Anh Victore Hara và 5 người bạn (Victore đứng ngoài cùng bên phải) đang hát bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi mít tinh ngày 23/9/1969 tại quảng trường Hakaniemi |
Ở một nơi cách xa đất Việt hàng vạn dặm, người thanh niên Chilê ấy đã đặt hình ảnh Bác vào tim mình và hô vang tên Người cho đến khi trút hơi thở cuối cùng dưới bàn tay đẫm máu của chế độ độc tài Pinochet...
... 2giờ 30 phút đêm của một ngày trung tuần tháng 8/1969, ngay khi vừa đặt chân tới sân bay Helsinki (Phần Lan), trong đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham dự "Gặp gỡ thanh niên-sinh viên thế giới", nhà nghiên cứu lịch sử Văn Tùng được đưa thẳng đến một khu ký túc xá đã cũ.
Không gian về đêm im ắng lạ thường, chỉ còn một căn phòng sáng đèn. Một thanh niên chừng 30 tuổi dáng to béo lao ra bắt tay ông Văn Tùng và như reo lên: “Tôi rất mong gặp anh”! Người thanh niên ấy là nhạc sỹ Victore Hara - làm việc tại Viện Âm nhạc Chilê.
Nói đoạn Victore kéo ông Văn Tùng lại chiếc bàn làm việc đang bày la liệt tài liệu.
Ông Văn Tùng vô cùng ngạc nhiên bởi trên bàn có nhiều tấm ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh như ảnh Bác cưỡi ngựa trên đường đi công tác tại Việt Bắc, ảnh Bác đang chỉ huy chiến dịch Biên giới, ảnh Bác câu cá, ảnh Bác bên nhà sàn tại Hà Nội... Cạnh đó là mấy trang giấy đang dang dở nhiều nốt nhạc.
Victore Hara hỏi: “Ở Việt Nam, người dân thường gọi Hồ Chí Minh là gì?”. Ông Văn Tùng cho biết, người dân Việt Nam gọi Bác bằng nhiều cái tên khác nhau như cụ Hồ, Ông Ké, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ...Trước tình cảm nồng nhiệt của Victore Hara, ông Văn Tùng đã đưa cho Victore xem bức thư Bác Hồ viết bằng tiếng Pháp gửi các đại biểu thanh niên quốc tế.
Sáng sớm ngày 17/11/2006, ông Văn Tùng trong trang phục chỉnh tề, cầm cờ Chilê cùng nhiều người dân Hà Nội đứng trên đại lộ Hùng Vương chào đón nữ Tổng thống Chilê sang thăm chính thức Việt Nam. Trong cuộc hội đàm giữa bà Tổng thống cộng hoà Chilê Michelle Bachelet Jeria với lãnh đạo Đảng và nhà nước ta vào ngày 17/11/2006, cái tên Victore Hara đã được bà Tổng thống nhắc đến nhiều lần như là một minh chứng về truyền thống quan hệ hai nước và tình cảm người dân Chilê dành cho Việt Nam. |
Victore xúc động đọc và cầm lá thư đặt vào tim mình. Khi đó Victore mới cho ông Văn Tùng biết là đang viết một ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đó cũng là bài hát chính thức của cuộc gặp mặt thanh niên lần này. Và đã từ lâu Victore quan tâm tìm hiểu về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài hát về Bác Hồ đã được Victore viết trong sự dâng trào cảm xúc và được hơn 5.000 đại biểu thanh niên-sinh viên trên khắp thế giới và hàng vạn bạn trẻ Helsinki nồng nhiệt đón nhận. Ngay trong lễ khai mạc cuộc gặp gỡ vào 9 giờ sáng ngày 23/8/1969, cả quảng trường Hakaniemi rộng lớn giữa thủ đô Helsinki vang lên lời bài hát mà người lĩnh xướng trên đài cao chính giữa quảng trường là Victore cao lớn và nhóm bạn của mình.
Quốc kỳ Việt Nam, hàng trăm khẩu hiệu về Việt Nam, về Hồ Chí Minh tung bay hòa nhịp cùng lời bài hát. Bài hát được viết và hát bằng tiếng Tây Ban Nha trên nhiều đường phố của Helsinki. Lời bài hát tạm dịch là: “Hồ Chí Minh là của chúng ta/ Hồ Chí Minh là nguồn sáng cho chúng ta/Hồ Chí Minh sẽ đưa chúng ta đến chiến thắng/Hô...Hồ Chí Minh/Hô...Hồ Chí Minh/Hồ Chí Minh muôn năm! (Viva Hồ Chí Minh)...!”.
Lễ mít tinh tại Quảng trường Haka |
Sau khi Việt Nam thống nhất, năm 1983, trong một lần đi công tác tại Ba Lan, ông Văn Tùng may mắn gặp lại bà Helen-một đại biểu nữ người Thụy Điển mà ông từng quen biết trong cuộc gặp năm 1969 tại Phần Lan.
Bà Helen kể lại cho ông Văn Tùng về việc Victore đã bị sát hại dã man dưới bàn tay đẫm máu của chính quyền độc tài Pinochet. Bản thân bà Helen đã từng gặp nhiều chiến hữu của Victore chạy từ Chilê sang Thụy Điển lánh nạn.
Ngay sau khi Tổng thống cánh tả Chilê Salvador Allende bị đảo chính và hy sinh, lực lượng của Pinochet đã lập ra chính quyền mới và quay ra đàn áp những người cánh tả, bắt giam, tàn sát và cầm tù những người yêu nước chân chính.
Hàng vạn người đã bị chế độ độc tài Pinochet lùa vào các nhà tù khiến cho nhà tù quá tải. Victore và hàng ngàn người khác đã bị giam ngay tại một sân vận động. Trước họng súng của lực lượng Pinochet, Victore vẫn hát vang những bài ca về tổ quốc, về Tổng thống Allende và Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến lính canh giữ như điên lên vì tức giận.
Một tên lính thúc họng súng vào ngực Victore thét lên “mày còn hát nữa không?”, Victore không thèm trả lời mà còn hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Tên lính rút dao găm chặt đứt một cánh tay Victore. Ngay cả khi không còn tay, Victore vẫn hát cho đến khi gục xuống...
Theo ông Văn Tùng, những thông tin về sự hy sinh cao đẹp của Victore đã được báo chí trong và ngoài nước khi đó xác nhận.