Người thử thức ăn cho Hitler

Bà Margot Woelk và Adolf Hitler - Ảnh: Eyevine/Getty
Bà Margot Woelk và Adolf Hitler - Ảnh: Eyevine/Getty
Người cuối cùng còn sống trong đội quân thử thức ăn cho trùm phát xít Adolf Hitler lên tiếng kể về quãng đời cay đắng trong Thế chiến 2.

Người cuối cùng còn sống trong đội quân thử thức ăn cho trùm phát xít Adolf Hitler lên tiếng kể về quãng đời cay đắng trong Thế chiến 2.

Mỗi bữa ăn đều có thể là bữa cuối cùng. Và khi ăn hết đĩa thức ăn trước mặt, Margot Woelk, lúc đó 25 tuổi, và những cô gái trẻ tuổi khác không thể nén nổi tiếng khóc nghẹn ngào vì quá vui mừng khi phát hiện họ vẫn còn sống.

Margot Woelk không phải là đảng viên Quốc xã, nhưng là một trong 15 phụ nữ trẻ được tuyển chọn đặc biệt để đưa đến Wolfsschanze, tức “Trại Sói” ở miền Đông Phổ trong Thế chiến 2.

Công việc của bà là nếm thức ăn cho trùm phát xít Adolf Hitler để đảm bảo rằng mỗi đĩa thức ăn trước khi đến miệng quốc trưởng đều an toàn, nhằm chặn đứng mọi âm mưu đầu độc thông qua phòng bếp.

Woelk là người sống sót duy nhất trong “đội quân thử độc”. Các cô gái khác trong nhóm đã bị quân Liên Xô bắn chết vào tháng 1.1945. Giờ đây, ở tuổi 96, bà Woelk đã nỗ lực vượt qua cảm giác nhục nhã và kể lại quãng thời gian kinh hoàng ở Trại Sói trong một chương trình do Đài RBB thực hiện.

Chờ chết từng ngày

Trong căn hộ tại Berlin, nơi bà chào đời vào năm 1917, Woelk bắt đầu mở lòng và chia sẻ mọi thứ. Là con gái của một nhân viên đường sắt, Woelk tận hưởng một tuổi thơ đầy vui vẻ, vô lo, với những người bạn Do Thái cho đến khi đảng Quốc xã lên nắm quyền vào năm 1933. Bà trở thành người thử thức ăn cho Hitler trong một dịp tình cờ.

Vào năm 1941, sau khi căn hộ tại Berlin bị trúng bom của không quân Anh và người chồng tên Karl bị buộc nhập ngũ, Woelk chạy khỏi Berlin đến nương nhờ nhà mẹ ở thị trấn Partsch thuộc Đông Phổ (giờ là Parcz, thuộc Ba Lan).

Cách Berlin khoảng 643 km về phía đông, thị trấn này tình cờ lại nằm kế bên Trại Sói của Hitler, nơi đặt tổng hành dinh cho mặt trận phía đông. Là thành viên nhiệt thành của Quốc xã, viên thị trưởng của Partsch đã buộc Woelk trở thành người thử độc cho Hitler.

Mỗi ngày, một thành viên lực lượng SS đón bà và các cô gái khác bằng xe buýt, chở họ đến một ngôi trường, nơi thức ăn đã được chuẩn bị sẵn chờ người nếm.

“Thức ăn luôn là đồ chay. Luôn có tin đồn người Anh đang cố tình đầu độc Hitler. Ông ta không bao giờ ăn thịt. Chúng tôi bị buộc phải thử các món cơm, mì sợi, tiêu, đậu các loại và bông cải”, bà tiết lộ trong chương trình của Đài RBB.

“Một số cô gái bắt đầu ràn rụa nước mắt khi bỏ thức ăn vào miệng vì họ quá sợ hãi. Chúng tôi buộc phải ăn hết những thứ mà họ đưa. Sau đó chúng tôi đợi khoảng 1 giờ và mỗi lần như vậy nỗi sợ hãi khiến chúng tôi muốn phát bệnh. Chúng tôi thường xuyên khóc ròng vì mình vẫn còn sống”, Woelk nhớ lại những hồi ức kinh khủng.

Woelk cho biết bà chưa bao giờ giáp mặt Hitler vì công tác an ninh rất chặt chẽ. Tuy nhiên, sự bảo vệ cẩn mật chỉ dành cho quốc trưởng, còn bà thì từng bị một sĩ quan SS cưỡng bức trong thời gian đó.

Âm mưu ám sát Hitler

Nỗi lo sợ của Hitler không phải là vô căn cứ. Vào ngày 20.7.1944, một nhóm sĩ quan Đức đã cố gắng ám sát ông ta bằng cách kích nổ một quả bom ở Trại Sói.

“Chúng tôi đang ngồi trên các băng ghế dài bằng gỗ, thì đột nhiên nghe một tiếng nổ khủng khiếp. Mọi người ngã nhào xuống ghế và tôi nghe có ai la lên rằng “Hitler đã chết”, nhưng trên thực tế ông ta vẫn sống”, bà Woelk nhớ lại.

Hậu quả là gần 5.000 người Đức bị nghi ngờ tham gia cuộc binh biến đã bị xử tử sạch. Woelk bị buộc phải dọn vào một tòa nhà được canh gác chặt chẽ và tiếp tục thử thức ăn cho Hitler.

Đến cuối năm 1944, Hồng quân Liên Xô đánh chiếm và bà Woelk trốn thoát khỏi nơi này. Nhờ vào sự giúp đỡ của một sĩ quan SS, bà tìm được một chỗ trốn trên xe lửa của Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels và chạy về Berlin.

Berlin đầu hàng Hồng quân vào tháng 5.1945, nhưng đối với bà Woelk, nỗi kinh hoàng của chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. “Chúng tôi cố gắng ăn mặc như các bà lão, nhưng người Nga vẫn tìm ra tôi và các cô gái khác. Họ cắt váy và kéo chúng tôi vào một ngôi nhà. Chúng tôi bị giam giữ. Giống như địa ngục trên trần gian. Cơn ác mộng không bao giờ biến mất”, bà kể lại.

Với những gì phải trải qua, Woelk không còn khả năng sinh đẻ và một sĩ quan người Anh tên Norman đã giúp bà dần bình phục. Norman quay về nước khi chiến tranh chấm dứt và đề nghị Woelk đi cùng nhưng bà quyết định chờ đợi tin tức của người chồng.

Vào năm 1946, Karl xuất hiện trước ngưỡng cửa nhà trong tình trạng chỉ còn da bọc xương, nặng 45 kg. Cả hai cố gắng sống một cuộc đời bình thường, nhưng hậu quả để lại của chiến tranh quá lớn, khiến bà Woelk bị ác mộng mỗi đêm. Rốt cuộc họ đã ly thân. Karl chết cách đây 24 năm, còn bà Woelk sống cùng với ký ức kinh hoàng cho đến tận ngày nay.

Theo Thụy Miên

Theo Thanh niên
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.