Anh Hồ Văn Lang nấu ăn, trồng chuối trên rẫy. Video: Phạm Linh.
Trưa tháng 5 nắng gắt, nhiều người đàn ông quây quần trong căn chòi lá ở núi rừng thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Trà Bồng sau buổi sáng phát rẫy trồng lúa.
Ngồi trong chòi, Hồ Văn Lang nở nụ cười hồn nhiên với hàm răng đen láy, đầu đội chiếc mũ beret khiến anh trông trẻ hơn tuổi 51 của mình. Ngồi một lát, anh mang bịch nylon đựng đọt lan vừa hái và miếng sáp ong lớn để nấu canh. Đi làm rẫy cạnh chòi của hàng xóm, Lang mang theo cơm gạo, cá khô và sáp ong để làm đầu bếp thết đãi mọi người một bữa trưa.
"Cứ mỗi khi đi rẫy mọi người phải ăn cơm do chính tay anh Lang nấu, vì anh không quen với cách nêm nếm gia vị của chúng tôi", anh Hồ Văn Tri, em trai của anh Lang tiết lộ. Dù cùng canh tác chung một ngọn núi, cánh rừng, trong mắt người làng, anh Lang thuộc về núi rừng hơn cả, nên dường như nơi này cũng là lãnh địa của Lang.
48 năm trước, nghe tiếng bom dội ở phía làng mình, ông Hồ Văn Thanh, một bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ, chạy về nhà thì thấy mẹ và hai con trai lớn đã chết. Quá đau buồn, ông Thanh trở nên thất thần, rồi đưa vợ và hai con trai nhỏ là Hồ Văn Tri và Hồ Văn Lang, lúc đó mới 1-2 tuổi sang nơi khác sinh sống.
Trong một lần lên cơn kích động vì do ảnh hưởng tâm thần, ông Thanh đánh vợ đến ngất xỉu, rồi ôm con trai lớn Hồ Văn Lang, lúc đó chưa tròn hai tuổi vào rừng. Sau lần đó, ông Thanh quay trở lại tìm vợ nhưng sợ ông lên cơn đánh vợ, người làng lại nói dối "vợ mày đã chết rồi".
Từ đó, ông Thanh cùng con trai sống biệt lập trong rừng ở xã Trà Xinh, huyện Tây Trà (nay sáp nhập vào huyện Trà Bồng). Ban đầu, cha con ông ở gần bìa rừng, nhưng dân càng phát rẫy, canh tác vào trong thì cả hai càng tiến về phía rừng sâu.
Đến năm anh Tri 12 tuổi, trước khi mẹ qua đời, anh cùng bác ruột mới vào rừng sâu cách bản một giờ đi bộ để tìm cha và anh trai nhưng ông Thanh không nhận ra con mình. Sau lần đó, mỗi năm anh Tri lên thăm chòi lá trên cây của ông Thanh và anh Lang hai lần. Mỗi lần đi anh đều mang theo gạo, muối và dầu hỏa...
Mãi đến bảy năm trước, 2013, khi ông Thanh già yếu, trở bệnh, anh Tri cùng bác ruột và chính quyền địa phương mới quyết định đưa hai cha con về làng. Đoàn tụ gia đình, được hàng xóm và chính quyền tạo điều kiện hòa nhập cuộc sống, nhưng ông Thanh và anh Lang vẫn nhớ rừng sâu quay quắt.
Sau gần nửa đời gắn bó với rừng, ông Hồ Văn Thanh trở nên thu mình, chỉ quẩn quanh ở gian nhà sau, vẻ trầm ngâm. Còn Hồ Văn Lang thì cởi mở với người làng hơn, anh thường đến nhà hàng xóm tâm sự cùng các cụ già. Vốn tiếng Cor ngày một sỏi hơn giúp Lang dần hiểu được cuộc sống xung quanh.
Khi còn ở rừng, Lang sợ con trâu, nhưng khi nghe em trai nói nuôi con này để bán lấy tiền mua gạo, thức ăn, anh nghe theo rồi thường xuyên cắt cỏ voi cho trâu. Đến nay, đàn trâu của gia đình đã có ba con.
