biên giới hợp tác với các tỉnh giáp biên nước bạn, hỗ trợ người Việt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của nước bạn. Trong trường hợp cần phải về nước, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nhập cảnh bằng con đường hợp pháp. Các trường hợp nhập cảnh trái phép phải xử lý thật nghiêm.
Với những người đi cùng thuyền với hai ca bệnh nhập cảnh trái phép, cơ quan chức năng yêu cầu họ trình diện ngay lập tức; nếu không, khi bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. “Chúng ta phải làm rất nghiêm. Không thể vì một vài cá nhân mà gây thiệt hại rất lớn cho toàn xã hội nếu dịch lan ra”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động tăng cường giám sát sàng lọc, giám sát trọng điểm để phát hiện càng nhanh càng tốt các ca bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương phải chuẩn bị kỹ kịch bản về xét nghiệm, cách ly và điều trị cho các nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra. “Hầu như các địa phương khi xảy ra dịch vẫn còn luống cuống. Ngay trong thời gian ngắn phải nâng công suất xét nghiệm lên nhiều. Phải có trao đổi, hiệp đồng trước, trong trường hợp đó, ngay lập tức dồn quân về làm nhanh. Xét nghiệm càng nhanh trên diện rộng, phong tỏa hẹp lại sẽ ít tác động với kinh tế-xã hội và người dân”, ông Long nói. Trong khi đó, ông Đam lưu ý, trong tình hình hiện nay, các địa phương cần có giải pháp giảm thiểu những sự kiện tập trung đông người, đặc biệt là đám cưới, đám hiếu.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo bàn thảo, đôn đốc các bộ, ngành tiếp tục các giải pháp kỹ thuật để sẵn sàng tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam sau khi đã được tiêm vắc-xin (có “hộ chiếu vắc-xin”). Bộ Y tế có nhiệm vụ xây dựng phương án về cơ chế, địa điểm, thời gian cách ly, xét nghiệm, theo dõi y tế đối với các chuyên gia, thương nhân đã tiêm vắc-xin hai lần, được hệ thống của Việt Nam xác nhận là loại vắc-xin đó đã được cấp phép hợp pháp, do hệ thống cơ sở y tế đảm bảo theo quy định y tế. “Chúng ta từng bước chuẩn bị những phương án rất chi tiết với tinh thần thuận lợi nhưng trên hết phải an toàn. Nếu tạo thuận lợi mà để dịch bùng phát thì mọi nỗ lực, công sức sẽ trở thành vô nghĩa. Do vậy, chúng ta phải làm chắc chắn từng bước một”, ông Đam nói.
Tối 26/3, Bộ Y tế cho biết, trong ngày có 5 ca mắc COVID-19, gồm 2 ca nhập cảnh trái phép tại Bình Dương, Hải Phòng và 3 ca bệnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam, Tây Ninh, Đồng Nai. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.480.
Thiếu hụt nguồn cung vắc-xin
Ông Long cho biết: “Việc thiếu hụt nguồn cung vắc-xin đang là vấn đề. Thậm chí ngay khi vắc-xin đang nghiên cứu, chưa phát triển, nhiều nước đã đặt mua. Thời gian qua, Việt Nam cố gắng đàm phán với các hãng, nhà sản xuất vắc-xin trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng cho Việt Nam. Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận nguồn vắc-xin trên toàn thế giới”. Theo ông, việc chuyển giao lô vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca được cung cấp qua COVAX Ficility (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng ba tuần. Điều này có nghĩa là ba tuần đầu tháng 4 sẽ không có liều vắc-xin nào về Việt Nam.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy thử nghiệm các vắc-xin nội theo tinh thần tiến hành các bước khẩn trương nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế về thử nghiệm vắc-xin. Đến nay, các vắc-xin đang được thử nghiệm đều cho kết quả rất khả quan.