Người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Suga Yoshihide là ai?

0:00 / 0:00
0:00
Ông Fumio Kishida chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của đảng LDP ngày 29/9. (Ảnh: Kyodo)
Ông Fumio Kishida chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của đảng LDP ngày 29/9. (Ảnh: Kyodo)
TPO - Lựa chọn ông Fumio Kishida cho thấy đa số nghị sĩ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền mong muốn một người có cách tiếp cận an toàn để dẫn dắt đảng này bước vào cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 11 tới, chuyên gia đánh giá.

Trong cuộc bỏ phiếu của đảng LDP diễn ra ngày 29/9, ông Kishida đánh bại hoàn toàn đối thủ chính Taro Kono, vị bộ trưởng được coi là nhà cải cách. Ông cũng đánh bại nữ ứng viên Sanae Takaichi, một người có tư tưởng bảo thủ cứng rắn được cựu thủ tướng Abe Shinzo ủng hộ, và bà Seiko Noda, một nghị sĩ trung tả mang tư tưởng tiến bộ trong các chính sách xã hội.

Sinh ra trong một gia đình chính trị ở Hiroshima, ông Kishida (64 tuổi) từng giữ vị trí ngoại trưởng và phụ trách chính sách của đảng LDP dưới thời Thủ tướng Abe. Cha và ông nội của ông trước đây là nghị sĩ. Ông có quan hệ gia đình với cựu Thủ tướng Kiichi Miyazawa, cũng như với Kochikai, một trong những nhóm lâu đời nhất của LDP.

Sẽ chính thức được đề cử làm thủ tướng vào tuần tới, ông Kishida không được nhiều người bỏ phiếu chọn bằng ông Kono trong vòng bầu cử đầu tiên hôm nay. Nhưng số phiếu dành cho ông tăng gần gấp đôi trong vòng thứ hai.

Ông ấy là một chính trị gia “ôn hoà, giàu kinh nghiệm và không có vấp ngã lớn nào trong hồ sơ. Nhưng ông ấy cũng không được nhớ đến với thành công lớn nào trong hoạch định chính sách”, Masato Kamikubo, một giáo sư về khoa học chính trị tại ĐH Ritsumeikan ở Kyoto, nhận xét.

Về chính sách kinh tế, ông Kishida từng nói đến ý tưởng từ bỏ chủ nghĩa tự do kiểu mới, dù đây là tư tưởng cốt lõi mà LDP theo đuổi từ những năm 2000. Ông muốn tập trung hơn vào việc giảm bất bình đẳng thu nhập.

Ông Kishida từng nói rằng ông sẽ mở rộng hỗ trợ chi tiêu gia đình cho giáo dục và nhà ở. Ông đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá “hàng chục nghìn tỷ yen”.

“Bất bình đẳng đang tăng lên vì virus corona. Tại các công ty, liệu các cổ đông có nên gặt hái hết thành quả tăng trưởng?”, ông Kishida nói với Nikkei trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tháng này. Ông cho biết nhiệm vụ “tăng thu nhập và bù đắp cho các công nhân và người lao động” nên là ưu tiên cao nhất.

Nhà kinh tế học Masamichi Adachi, làm việc tại hãng chứng khoán UBS Securities ở Tokyo, cho rằng các chính sách kinh tế của ông Kishida nhìn chung sẽ duy trì “nguyên trạng”.

Về chính sách đối ngoại, ông Kishida có thể sẽ tiếp tục chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do” của cựu Thủ tướng Abe. Ông cũng đã bày tỏ quan ngại về những hành động quyết liệt của Trung Quốc trên mặt trận kinh tế và ngoại giao.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng năng lực tấn công căn cứ tên lửa của kẻ thù để ngăn ngừa nguy cơ bị tấn công.

Vấn đề quan trọng nhất đối với thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản sẽ là cuộc chiến tiếp diễn với đại dịch COVID-19. Ông Kishida nói rằng ông đặt mục tiêu đến cuối tháng 11 sẽ tiêm đầy đủ cho tất cả những người muốn tiêm, đồng thời thúc đẩy hoàn thành các loại thuốc chống virus corona qua đường uống vào cuối năm nay.

Ông đề xuất thành lập một cơ quan quản lý khủng hoảng y tế trong chính phủ để ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế và thiết lập hệ thống y tế ứng phó tốt hơn. Nhưng GS Kamikubo cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể.

“Việc lựa chọn một nhà lãnh đạo ‘nguyên trạng’ cho thấy LDP chưa thấy phải thay đổi ngay. Trọng tâm thực sự ở đây là cách ông ấy sẽ thành lập nội các và lựa chọn người vào các vị trí. Xây dựng một nội các đa dạng sẽ là chìa khoá để giành được đa số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”, GS Kamikubo nhận định.

Theo Nikkei
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.