Ở lại, giúp đỡ và hàn gắn
Đà Nẵng những ngày đầu tháng 9 vẫn chang chang nắng. Đầu giờ chiều, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng cơ sở 1 (quận Thanh Khê) rộn rã tiếng cười nói, vui đùa. Ở đây chẳng bao giờ bớt huyên náo, nhộn nhịp. Những đứa trẻ với giọng nói ê a, ngọng nghịu, giọng cười khanh khách, giòn tay cùng bước đi tập tễnh chạy ra đón chúng tôi. Theo sau chúng là người đàn ông cao gầy, nước da trắng hồng nhăn nheo với mái đầu hói bạc trắng. Đó là Matthew Keenan. Những đứa trẻ ở đây vẫn thân mật gọi ông là Matt.
Gắn bó với Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng từ gần 3 năm nay, Matt cùng những cô giáo, nhân viên ở đây chăm sóc những đứa trẻ da cam. Matt là một cựu binh Mỹ, tham chiến ở Việt Nam vào năm 1970 với vai trò là nhân viên hành chính. “Dù không trực tiếp tham chiến, nhưng chứng kiến cuộc sống khổ cực của người dân vì chiến tranh, tôi vẫn luôn thấy day dứt. Năm 1972, trong lúc ngồi chờ lên máy bay trở về nước, hình ảnh đoàn người tản cư với hàng trăm phụ nữ, người già, trẻ em chen chúc luôn ám ảnh tôi”, Matt nhớ lại.
Năm 2013, Matt được chẩn đoán mắc bệnh ung thư do nhiễm chất độc da cam. Một người bạn cùng tham chiến với Matt ở Đà Nẵng từ năm 1971 đến năm 1972 cũng mắc bệnh nặng vì chất độc da cam. “Sau khi tìm hiểu, tôi rất sốc khi biết rằng hàng trăm ngàn người Mỹ - những cựu binh tham chiến ở Việt Nam đang sống chật vật vì chất dioxin. Và ở Việt Nam, gần 45 năm sau khi chiến tranh kết thúc, vẫn tiếp tục có những thế hệ bị bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học. Chính điều đó thôi thúc tôi trở lại”, Matt ngậm ngùi.
Một năm sau, Matt quay lại Việt Nam lần đầu kể từ sau chiến tranh và làm tình nguyện viên ở làng Hữu nghị (Hà Nội). Ở đây, Matt lần đầu tiên được tiếp xúc với những trẻ em da cam, những cựu chiến binh Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam. “Dù bệnh tật, những đứa trẻ luôn vui vẻ, hạnh phúc, chúng truyền cho tôi cảm hứng sống tốt. Tôi cũng gặp những người bên kia chiến tuyến 46 năm trước, chúng tôi bắt tay và kể về những câu chuyện cũ với không khí thân tình”, Matt kể.
Đúng dịp 30/4, Matt trở lại Đà Nẵng. Một người bạn là cựu binh Mỹ đang sống ở đây kết nối ông với Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng. Và Matt gắn bó với những đứa trẻ da cam kể từ đó. “48 năm trước, tôi đến đây và đếm từng ngày để quay về. Bây giờ, tôi quay trở lại với mong muốn ở lại, giúp đỡ và hàn gắn”, Matt tâm sự. Từ đó, mỗi năm, Matt đến Việt Nam khoảng 2 - 3 đợt, mỗi đợt ở lại 2- 3 tháng. Đều đặn mỗi ngày, ông đến các trung tâm để giúp những đứa trẻ ở đây học tập, vui chơi.
Gắn kết không lời
Cuộc trò chuyện với Matt thường bị cắt ngang bởi cứ chốc chốc, lại có một đứa nhỏ đến níu tay ông ra chơi cùng. Lúc thì tụi nhỏ níu tay ông cùng vẽ tranh, lúc kéo ông ra ngồi “trò chuyện”, có lúc lại có đứa nhỏ chạy sà vào lòng ông nũng nịu muốn ông chơi cùng. Matt lúc nào cũng đáp lại tụi nhỏ với nụ cười hiền hậu, rồi vui vẻ chơi cùng chúng. Ông kiên trì dạy chúng vẽ tranh, giúp chúng tập kiên nhẫn và có thể ngồi yên tô cho xong bức tranh. Ông trò chuyện với chúng, bằng cả tiếng anh lẫn ngôn ngữ cử chỉ vụng về, những đứa trẻ ngơ ngác nhìn rồi hồi lâu gật đầu lia lia với Matt và luôn miệng “Ok, Ok”.
Chiều mát, hai cậu bé ôm quả bóng rủ Matt chơi bóng rổ. Cả ba người say sưa chơi đùa với quả bóng. Dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng mọi yêu cầu của Matt đưa ra, những đứa nhỏ đều hiểu và làm theo đứa. Một đứa nhỏ kéo tay tôi nói bằng giọng trọ trẹ: “Matt... dạy tụi em... chơi... bóng”. Trận bóng diễn ra với những tiếng cười giòn tan hòa cùng tiếng nện bóng thịch thịch.
Không biết tiếng Việt, mọi giao tiếp của Matt với mọi người ở trung tâm đều bằng tiếng Anh. Những cô giáo, nhân viên ở trung tâm còn biết đôi chút, có thể trò chuyện với ông. Ông cũng thường xuyên dạy họ tiếng Anh và học tiếng Việt với họ. Còn với những đứa trẻ, Matt chủ yếu dùng ngôn ngữ cử chỉ, chút tiếng anh ít ỏi chúng biết chỉ là “ok” và “good”. Tiếp xúc với những đứa trẻ khỏe mạnh mà không biết tiếng Việt đã khó, thân thiết được với những đứa trẻ da cam lại càng khó hơn gấp nhiều lần. Nhưng, nhìn sự ân cần, tỉ mỉ và kiên nhẫn của Matt khi trò chuyện với tụi nhỏ, dễ dàng hiểu được tại sao, những đứa trẻ ở đây quấn quýt với Matt đến vậy. “Tôi với những đứa trẻ ở đây không nói chung một ngôn ngữ. Nhưng tôi tin chúng hiểu được sự quan tâm, chăm sóc của tôi đối với chúng. Có những yêu thương không cần diễn đạt bằng lời nói, mà bởi những trái tim”, Matt bộc bạch.
Không chỉ chăm sóc những nạn nhân chất độc da cam ở Trung tâm, Matt còn kêu gọi, vận động nhiều cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế như Úc, Nhật Bản, Mỹ, Canada... để hỗ trợ nạn nhân da cam tại Đà Nẵng. Trang facebook của ông là nơi chia sẻ và kết nối đưa những đoàn cựu binh Mỹ, các nhóm thiện nguyện trong và ngoài nước đến với nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng.
Ông Tô Năm, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Ông Matt rất nhiệt huyết với công việc ở Trung tâm. Ngoài việc giúp đỡ chăm sóc các em, ông Matt còn kết nối những mạnh thường quân với Trung tâm, ông cũng bỏ tiền ra làm sân bóng rổ, đồ chơi... cho Trung tâm. Hiện, ông Matt cũng đang kêu gọi nguồn tài trợ để hỗ trợ mua xe bus để đưa đón các em trong các hoạt động”.