Người trông giữ mộ 'chúa bà' ở Hưng Yên

Người trông giữ mộ 'chúa bà' ở Hưng Yên
Tục làng Thị Trung có thờ một ngôi mộ “chú Đó” người trông coi, bảo vệ mộ “chúa bà” từ hàng trăm năm nay.

> Nghề chăm mộ phần

Sự việc ngôi mộ “chúa bà” ở thôn Thị Trung, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng bị đánh cắp bằng máy xúc trong đêm những ngày qua khiến người dân nhiều nơi về xem tận mắt ngôi mộ ra sao. Nhất là khi có thông tin Công an về dựng lại hiện trường vụ đào trộm thì không biết người ở đâu tới đông như trẩy hội kín từ cổng làng ra nghĩa địa. Chủ yếu họ tò mò ngôi mộ cổ khi có thông tin những tên trộm đã khai quật trong đêm lấy đi ngôi mộ.

 Cây đa, giếng nước làng Thị Trung nơi có ngôi miếu
Cây đa, giếng nước làng Thị Trung nơi có ngôi miếu "chú Đó" là người trông coi mộ "chúa bà" hàng trăm năm qua.

Từ hôm xảy ra chuyện có nhiều đoàn cán bộ văn hóa huyện, tỉnh về hiện trường, một người dân cho biết.

Cụ H. ở làng cho biết: “trong làng còn nhiều cụ khác nhiều tuổi hơn nhưng thông tin về ngôi mộ cũng không nhiều. Sự tích thì ai ai từ trẻ nhỏ ở đây đều thuộc lòng. Đó là chuyện cô tiên bị đứt gánh đất ngang qua tạo thành “đống Đâu”, “đống Chuyền”, còn cô tiên sau khi mất hóa thành “đống Lăng”.

Vị trí ngôi mộ nằm ở trung tâm long mạch của làng hướng Tây – Đông theo hướng nằm của ngôi mộ. Phía trước là “mạch rồng”, phía sau chính là cây đa, giếng nước và toàn thể người làng Thị Trung ở. Hai bên là “đống Đâu”, “đống Chuyền”. Những tảng đá cứng như bê tông có màu vàng nhạt rất có thể là thứ được tạo thành từ đất sét trộn với mật. Từ xưa tới nay, ngôi mộ tồn tại ở đây nhưng không bao giờ thấy cỏ mọc lên được. Lúc ra hiện trường, mọi người vẫn thấy mùi hương thơm rõ lắm”.

 Ngôi mộ cổ bên đường liên thôn bị khai quật đã được cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường
Ngôi mộ cổ bên đường liên thôn bị khai quật đã được cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường.

Sự tích cô tiên bị đứt gánh đất ngang qua tạo thành “đống Đâu”, “đống Chuyền” và vị trí ngôi mộ gọi là “đống Lăng” thì còn một ngôi mộ gọi là mộ “chú Đó”. Các cụ có truyền rằng “chú Đó” là người đàn ông hay đi đánh đơm, đánh đó ở ngoài đồng bắt tôm, tép. Từ khi xây dựng xong ngôi mộ “chúa bà” thì “chú Đó” là người trông coi và bảo vệ. Sau khi “chú Đó” mất, dân làng có xây mộ chôn ở gần cổng làng. Gần đây nhất là năm 2004, làng Thị Trung tổ chức phục hồi, trùng tu giếng nước ở đầu làng thì xây lại ngôi mộ thành miếu “chú Đó” ngay bên cạnh. Và từ xưa tới nay, từ các cụ trong làng đến các hộ dân thường những ngày rằm, tết đều ra miếu “chú Đó” thắp hương, làm lễ. – Một cụ già làng kể.

Tảng đá được cho là đất sét trộn với mật cứng như bê tông tại hiện trường
Tảng đá được cho là đất sét trộn với mật cứng như bê tông tại hiện trường.

Hiện nay, ngôi mộ “chùa bà” đã được cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường phục vụ điều tra làm rõ.

Trước đó, đêm 19, rạng 20/11 rất nhiều người nghe có tiếng máy xúc đi qua cổng làng nhưng đều nghĩ là người trong làng làm việc nên không ai để ý. Tới sáng sớm hôm sau, mọi người đi tập thể dục mới tá hỏa phát hiện ngôi mộ “chúa bà” đã bị khai quật và vội vàng báo lên chính quyền.

Liên quan đến ngôi mộ cổ hàng trăm tuổi bị đánh cắp trong đêm. Ông Đỗ Quang Hùng – Chủ tịch xã Đình Dù, huyện Văn Lâm cho biết: “Trưa ngày 20/11 tôi nhận được báo cáo của đồng chí Lê Thị Dung (Phó chủ tịch) về việc ngôi mộ “chúa bà” bị đào trộm. Nhận định đây là sự việc khá nghiêm trọng, chúng tôi báo cáo lên Phòng văn hóa huyện, Sở văn hóa tỉnh, Công an huyện Văn Lâm. Tới chiều cùng ngày các cơ quan đã cử cán bộ về hiện trường”.

Theo Nguyễn Hoàn
Tri Thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG