Minh họa của Đỗ Hiệp. |
- Bé… Chú thấy con quen quá!
Tôi cũng thấy ông quen thuộc lắm, hình như là chủ nhà trọ tôi đã từng thuê cách đây khoảng 7 năm.
- Hình như chú là chủ nhà cho thuê ở 19 Hồ Xuân Hương, đúng không ?
Ông ta lắc đầu.
Cái thành phố nhỏ ở miền Trung này đã gắn liền với tôi 5 năm đại học. Tôi đã ở không biết bao nhiêu căn phòng cho thuê, từ cái gần chuồng heo, đến cái gần ruộng rau, nơi thì gần những khách sạn nhà nghỉ, cho đến những căn phòng chật hẹp dài ngoằng như cái bơm.
Thành phố này, tôi đã từng đạp xe qua bao nhiêu con phố, qua cây cầu ngược gió để đi dạy kèm, từ hẻm Hoàng Diệu bên trung tâm đến Thanh Hải – Thanh Sơn gần biển Thanh Bình, từ biển Bắc Mỹ An cho tới tận đường Lê Văn Hiến vào Hòa Hải. Tôi đã gặp quá nhiều phụ huynh, có người cố gạt tôi vài chục ngàn dạy thêm, có người mải mê đi làm mà giao cả con cái họ cho đứa sinh viên 19 tuổi, có người lại tử tế, luôn tế nhị cho tôi một ít sữa để uống thêm vào mùa thi.
Thành phố này, tôi đã nợ nhiều người, từ bà bán bánh canh giá năm trăm đồng một tô đã cho tôi ăn chịu suốt cả tháng trong lúc kiếm việc làm thêm. Tôi nợ bà bán bánh mì đã cho tôi ổ bánh mì không sau cả một ngày nhịn đói. Tôi nợ bà bán sữa đậu nành, hột vịt lộn trong những lúc ngày hết Tết đến vẫn cho tôi thiếu tiền, ăn trứng vịt thay cơm tối, đợi tôi nhận tiền bán vé hội chợ Tết rồi mới trả.
Tôi nợ người thầy đã cho tôi niềm đam mê vào triết học đến nỗi tôi muốn chuyển ngành. Tôi nợ người thầy đã đặt hi vọng vào tôi, đã gọi điện đến lãnh sự quán để xin số liệu cho một đứa sinh viên chỉ để cho tôi bổ sung vài dòng vào bài nghiên cứu. Có những món nợ không thể nào trả được.
Thành phố này, tôi đã làm tổn thương vài người. Tôi đã nghi oan một cô bé lấy trộm tiền của mình mà chưa nói với cô ấy một lời xin lỗi. Tôi đã nợ một người đàn bà thật nhiều, và vì món nợ này, tôi đã rời thành phố để vào Nam.
Tôi không muốn quay lại đây nhiều, mãi cho đến khi tôi tham gia khóa học làm phim này. Vậy thì, người đàn ông này, tôi đã gặp ở đâu ?
Ông đưa tay chỉ vào một góc bàn với cử chỉ đầy sự nhiệt tình của một người lớn dành cho đứa con nít.
- Ngồi đi con. Uống với chú ly nước rồi hẵng đi.
Tôi gật đầu, ngồi trên sàn gỗ bên chiếc bàn thấp kiểu Nhật Bản.
- Chú là chủ tiệm copy Hoa Mai gần trường Kinh tế đó, con nhớ chưa ?
À, tôi nhớ ra rồi ! Ông chủ tiệm luôn luôn cười đây mà.
- Con nhớ rồi ! Còn con là con nhỏ lúc nào cũng mặc cái áo dài màu dưa cải, coi bộ già ơi là già đó chú !
Ông lắc đầu.
- Không chỉ có rứa đâu. Chú nhớ con đã từng vẽ một bức tranh…
Tôi ngắt lời ông ngay.