"Anh Lang rất chăm làm, bà con chỉ gì cũng làm theo được. Anh còn biết vào rừng chặt cây mây, tre lồ ô về bán. Nhưng mọi người chỉ gì anh làm nấy, không biết tính toán, đếm tiền", anh Tri kể. Nhiều lần Lang mang cây mây, chuối trên rừng đem tới nơi thu mua rồi bỏ đi, sau đó anh Tri đến lấy tiền.
Ngoài làm việc, anh Lang không có thú vui gì ngoài ăn trầu cau và uống nước chè. Khi mới về nhà, thấy em trai uống rượu, bia, anh cũng uống theo nhưng sau đó dị ứng nên anh Tri khuyên anh mình không uống nữa. "Anh Lang giận bảo sao em uống được mà anh không uống, nên từ đó tôi bỏ luôn bia rượu", em trai anh Lang nói.
Mỗi lần cánh đàn ông trong làng nhắc đến phụ nữ, Lang cười e thẹn nhưng qua mấy lần "nhắm" mối đều thất bại. "Họ chê anh Lang già, lại nghèo khổ, không lanh lợi bằng người khác nên không không ưng vì sợ không đủ khả năng nuôi con", anh Hồ Văn Tri, em trai anh Lang kể.
Những lần lên rừng làm rẫy khiến ký ức sống dậy trong Lang. Hai năm sau ngày về làng, Lang lại thích ở rẫy hơn ở nhà. Ba năm nước, người cha Hồ Văn Thanh mất, Lang trở nên cô đơn hơn.
Tiếng gọi của núi rừng lại níu kéo Lang mạnh mẽ hơn, Lang hầu như ở trên rẫy cả ngày đêm. Nhưng rẫy của "người rừng" không còn xa thăm thẳm như trước, mà chỉ cách cầu sông Tang chừng một km, cách nhà khoảng 4 km.
"Ở làng rất vui, nghe được tiếng Cor, Kinh, xe cộ khắp nơi... nhưng đi làm rẫy xa về mỏi chân", anh Lang nói.
Mỗi tháng, anh Lang chỉ về làng, ở lại nhà khoảng một, hai lần để bán chuột, chim... do anh bẫy được và chuối, bắp do chính tay anh trồng. Khi lên rẫy thì anh lấy gạo, muối, mắm, đường... do vợ chồng em trai chuẩn bị sẵn.
Dù vậy, anh Hồ Văn Tri thường xuyên gặp anh trai, mang theo gạo, cá... để "tiếp tế" khi gặp anh trên rẫy. "Anh Lang không mặc quần dài, nếu quần đùi và áo anh bị rách tôi sẽ nói vợ mua rồi đem lên cho anh", anh Tri nói. Mỗi lần gặp em trai, chiếc gùi của anh Lang lại đầy thêm.
Trưa hôm ấy, Lang đưa cho em trai một con chim chích chòe vừa bẫy được, nhờ Tri bán lấy tiền đổi gạo. Rồi anh lại lặng lẽ về lại rẫy của mình với chiếc gùi trên lưng, chiếc rựa trên tay và chiếc bình đông nước treo một bên.
Đi quãng đường chừng một km, chòi lá của Lang hiện ra với một chuông gió bằng ống tre lồ ô và tấm nhôm phát ra tiếng kêu để đuổi muông thú. Lang đặt chiếc gùi xuống, treo xoong nồi, niêu lên sàn bếp, rồi nhai một miếng trầu cau.
Nhìn những cây chuối xanh mơn mởn bên bìa núi, Lang bảo nhớ hồi còn ở với cha trong rừng, chuối rừng rất ngon, vừa ngọt vừa chua. Bây giờ, Lang đi đào những cây chuối non mọc bên sườn núi để trồng ở gần rẫy, đất thoai thoải và dễ thu hoạch hơn.
Bằng chiếc rìu chế bằng mảnh bom cha truyền lại, Hồ Văn Lang đào đất trồng xuống những gốc chuối vừa bứng. Trồng chuối xong, anh ra sau nhà rửa tay chân, lau mồ hôi bằng dòng nước từ suối chảy về. Lang ngồi nhìn xa xăm phía núi rừng, bên một dây trầu xanh ngắt.