Người phụ nữ làm trái nghề thành công nhất

Người phụ nữ làm trái nghề thành công nhất
TP - “Trong đời mình, tôi lúc nào cũng thích sự linh động, đổi mới. Ngồi một chỗ không phải là tính tôi. Còn nếu nói về kiến thức, thì các môn khoa học xã hội đem lại cho bạn một vốn kiến thức sâu rộng, và đó là chìa khóa thành công trong bất cứ lĩnh vực nào”.
Người phụ nữ làm trái nghề thành công nhất ảnh 1
Bà Carly Fiorina

Dạo đó là năm 1989. Carly đang làm việc tại Công ty “AT&T Corp.” và đang phân vân xem có nên chuyển từ phòng liên lạc sang bộ phận hệ thống mạng hay không. Bạn bè và đồng nghiệp thì xúm vào khuyên can cô không nên mất thời gian và sức lực vào bước ngoặt vô ích đó.

Mà xem ra mọi người cũng có lý: giữa Carly với tấm bằng đại học ngành Triết-sử và bộ phận hệ thống mạng (tiền thân của Công ty Lucent Technologies Corp. sau này), nơi tập trung toàn những kỹ sư ngành tự nhiên, xem ra chẳng có điểm gì chung. Nhưng Carly Fiorina vẫn quyết định “liều một phen”.

Carly hoàn toàn không sai: Sau nhiều năm làm việc ở các cương vị lãnh đạo trong “Network Systems” và “Lucent Technologies Corp.”, năm 1999 bà trở thành chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc của người khổng lồ chuyên sản xuất máy vi tính mà cả thế giới biết đến- Hewlett-Packard”.

Từ năm 1997-1999, Carly giữ chức giám đốc một trong các chi nhánh của “Lucent” và phụ trách việc bán hàng và cung cấp phần mềm cho các công ty kinh doanh dịch vụ internet, điện thoại và những dịch vụ không dây khác.

Năm 1998, chỉ riêng bộ phận do bà lãnh đạo mang lại cho công ty số tiền lãi là 19 tỷ đô la, tương đương với 58% tổng lợi nhuận của “Lucent”- nhà sản xuất thiết bị liên lạc hàng đầu ở Bắc Mỹ.

Con đường dẫn tới thành công của Carly Fiorina không dễ dàng chút nào. “Muốn đạt được mục đích, điều trước tiên bạn phải say mê công việc mình đang làm, và cũng có nghĩa rằng bạn phải nắm công việc tới chân tơ kẽ tóc”.

Để tìm chỗ đứng cho mình, Carly xin thi vào khoa luật thuộc trường Đại học Tổng hợp Los Angeles. Nhưng rồi bà quyết định từ bỏ ngành này, bởi vì “mọi chuyện chỉ xoay quanh việc đào bới và xét xử một sự cố xảy ra với một ai đó, và điều này chẳng hấp dẫn tôi chút nào”.

Thế là Carly xoay sang dạy tiếng Anh tại thành phố Bolonia (Ý), kiêm thêm làm thư ký cho một công ty môi giới chứng khoán. “Và tự nhiên tôi nhận ra mình rất thích kinh doanh. Tôi mê nhịp sống của thương trường, thích tiếp xúc với nhiều người khác nhau, và tôi thấy làm kinh doanh bạn phải động não liên tục, đó là điều rất thú vị”. 

Thế là Carly quyết định học tiếp tại Đại học Tổng hợp Maryland lấy bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh.

Carly khởi nghiệp tại Công ty “AT&T”, với vị trí đại diện kinh doanh. Khi công ty tiến hành cải tổ, những nhân viên vốn bản tính năng động, nhạy bén, trong đó có Carly, có cơ hội tuyệt vời để thể hiện mình.

Một trong những yếu tố của thành công là: biết cách tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể. Bà nói “Lời khuyên của tôi là: Hãy tập trung vào việc mà bạn làm tốt hơn bất kỳ người nào khác. Tôi được chứng kiến thất bại của nhiều người hết sức tài năng, chỉ bởi vì họ phân tán thời gian cho nhiệm vụ mới mà không tập trung vào hoàn thành nhiệm vụ đang dở dang. Nghệ thuật quản lý là ở chỗ bạn xem kết quả như một thước đo tiềm năng, chứ không phải xem tiềm năng là thước đo của kết quả”.

Công việc mà Carly đảm nhiệm bao giờ cũng vượt quá tiềm năng của bà. Năm 1995 Carly được bổ nhiệm vào một trong những chi nhánh của “AT&T”, đó là công ty “Lucent”, trị giá lúc đó không dưới 3 tỷ đô la.

Trong những quyết định của mình Carly luôn dựa vào những kiến thức nhận được tại khoa triết ngày nào. Tại Lucent, Carly Fiorina thường xuyên đọc tiểu sử của các nhân viên, để nghiên cứu khả năng của từng người, và nhiều khi bà gặp nhân viên hoặc tới bộ phận khác để học hỏi những gì mình không biết.

Khi công ty “Lucent” chuyển sang kinh doanh mạng sợi quang học, Carly đã bỏ hẳn hai giờ đồng hồ để bàn bạn với Harry Bosco, lãnh đạo của bộ phận kỹ thuật chuyên nghiên cứu về loại sản phẩm mới này.

Kiểu trao đổi này có lợi đối với cả “thầy” lẫn “trò”, bởi trong khi giải thích cho Carly về những cơ sở công nghệ, các chuyên gia học được cách tiếp cận với người tiêu dùng. Carly nói: “Và trên cơ sở những cuộc trao đổi kiểu như vậy chúng tôi lập ra được kế hoạch marketing”.

Năm 1999, khi “Hewlett-Packard” đề nghị Carly Fiorina nhận chức giám đốc, nhiệm vụ chính của bà là mang lại luồng gió mới cho một công ty đã tồn tại hơn 60 năm.

Tình trạng kinh tế không mấy tốt đẹp hiện nay càng khiến cho trọng trách của Carly trở nên nặng nề hơn. Nhưng Fiorina không phải là người dễ chùn bước.

Tháng 5/2002 bà quyết định hợp nhất “Lucent” với nhà sản xuất máy tính “Compaq”. Trị giá của thương vụ này là 18,7 tỷ đô la.

Sách lược của Carly Fiorina không được nhân viên trong và ngoài công ty tán đồng. Nhưng chính những bước đi mạnh bạo của bà khiến cho “Hewlett-Packard” trở thành công ty số 1 trên thị trường máy tính cá nhân vào năm 2002.

Rời “Lucent” năm 1999 để lãnh đạo “Hewlett-Packard”, Carly Fiorina trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một trong những công ty đứng trong danh sách 30 công ty lớn nhất thế giới.

Tạp chí Forbes suốt 5 năm liền (từ 1998-2002) bình chọn bà là một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất trên thương trường của nước Mỹ.

MỚI - NÓNG