- Chắc chú nhớ nhầm ai chớ con có biết vẽ tranh đâu!
Ông vẫn băn khoăn, dường như ông vẫn tin vào trí nhớ của mình hơn lời phản bác của tôi.
- Không lẽ không phải con à! Rứa thì đứa mô hè? Chú nhớ đó là bức tranh vẽ mấy bông hoa, màu mè gì đó…
Tôi nói chắc như đinh.
- Con bỏ làm Kinh doanh, đi làm phim chớ chưa hồi nào con vẽ tranh hết á !
Người phục vụ mang cho chúng tôi hai ly nước trà. Ông cầm ly nước nhưng không nhấc lên, lắc lắc cái đầu, vẻ chưa chịu thua.
- Rứa thì chắc là đứa mô rồi. Có một con bé vẽ bức tranh để tặng bạn nó, rồi nhờ chú ép plastic cho nó gửi đi. Vậy mà chú làm hư mất…
Trong đầu tôi reo lên. “A, đúng rồi!”. Đó không phải là bức tranh mà là tấm thiệp tôi làm tặng người bạn trai ở xa năm tôi 18 tuổi. Anh ta thích hoa bằng lăng. Tôi ép hoa bằng lăng và vẽ thêm vào trong một tờ A4. Thời ấy, kiểu lãng mạn mà bây giờ gọi là sến khá phổ biến vì đa phần, chúng tôi không biết dùng internet và e-card. Tuần nào, tôi và anh cũng viết thư.
Tấm thiệp tôi làm tặng anh nhân ngày sinh nhật là tấm thiệp tôi đã nhờ ông ép plastic. Ông đã làm hỏng tấm thiệp và tôi khóc ngay tại chỗ. Lúc ấy, hình như tôi giận ông lắm vì tấm thiệp không làm lại được. Ông không lấy tiền nhưng tôi vẫn trả tiền và mang tấm thiệp về. Dường như lúc đó ông cũng cười, một nụ cười đến bây giờ tôi mới hiểu.
Tôi cười xòa.
- Con nhớ rồi. Nhờ chú mà con mới nhớ chuyện tấm thiệp. Mười một năm rồi, chú ha?
- Ờ…
Giọng ông rất thật, thật như một người xưng tội với cha xứ vào ngày Chủ nhật.
- Chú nhớ rất rõ nét mặt con lúc đó. Thiệt sự… chú thấy có lỗi quá. Chú làm tổn thương một đứa con nít bằng tuổi con mình. Chú không thể đền được. Chú nhớ mãi nét mặt con, hơn mười một năm nay.
Ông làm tôi sững sờ. Chuyện nhỏ như thế mà ông nhớ cả hơn mười một năm ư? Tôi kể chuyện này cho một người quen, người ta nói: “Giữa cái xã hội này, một người biết dằn vặt vì làm tổn thương một đứa con nít chắc chắn là một người tử tế”.
Tản văn của Phan lan phương
Tốt nghiệp đại học ngành ngoại thương, Phan Lan Phương đã trải qua nhiều nghề, trước khi làm biên kịch phim như hiện nay. Ngoài làm phim, cô gái nhiều năng lượng này còn làm nghệ thuật đương đại với trình diễn (performance art) cùng những nghệ sĩ tự do phóng khoáng tại không gian nghệ thuật phá cách có cái tên là lạ “Khoan cắt bê tông”. Văn chương, đối với Lan Phương, thoạt đầu là những ghi chép những câu chuyện của chính mình. Sau trở nên một ám ảnh, cô có nhiều dự định nghiêm túc với nó. TPCN giới thiệu hai trong số nhiều “ghi chép” của Phan Lan Phương, thực chất là những tản văn đậm chất đời. Không có những dòng ủy mị, những tả cảnh tả tình bay bướm như nhiều cây bút trẻ đương thời, nhưng sau những dòng chữ, có thể thấy tình người, và cả phận người. |