Quốc tế Phụ nữ 8/3:

Người thầm lặng

Bác sĩ Thư (thứ 2 phải sang) và bác sĩ Khoa hướng dẫn nhân viên y tế sử dụng thiết bị làm sạch bề mặt
Bác sĩ Thư (thứ 2 phải sang) và bác sĩ Khoa hướng dẫn nhân viên y tế sử dụng thiết bị làm sạch bề mặt
TP - Mỗi ca bệnh dương tính với Covid -19 được chữa khỏi người ta nhắc nhiều đến công lao của các bác sĩ điều trị. Ở góc khuất của nghề y, còn đó những con người lặng lẽ đứng sau hỗ trợ đồng đội. Họ cũng đối mặt với hiểm nguy từ dịch bệnh nhưng không bao giờ lùi bước và cũng không nhiều người biết đến họ…

“Ngày mai em đến huyện Bình Xuyên công tác nhé”. Nhận lệnh của sếp xong, TS. bác sĩ Trương Anh Thư, Phó trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bạch Mai) vẫn nghĩ đó là chuyến đi hướng dẫn nhân viên y tế tuyến dưới thực hiện các công đoạn kiểm soát nhiễm khuẩn như công việc bấy lâu nay chị vẫn làm. Bỏ vào túi xách 2 bộ quần áo và vài vật dụng cá nhân cần thiết, Thư đến Bệnh viện Bạch Mai để đi Bình Xuyên, nơi đang có những bệnh nhân dương tính với Covid -19 điều trị.

Áp lực đè nặng…

Hai mươi năm làm nghề y, Thư đã trải qua nhiều đợt công tác, chống dịch, nhưng đây là lần đặc biệt nhất khi chưa có quyết định từ cấp trên cả đoàn đã tập hợp và có mặt tại huyện Bình Xuyên. Mọi việc diễn ra như chuẩn bị cho trận đánh lớn. Lần đầu tiên một đội chống dịch hơn 20 người được thành lập từ 8 chuyên ngành khác nhau cùng nằm vùng tại một địa điểm. Thư là phụ nữ duy nhất của Tổ công tác đặc biệt, cũng là người duy nhất chịu trách nhiệm kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế.

Ngày đầu tiên có mặt tại điểm nóng, chị nhận thấy một áp lực lớn đè nặng lên mình. Đây là căn bệnh hoàn toàn mới, thế giới còn hiểu biết quá ít về loại virus này và tốc độ lây lan của nó thì nhanh từng ngày. Thư biết mình cần phải chuẩn bị kỹ hơn về thông tin của bệnh cũng như hoàn thiện thêm kỹ năng làm nghề trước khi hỗ trợ cho đồng nghiệp tuyến dưới.

Đi kiểm tra một vòng Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên), chị giật mình lo ngại nhận ra ở đây gần như không có “vũ khí” gì hữu hiệu để tham gia trận đánh mang tên Covid-19. Nhân lực và trang thiết bị phòng dịch tại đây gần như bằng không trong khi phần lớn số bệnh nhân dương tính với Covid -19 đều tập trung tại phòng khám này.

Lúc ấy trong suy nghĩ, Thư ngay lập tức nhận ra sự nguy hiểm nếu việc kiểm soát nhiễm khuẩn ở đây không được làm tốt thì rất khó điều trị bệnh nhân chứ đừng nói dập dịch. Áp lực lúc này thực sự nặng nề. Cả huyện không có nhân viên chuyên trách về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, đến chiếc giẻ lau bề mặt chuyên dụng cũng không. Ngay lập tức cô thiết lập hệ thống tổ chức, tìm những người có kinh nghiệm, có kỹ năng để đào tạo bài bản về công tác nhiễm khuẩn.

Những phương tiện thiết yếu như phương tiện vệ sinh bề mặt môi trường, một số loại trang phục phòng hộ cá nhân, trang phục chống dịch cũng thiếu nên phải kêu gọi hỗ trợ từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện nhi T.Ư, Bệnh viện Phổi T.Ư và các đơn vị khác. Lúc đó Thư mới bắt tay vào đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế.

Công việc trong vài ngày đầu được làm cuốn chiếu trong 1 ngày. Những nhân viên y tế tuyến huyện, tuyến xã còn nhiều bỡ ngỡ với thông tin về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện nên công việc của Thư khá vất vả. Giảng xong lý thuyết lại cầm tay chỉ việc cho các đồng nghiệp các kỹ năng kiểm tra giám sát, kỹ năng báo cáo số liệu cho đội chuyên trách. Quan trọng nhất lúc này là đưa kiến thức vào thực tế.

Hằng ngày Thư “lăn như bống” từ Bệnh viện đa khoa Phúc Yên về Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà. Chốc nữa lại thấy cô có mặt Trạm Y tế xã Sơn Lôi. Công việc của Thư đòi hỏi sự quan sát tỉ mẩn, phát hiện những kỹ năng chưa chuẩn của nhân viên để giúp họ thực hành đúng.

