Lên núi làm phó chủ tịch xã - Bài 3:
Người trẻ giải quyết 'ca' khó
>Chàng thư sinh đa tài
>Lên núi làm Phó chủ tịch xã
Những TTT về xã làm PCT đợt đầu tiên hầu hết là con em của tỉnh tình nguyện đi trui rèn, cống hiến. Họ có lợi thế biết tiếng dân tộc, hiểu phong tục, tập quán. Nông Thị Bích Huyền ở xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) được cử về xã Đức Quang, huyện Hạ Lang. Huyền nổi bật với nước da trắng, dáng cao nên ít người nghĩ cô nữ sinh vừa tốt nghiệp khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội II dám dấn thân lên vùng rừng núi. Hồi nhỏ Huyền mơ ước làm cô giáo dạy văn, nhưng nay lại muốn thử sức ở vị trí đối mặt nhiều thử thách hơn.
Ngày tiễn con gái từ huyện Trùng Khánh sang xã Đức Quang nhậm chức, bố Huyền là bộ đội biên phòng về hưu cứ thấp thỏm không ngủ được. Sáng ra, con lỉnh kỉnh ba lô, túi đồ đi trước, bố vẫn lò dò xe máy theo sau. Đi được một đoạn, Huyền quay ra bảo bố cứ về, ông vẫn không chịu. Huyền đành đi chậm lại, hai bố con song hành cho đến khi gặp được người quen cùng đường, ông mới chịu quay về. Ánh mắt người bố dõi theo con gái đầy tự hào nhưng không giấu được âu lo.
Xã Đức Quang cách nhà Huyền chừng hơn 30 km nhưng đường rừng cách trở. Xã còn nghèo, trụ sở ủy ban là ngôi nhà cấp 4 được xây từ lâu. Xã gia cố thêm vài cửa nhôm kính ngăn làm nơi ăn nghỉ phía sau phòng làm việc cho Huyền. Nhưng mẹ Huyền lo thân gái đêm hôm một mình ở nơi núi cao đã khuyên cô gái ra thị trấn Hạ Lang cách nơi làm việc 10km để thuê trọ.
Chuyện tình yêu khó nói
Nơi núi rừng, không dám ngủ một mình, tôi được Huyền mời về căn phòng trọ mới thuê không ti vi, không máy tính ở thị trấn Hạ Lang ngủ chung. Những đêm đầu tiên xa nhà, Huyền trằn trọc quay trở. Tôi đùa, "PCT xã chắc nhớ người yêu?". Huyền tâm sự: "Em đi làm nhiệm vụ suốt 5 năm thế này, chuyện tình cảm khó nói lắm". Huyền nhẹ nhàng, kín đáo, nhưng tôi biết, quyết định xa người yêu cả trăm cây số để đến một vùng đất khó ít nhất 5 năm thật không dễ đối với một cô gái trẻ, xinh đẹp như Huyền.
"Va vào thực tế, mới thấm thía không thể áp đặt cái mình hiểu biết cho bà con mà cần có thời gian" PCT xã Bích Huyền |
Hầu hết cán bộ xã là người địa phương nên trưa, tối có thể về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình; trong khi Huyền bắt đầu cuộc sống mới một mình, cơm niêu, nước lọ, loay hoay chưa biết làm gì trước. "Ở vùng cao, 5 ngày mới có chợ phiên, mì tôm là món ăn thường trực với em", Huyền chia sẻ.
Nơi Huyền đến công tác, người dân ở cách xa nhau cả chục cây số đường rừng. Trẻ em đi học chưa hết cấp 2 bố mẹ đều cho nghỉ để đi nương rẫy. Được giao phụ trách mảng văn hóa - xã hội, Huyền trăn trở về thói quen, lề lối làm việc không giờ giấc của cán bộ lẫn người dân. "Cán bộ xã 9 giờ sáng mới đến trụ sở làm việc, triệu tập họp với dân có khi muộn hàng tiếng", Huyền nói. Để thay đổi thói quen này không phải dễ.
Những tuần đầu tiên nhận nhiệm vụ, Huyền xắn quần, lội đèo đi từng thôn, xóm thống kê gia đình nghèo để phát gạo cứu đói cho dân. Nhiều nhà dân lao động quần quật từ sáng đến tối mịt trên nương rẫy nhưng vẫn thiếu đói. Nhiều em bé ốm nheo nhóc, không có đủ quần áo mặc ngày rét buốt. Huyền quyết tâm có bước đột phá giúp người dân thoát nghèo, bằng việc phải đưa được mô hình chăn nuôi, trồng trọt vào phát triển kinh tế.
Tắm ao ta
Khác với nhiều tân PCT xã phải ăn mì tôm, ở trọ, Chu Văn Vinh, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội II được về chính xã Vinh Quý (Hạ Lang), nơi anh sinh ra và lớn lên để nhận nhiệm vụ.
Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quý Lôi Văn Lèm và tân PCT xã trong trụ sở ủy ban. |
Những ngày đầu nhậm chức, Vinh dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu. Dù ở xã, quen biết hết người dân, thấu hiểu phong tục tập quán, nhưng khi ngồi vào vị trí PCT xã, Vinh nói mình cần đọc nhiều, hỏi nhiều để bổ sung kiến thức, kinh nghiệm nhằm xử lý những ca khó. Vinh tự tin rằng, với khả năng sử dụng internet, anh sẽ giúp được nhiều việc cho các cán bộ xã hiện đã nhiều tuổi.
Như phần lớn PCT xã mới về, Vinh được giao phụ trách mảng văn hóa xã hội. Những ngày này, Vinh đang lập đề án từ nay đến năm 2015 giúp trẻ em phổ cập tiểu học, vận động 100% học sinh đến trường đúng tuổi và hơn 50% gia đình đạt chuẩn văn hóa. Trường học không có nhà bán trú, có học sinh phải men theo đường mòn 8 cây số để đến trường. Vinh chia sẻ, nhiều gia đình có nếp nghĩ rằng cái chữ không ăn được nên chỉ cho con học ít, phải về làm rẫy. Vinh lên kế hoạch tuyên truyền tập trung vào phụ huynh, truyền niềm yêu thích học tập cho chính học sinh bằng các lớp bổ túc tại các thôn, xóm.
27 tuổi, Vinh trở vị lãnh đạo xã trẻ nhất và là người duy nhất có bằng ĐH ở xã nghèo. "Chắc mình phải tính chuyện trình đề án xây nhà bán trú dân nuôi cho các em", Vinh nói. Ngày Vinh về làm PCT xã, bà con dân bản đến nhà chúc mừng bố mẹ Vinh. "Trẻ tuổi cũng là một cái khó. Đến xã làm việc với những người tuổi bậc cha chú lại đã từng biết nhau cũng ngại rào cản tuổi tác", Vinh thổ lộ. Vì lẽ đó Vinh càng quyết tâm làm được việc để dân và lãnh đạo tín nhiệm.
Xã Vinh Quý có 179 hộ dân với hai dân tộc Nùng, Tày. Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quý, ông Lôi Văn Lèm cho biết: "Xã đặt nhiều kỳ vọng vào cán bộ có trình độ. Mong cán bộ trẻ phát huy năng lực, sáng tạo, dám nói, dám làm để cùng xã giúp dân".
Người dân xã Vinh Quý sống chủ yếu bằng nghề trồng ngô và lúa. Khi về làm PCT xã, Vinh lên kế hoạch sẽ vận động người dân chuyển đổi từ ngô sang trồng mía. Cái lo của người dân là kỹ thuật và đầu ra đã được tân PCT xã xung phong đảm nhận.
Lãnh đạo ở xã miền núi gặp lắm chuyện dân sinh bi khá hài. Huyền kể, ở xã, những việc như ăn cắp vặt, cãi nhau, mất gà, mất chó?người dân đều tìm đến cán bộ nhờ giải quyết. Có lần, PCT Bích Huyền phải ngồi giải quyết việc hai hộ dân dắt nhau lên kiện vì nghi ngờ con trâu nhà này vào nương rẫy ăn hết sắn của nhà kia. Bên kiện không có bằng chứng, nhưng vẫn năn nỉ cán bộ xử giúp, Huyền hòa giải hết cả buổi chiều họ mới chịu ra về. |