Người vay tiền cần tìm hiểu lãi suất để tránh 'cạm bẫy' tín dụng đen

Người vay tiền cần tìm hiểu lãi suất để tránh 'cạm bẫy' tín dụng đen
TP - Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cty luật BASICO, điểm dễ nhận thấy ở tín dụng đen là hoạt động cho vay thường xuyên, với mục đích kinh doanh, nhưng không có giấy phép kinh doanh về dịch vụ tín dụng hoặc cầm đồ...

Lãi suất vượt quá 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (thường tín dụng đen cho vay lãi suất cao hơn mức này nhiều lần); bên cho vay hoặc thông qua bên thứ ba đòi nợ bằng cách gây sức ép như đe dọa, cưỡng ép, khủng bố tinh thần, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người vay…

Theo luật sư Đức, việc một số đối tượng lập Cty đăng ký kinh doanh sau đó cho vay với lãi suất cao thường khó xử lý vì theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì các cá nhân và pháp nhân khác cũng được phép cho nhau vay vốn. Các cá nhân và pháp nhân nói chung hay doanh nghiệp nói riêng được phép hoạt động cho vay mà không cần phải đăng ký kinh doanh hay có giấy phép hoạt động cho vay. Do vậy, để xử lý được việc cho vay nặng lãi phải chứng minh việc các Cty này cho vay là hoạt động thường xuyên, chủ yếu…

Cũng theo luật sư Đức, các đối tượng cho vay tín dụng đen có thể xem xét xử lý hình sự ở các tội danh như “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu cho vay với mức lãi suất từ 100% trở lên cùng với việc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là có thể bị xử phạt hình sự, với mức phạt tù cao nhất là 5 năm hay tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “cưỡng đoạt tài sản”.

“Tuy nhiên, để chứng minh được tội danh “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” rất khó bởi trong thực tế, các giao dịch cho vay ít khi ghi “mức lãi suất” mà thường ghi lãi suất theo thỏa thuận hoặc cộng ngay lãi vào số tiền vay gốc. Tương tự, với hai tội danh còn lại để chứng minh được cũng gặp không ít khó khăn nên có ít trường hợp bị xử lý” - luật sư Đức cho hay.

Xét dưới góc độ hành chính thì trường hợp cho vay nặng lãi cầm cố nhà đất hay các tiệm cầm đồ cho vay vượt quá quy định của Ngân hàng nhà nước cũng ít bị xử phạt. Còn ở góc độ dân sự, nếu muốn hủy hợp đồng cho vay thì người đi vay phải chứng minh được mình bị cưỡng ép, lừa dối… nhưng trên thực tế các hợp đồng này lại được người cho vay công chứng, chứng thực đầy đủ nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm chứng cứ, bằng chứng để chứng minh. Do vậy, người đi vay phải tìm hiểu kỹ hợp đồng như mức lãi suất, thời hạn vay, mức phạt khi quá hạn trả… trước khi đặt bút ký tránh gặp rắc rối sau này.

MỚI - NÓNG