Bà Thimmakka đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tuy nhiên, sau nhiều năm chung sống, vợ chồng bà không thể có con. Quá buồn rầu, họ đã quyết định trồng và chăm sóc cây như nuôi nấng những đứa trẻ.
Đôi vợ chồng bắt đầu trồng 10 cây đa nhỏ trong một mảnh đất trống cách làng 4km. Do khu vực đó không có nước, mỗi ngày, ông bà lại cùng nhau gánh 4 thùng nước từ làng ra tưới tắm cho mảnh vườn nhỏ của họ.
Sau hơn 20 năm, mảnh vườn với 10 cây đa ngày nào giờ đã thành... rừng với 384 gốc đa to, có giá trị lên tới 1,5 triệu Rupee ( hơn 500 triệu đồng).
Khu rừng tươi mát của bà Thimmakka. Bà thậm chí nói chuyện và hát ru cho những gốc cây mỗi tối như những đứa trẻ
Mảnh vườn của vợ chồng bà cũng đã trở thành một khu rừng kéo dài 5km giữa làng Hulikal và Kudoor, cách thành phố Bangalore 80km.
Bà Thimmakka đã vinh dự được trao tặng rất nhiều giải thưởng giá trị cấp quốc gia và quốc tế, bao gồm giải thưởng Công dân gương mẫu Quốc gia năm 1995 cùng những ghi nhận từ những nhà hoạt động môi trường toàn cầu.
Nhiều tổ chức quốc tế tìm đến bà để tặng giấy khen vì môi trường
Tuy nhiên, đằng sau những giải thưởng danh giá đó, ít ai biết rằng bà Thimmakka sống trong cảnh nghèo đói. Mảnh đất ngày xưa bà và chồng gây dựng đã bị những người họ hàng tham lam chiếm đoạt. Điện thoại của bà cũng bị nhà mạng cắt đứt khá lâu vì bà không đủ tiền thanh toán khoản cước phí trị giá 3.000 Rupee (1 triệu đồng).