Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập qua biên giới rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam tiếp tục tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đúng kế hoạch. Ảnh: Như Ý
Việt Nam tiếp tục tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đúng kế hoạch. Ảnh: Như Ý
TP - “Nguy cơ xuất hiện dịch COVID-19 tại Việt Nam rất lớn trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh tại các nước láng giềng và trên thế giới. Trong khi đó, nước ta vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến bay giải cứu nên việc kiểm soát dịch trong thời gian tới rất khó khăn”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo ngày 16/4.

Lây nhiễm cộng đồng sẽ khó kiểm soát

Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành sáng 16/4, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, khu vực “nóng” nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam bộ. Do đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thành lập các đoàn công tác đi đến vùng này để kiểm tra. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng, giữ thật chặt khu vực biên giới, ngăn chặn các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo cách ly. Đây là những “chìa khóa” quan trọng trong kiểm dịch giai đoạn tới. “Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, đặc biệt nhiễm biến chủng Anh, Nam Phi, sau đó lây nhiễm vào cộng đồng thì việc kiểm soát sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Vắc-xin của Covax hết hạn vào ngày 30/5 nên yêu cầu các địa phương phải triển khai thật tốt, thật nhanh, không được phép để bất kỳ liều vắc-xin nào phải hủy bỏ vì lý do không tổ chức tiêm chủng. Địa phương nào không tiêm sẽ thu hồi vắc-xin, thông báo rộng rãi. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long

Do đó, Bộ Y tế liên tục nhắc nhở các địa phương không được lơ là, chủ quan, phải triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, đặc biệt các tỉnh có biên giới với Campuchia. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương ngay khi phát hiện có người nhập cảnh cần lập tức báo cho cơ quan chức năng để cách ly ngay, đồng thời tăng cường tầm soát cộng đồng tại các khu vực nguy cơ cao, người phục vụ, cơ sở y tế giúp nhận biết sớm các ca nhiễm. Đặc biệt, các địa phương phải có kịch bản về xét nghiệm, cách ly diện rộng, điều trị để sẵn sàng kích hoạt ngay khi có dịch. “Mọi địa phương đều có thể xuất hiện dịch. Chúng ta không thể chắc chắn 100% dịch xảy ra ở đâu nên các tỉnh đều có nguy cơ”, Bộ trưởng nhận định.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, một số quốc gia như Thái Lan đang xuất hiện đợt bùng phát dịch mới, từ các ổ dịch ở Bangkok lan ra nhiều tỉnh. Tại Campuchia, dịch cũng hết sức phức tạp với hơn 4.300 ca mắc, đặc biệt trong những tuần gần đây, số ca mắc tăng đột biến. Việt Nam đến nay đã qua 21 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, tuy nhiên vẫn ghi nhận nhiều ca mắc là người nhập cảnh. Ông Tấn nói rằng, vấn đề lưu tâm hiện nay là tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng, tình trạng nhập cảnh trái phép, quản lý không tốt người nhập cảnh hợp pháp; kiểm tra giám sát chưa thường xuyên, chưa thực chất…

Chưa ghi nhận tình trạng đông máu, tiếp tục tiêm vắc-xin

Ngoài hơn 117.000 liều vắc-xin phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca về Việt Nam vào cuối tháng 2 (do VNVC mua), ngày 1/4, 811.200 liều vắc-xin AstraZeneca do COVAX Facility tài trợ đã về tới Việt Nam. Bộ Y tế đã phân bổ số vắc-xin này về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho hay, đến nay đã có 49/63 tỉnh, thành phố tiếp nhận vắc-xin đợt 2, 14 địa phương sẽ tiếp tục được cấp trong thời gian tới. Trong đó, 28 địa phương thuộc khu vực phía Bắc đã tiếp nhận; tại miền Trung có 9 địa phương (còn 2 tỉnh chưa nhận là Bình Thuận và Ninh Thuận); khu vực Tây Nguyên có 4 tỉnh đã nhận; riêng với khu vực miền Nam đã có 8 địa phương, còn 12 tỉnh sẽ được cấp thời gian tới.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương lập kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo đúng đối tượng đã nêu rõ trong Nghị quyết 21; hoàn thành trước ngày 5/5 với hệ thống tiêm chủng mở rộng. Tiến độ này được đẩy sớm hơn so với kế hoạch trước đó (trước 15/5).

Tư lệnh ngành Y tế khẳng định, hiện Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca. Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức tiêm theo đúng kế hoạch. Cả nước đã tiêm được gần 75.000 người, song chỉ có 33% có phản ứng thông thường sau tiêm, hầu hết là đau, nóng đỏ, ngứa tại vị trí tiêm, một số trường hợp sốt nhẹ, nhưng đều hết sau 1-2 ngày.

Phản ứng sau tiêm vắc-xin COVID-19 ở Việt Nam thấp hơn các nước khác, thậm chí thấp hơn các phản ứng sau tiêm ở một số loại vắc-xin đã tiêm từ nhiều năm nay tại Việt Nam như vắc-xin 5 trong 1. Tỷ lệ phản ứng nặng, quá mẫn nặng sau tiêm vắc-xin COVID-19 của nước ta là 1 phần nghìn, tương đương 5 trường hợp. Qua đánh giá, các trường hợp này chỉ phải theo dõi nhưng vẫn xếp vào phản ứng nặng sau tiêm, đều bình phục sau 1-2 ngày khi xử lý theo quy trình, quy định.

Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp tất cả giáo sư đầu ngành tất cả lĩnh vực, đặc biệt trong điều trị để hỗ trợ các địa phương xử lý các trường hợp quá mẫn sau tiêm chủng, kể cả ca bệnh có huyết khối. Các chuyên gia sẽ hội chẩn, hỗ trợ tuyến với hơn 1.500 điểm khám chữa bệnh từ xa trên cả nước. “Việt Nam đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng ở mức độ rất cao và cao hơn yêu cầu. Có nhiều trường hợp phản ứng sau tiêm chưa đến mức nặng nhưng vẫn xử lý như trường hợp nặng. Bộ Y tế đồng ý phương án này, nâng cao hơn một mức so với khuyến cáo chung của quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới”, ông Long nói.

Tối 16/4, Bộ Y tế cho biết, trong ngày ghi nhận 14 ca mắc COVID-19, được cách ly ngay tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An, TPHCM và Quảng Nam sau khi nhập cảnh. Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cùng ngày, 30 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

MỚI - NÓNG