> Sức trẻ nơi tuyến đầu Tổ quốc
> Tuổi trẻ vùng biên hướng về biển đảo
Dọc con đường từ Nà Hình đi Nà Tổng vào Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Thuỵ Hùng thấp thoáng những bông đào đang nở.
Trưởng thôn Hà Văn Vui khoe rằng: Nhờ có con đường mới mở này, anh và nhiều trai bản mới lấy được vợ.Trước đây, trai gái ở những bản xa mất đến cả ngày đường mới về kịp ngày chợ. Bán vài con gà, dăm cân hồng kiếm mấy đồng ngất ngây vài ly rượu. Mặt trời khuất núi lúc nào chẳng hay. Mò mẫm trong đêm tìm về bản còn đâu thời gian để gảy đàn tính, hát sli gọi bạn.
Con đường nằm trong dự án cứ nối dài, trai gái trong bản là người vui nhất. Ngày lên nương, đêm về theo nhịp đàn tính, điệu sli níu trai gái lại. Đám cưới cứ nối nhau.
Trưởng thôn Hà Văn Vui cưới vợ rồi xin gia nhập làng như nhiều hộ gia đình trẻ khác. Họ được hỗ trợ mỗi hộ 30 triệu đồng để làm nhà trên nền đất được chia theo quy hoạch.
Các hộ được phân đất canh tác, được hướng dẫn phương pháp chăn nuôi lợn lai, nuôi gà mía lai thả vườn, cách trồng cây hồng vành khuyên và mận ghép. Mồ hôi thấm đất. Người trẻ được tập huấn kỹ thuật, chỉ bảo nhau cách nuôi trồng.
Đến nay, ở Làng có nhiều hộ thu nhập mỗi năm tới cả trăm triệu như hộ Luân Văn Hạnh, Hứa Thị Mừng... Có điện, có đường, có nước sạch, miền đất hoang hóa xưa đã xanh rừng bạch đàn, những vườn hống vành khuyên đã căng trái, tiếng gà líu ríu mỗi ban mai.
Nhà phó thôn Lương Quốc Tuấn ở đầu làng. Tuấn đi rừng từ sớm. Căn nhà khang trang xây hơn trăm triệu. Nhà bếp ngăn nắp, có bể chứa nước sạch. Hai cháu Lương Thị Lệ Linh, Lương Yến Nhi đang xem chương trình thiếu nhi trên chiếc tivi kê trên kệ giữa nhà.
Vợ phó thôn Lương Thị Hằng khoe: Nhà mới xuất một lứa lợn thu hơn 4 triệu đồng. Có tiền, Tết này sẽ mua áo mới cho các con. Quả bí đao to kềnh trồng ở vườn nhà, để dành nấu canh gà Tết này, ba mẹ con khênh mãi mới nổi.
Nhiều đứa trẻ đã sinh ra ở làng. Vợ chồng Hứa Văn Quyết, Liễu Thị Hiền sau khi cưới vào làng đến nay vừa trọn 3 năm. Cháu Hứa Phương Linh cũng đã tròn 2 tuổi. Ngôi nhà nhỏ của họ còn thiếu nhiều thứ.
Quyết chia sẻ: Anh cùng vợ còn nhiều việc phải làm để chăn nuôi thêm lợn gà, trồng thêm lúa, thêm rừng, nuôi con cho khỏe. Tuy vất vả nhưng thấy bé Linh bi bô gọi, Quyết lại thấy vui, quên hết nỗi nhọc nhằn. Tết này nhà anh sẽ gói bánh chưng , làm bánh khảo, sẽ đến thăm nhau, chúc nhau làm ăn khấm khá bên chén rượu nồng.
Theo trưởng thôn Hà Văn Vui, niềm vui lớn nhất của anh là từ khi dựng làng theo dự án không có hộ nào bỏ cuộc giữa chừng.
Những người trẻ đều yên tâm lập nghiệp tại Làng, không có tình trạng mâu thuẫn, xích mích giữa các hộ dân cũ và mới, tinh thần đoàn kết, đồng thuận, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong nội bộ nhân dân các dân tộc của làng được củng cố và phát huy.
Tuy nhiên để làng đẹp hơn mọi người cần giữ vệ sinh chung, bảo nhau không uống rượu say, không sống bê tha.
Có mặt ngay từ những ngày đầu dựng làng, Hoàng Đăng Dũng- Giám đốc Dự án làng thanh niên Lập nghiệp biên giới Thuỵ Hùng (Lạng Sơn) có rất nhiều kỷ niệm buồn vui.
Bên chân đồi kia là túp lều anh và những người trẻ đầu tiên đến với làng từng sống. Bãi đất nơi những hộ dân đầu tiên về làng dựng khán đài trong lễ khởi công xây làng nay cỏ đã lên xanh.
Suốt 4 năm thường xuyên phải xa người vợ trẻ mới cưới để lên sống, lăn lộn tại làng, anh chia sẻ sau này nếu sinh con trai anh sẽ đặt tên con là Hoàng Thuỵ Hùng để ghi nhớ những ngày sống ở làng thật gian khổ nhưng đầy những khát khao.
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên, thực hiện phong trào” Đường biên thanh niên lập nghiệp”, sau 4 năm thực hiện, dự án làng thanh niên lập nghiệp Thuỵ Hùng đã cơ bản hoàn thành. Một khu dân cư mới được quy hoạch hợp lý, ổn định và phát triển đời sống cho 146 hộ dân, trong đó có 65 hộ thanh niên tuyển mới, quy hoạch thành 5 cụm dân cư dọc tuyến đường mới mở dài 5,3 km. Tất cả các hộ dân trong vùng dự án được sử dụng điện lưới ổn định, có máy nông cụ phục vụ sản xuất, có nước sạch sinh hoạt, thu nhập bình quân hằng năm của các hộ mới trong làng đạt từ 40 triệu đồng trở lên. |