Không phải không có những phản ứng khó chịu từ những nhân viên tuyến huyện khi họ chưa bao giờ phải thực hiện những công việc kiểm soát nhiễm khuẩn tỉ mỉ đến vậy. Khó nhất là tạo thói quen cho đội giám sát nhiễm khuẩn nên Thư thường xuyên có mặt tại những buồng bệnh dương tính và ca nghi ngờ để kiểm tra thao tác của nhân viên y tế khi chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân cũng như vệ sinh buồng bệnh. Làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện lâu năm, bác sĩ Thư hiểu virus thì vô hình nhưng nguy cơ nhiễm bệnh lại hiện hữu.

Đợt đó mỗi bệnh nhân dương tính Covid -19 nằm điều trị một phòng, chưa kể mấy chục ca nghi nhiễm cần cách ly cũng dồn cả về phòng khám Đa khoa Khu vực Quang Hà, lúc cao điểm hơn 40 trường hợp cách ly khiến khối lượng công việc đổ dồn lên những nhân viên y tế ở đây. Những ngày đó, áp lực thực sự khủng khiếp với các bác sĩ khi diễn biến dịch khó lường. Mỗi ca dương tính hoặc nghi nhiễm lại ở tình trạng khác nhau, nguy cơ lây nhiễm của các bệnh nhân cũng khác nhau nên cả Tổ công tác đặc biệt lại phải thảo luận chi tiết, kỹ càng thậm chí tranh luận gay gắt để đưa ra hướng cách ly, phác đồ điều trị phù hợp.

Người thầm lặng ảnh 1

Bác sĩ Thư cùng Tổ công tác đặc biệt họp với y tế huyện

…Và đáng nhớ

Trong suốt thời gian này lúc nào các thành viên của Tổ công tác đặc biệt cũng thấp thỏm không biết thời điểm nào sẽ kết thúc đợt công tác. “Ngày nào cũng làm việc thật lực nên anh em không còn nhớ đến ngày giờ cụ thể. Chuyện nửa đêm đang ngủ bị gọi dậy bàn việc là bình thường.

Dịch bệnh khó lường, phức tạp, mình phải theo dõi từng người một, mỗi trường hợp lại khác nhau nên xử lý linh hoạt. Hồi hộp nhất là lúc kết quả xét nghiệm, nếu có một ca dương tính thì coi như “xóa cờ” đánh lại từ đầu. Dịch ở Sơn Lôi đã kết thúc. Sau 21 ngày liên tục không có ca nào mắc bệnh thì hết dịch, nhưng chỉ có 1 ca dương tính, mọi công đoạn làm lại từ đầu, vô cùng vất vả”, bác sĩ Thư trải lòng.

Chưa bao giờ cô có chuyến đi đáng nhớ như lần đến Bình Xuyên 20 ngày vừa qua. Vất vả nhưng là cơ hội để những bác sĩ như Thư có thêm kinh nghiệm khi triển khai công việc phòng dịch trên diện lớn với nhiều mảng khác nhau. Không chỉ làm công tác chuyên môn, bác sĩ Thư còn cùng với đồng nghiệp tư vấn tâm lý cho người dân xã Sơn Lôi, trở thành những người thân thiết với bà con trong xã.

Giờ đây về lại với công việc thường ngày tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng những kỷ niệm trong 20 ngày chiến đấu chống giặc Covid-19 trở thành một phần ký ức sống động và sâu sắc với nữ bác sĩ Trương Anh Thư. Cô gọi thành viên trong tổ công tác là những người bạn thân. Họ là nam giới, trẻ có, lớn tuổi có nhưng nhiệt huyết trong công việc thì không ai thua ai.

Với cô, những đồng nghiệp đó ai cũng đặc biệt, nhưng cô không biết một điều rằng cô chính là người đặc biệt nhất trong mắt những đồng đội của mình. Họ thấy ở cô hình ảnh của một chiến binh thực thụ, sẵn sàng hết mình để giải quyết những khó khăn phát sinh, không kêu than mệt mỏi và nhất là luôn khiến người đối diện thấy thanh thản và vui vẻ bởi tiếng cười trong trẻo và sự lạc quan.

Sáng đầu tiên Sơn Lôi thoát hiểm, mọi rào chắn, chốt chặn tại xã đã được gỡ bỏ. Hơn 10.000 người dân nơi đây trở lại nhịp sống quen thuộc. Và tôi thấy, trong những lời chia sẻ của bác sĩ Trương Anh Thư, trong đôi mắt biết cười của cô ánh lên niềm vui bởi ít nhiều mình đã góp phần vào sự an lành của vùng quê này.

Họ thấy ở cô hình ảnh của một chiến binh thực thụ, sẵn sàng hết mình để giải quyết những khó khăn phát sinh, không kêu than mệt mỏi và nhất là luôn khiến người đối diện thấy thanh thản và vui vẻ bởi tiếng cười trong trẻo và sự lạc quan.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG