Tòa Đại hình Evry, ngoại ô thủ đô Paris ra quyết định rằng họ không có thẩm quyền để xét xử vụ kiện liên quan đến những hành động thời chiến tranh của chính phủ Mỹ.
Bà Nga, 79 tuổi, cáo buộc các công ty hoá chất Mỹ, như tập đoàn Monsanto (đã bị Bayer mua lại) và Dow Chemical bán chất độc da cam cho chính phủ Mỹ để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, khiến bà bị phơi nhiễm và chịu nhiều hậu quả về sức khỏe. Bà Nga cũng cáo buộc họ phá hoại môi trường. Nhưng tòa án Evry nói rằng những công ty này hành động “theo yêu cầu” của chính phủ Mỹ. Các công ty hóa chất cho rằng họ không phải chịu trách nhiệm cho việc quân đội Mỹ sử dụng sản phẩm của họ. Quyết định bất lợi này không khiến bà Nga nản chí. Bà khẳng định sẽ tiếp tục kháng án.
Quyết định của tòa gây thất vọng cho nhiều người. Nhiều báo lớn trên thế giới đánh giá vụ kiện của bà Nga là mang tính lịch sử. “Điều tôi muốn từ các công ty sản xuất chất độc da cam là họ phải đủ dũng cảm để thừa nhận tội ác của mình và dũng cảm để sửa chữa những gì đã gây ra”, bà Nga nói với báo chí.
Bà Nga đang bị nhiều bệnh mà các nghiên cứu y khoa khẳng định là có liên quan đến những hậu quả lâu dài của chất độc da cam, như tiểu đường týp 2 và ung thư. Trong 3 người con gái của bà sinh ra sau khi mẹ phơi nhiễm, một người đã qua đời khi mới 17 tháng tuổi vì bệnh tim. Con gái thứ hai của bà bị bệnh thiếu máu huyết tán. Bà Nga nói rằng bà đã trực tiếp tiếp xúc với hóa chất từ một máy bay Mỹ khi bà còn là nhà báo đang làm việc ở miền Nam Việt Nam.
Quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam và các hóa chất tương tự trong những năm 1960 đến 1971 để phá hủy cây cối nhằm làm lộ ra các tuyến vận chuyển lương thực của miền Bắc tiếp tế cho lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam. Sau khi các máy bay Mỹ rải các loại chất diệt cỏ, cây cối rụng hết lá và trở nên trơ trụi. Các loại chất độc cũng đi vào chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Tại Mỹ, các bác sĩ nhận thấy binh lính nước này trở về nước thường mắc các bệnh ung thư và tiểu đường, sau đó con cái họ bị khuyết tật hoặc những bệnh khác.
Chất độc đa cam chứa TCDD, một trong những chất dioxin độc nhất thế giới, gây ra ít nhất 17 loại bệnh và ung thư. Khi nhiễm vào đất, chất này có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Tại Mỹ, Đạo luật chất độc da cam năm 1991 đã giúp hàng trăm ngàn cựu binh Mỹ được hưởng trợ cấp phơi nhiễm. Nhưng nạn nhân của chất độc này ở nhiều nơi khác chưa được thừa nhận. Năm 2005, một tòa án ở New York bác bỏ đơn của các nạn nhân Việt Nam kiện nhiều công ty Mỹ sản xuất chất độc da cam.
“Trong bất kỳ vụ kiện nào tại tòa án của Mỹ, các công ty hóa chất luôn được bảo vệ với quyền miễn trừ giống như chính phủ Mỹ”, bà Susan Hammond - Giám đốc điều hành của Dự án di sản chiến tranh, tổ chức theo dõi các tác động lâu dài của chiến tranh ở Việt Nam, Lào và Campuchia, nói với báo Washington Post. Các tổ chức phi chính phủ trên thế giới khẳng định những công ty cung cấp chất độc da cam biết rõ về sự nguy hiểm của chất này nhưng không dừng sử dụng hay giảm độ độc.
Trước khi toà ra quyết định như trên, có nhiều kỳ vọng rằng một toà án Pháp có thể tạo nên một kết quả khác.
Vụ kiện được thụ lý ở Pháp vì bà Nga trở thành công dân Pháp từ khi định cư ở quốc gia này từ đầu những năm 1990. Theo luật Pháp, công dân nước này có thể kiện các tổ chức và cá nhân nước ngoài ngay cả khi tội ác của họ diễn ra ở nước khác.
Ủng hộ các nạn nhân
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Trương, Trưởng ban Đối ngoại Hiệp hội các nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam (VAVA), nói rằng sau quyết định này của toà, nhóm của bà Nga có thể kiện lên toà phúc thẩm ở Pháp.
Ông Trương nói rằng bà Trần Tố Nga kiện các công ty hóa chất với tư cách công dân Pháp, nhưng cũng là nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam hồi còn công tác ở Việt Nam. Hơn nữa, bà ấy là người gốc Việt. Vì vậy, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ủng hộ bà Nga và rất mong muốn tội ác của các công ty hóa chất Mỹ sẽ bị vạch rõ.
Hơn nữa, VAVA không chỉ đứng ra bênh vực các nạn nhân chất độc da cam, mà còn ủng hộ tất cả nạn nhân chiến tranh và vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, ông Trương cho biết.
Nỗ lực trường kỳ
Tháng 5/2009, bà Trần Tố Nga tham gia “tòa án công dân” ở Paris, mang tên Tòa án lương tâm quốc tế ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, với sự tham gia của các cựu thẩm phán, cựu bộ trưởng tư pháp, chuyên gia và nhân chứng từ khắp nơi trên thế giới. Tòa án yêu cầu Mỹ và các công ty sản xuất chất độc da cam phải bồi thường cho các nạn nhân. Kết luận được gửi đến Liên Hợp Quốc và chính phủ Mỹ, nhưng tòa án này không có quyền lực pháp lý.
Bà Marie Toussaint, thành viên đảng Xanh Pháp và là một chuyên gia về luật môi trường quốc tế, đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực đấu tranh của bà Nga. Bà Toussaint nói rằng bà hy vọng phiên tòa có thể mang lại hy vọng cho các nạn nhân của chlordecone, một chất diệt côn trùng được sử dụng trong các trang trại trồng chuối ở các đảo Martinique và Guadeloupe thuộc Pháp. Chất này được cho là đã gây ra tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao bất thường ở hai đảo đó, dù nó bị cấm sử dụng ở Pháp từ năm 1990.