> IMF chính thức công bố ứng viên Tổng Giám đốc
Ghế tổng giám đốc IMF bị bỏ trống mấy tuần qua, sau khi ông Dominique Strauss Kahn từ chức do bị tố liên quan vụ cưỡng bức tình dục trong khách sạn Sofitel ở New York. Ông Strauss Kahn bị cảnh sát Mỹ bắt giam, hiện được cho bảo lãnh tại ngoại.
Bà Lagarde (55 tuổi) được nhiều người cho là ứng cử viên hàng đầu vào chức tổng giám đốc IMF. Bà được Liên minh châu Âu (EU), Ai Cập, Indonesia và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất ủng hộ. Trong khi đó, ông Carstens được sự ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia ở Mỹ Latinh.
Ông Carstens cho rằng, nếu ứng cử viên châu Âu được bầu vào chức tổng giám đốc IMF lần này sẽ dẫn đến hậu quả là xảy ra xung đột lợi ích vì hiện nay một số nước châu Âu đang khủng hoảng nợ nghiêm trọng.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde Ảnh: Getty Images. |
Theo ông Carstens, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu sẽ ngày càng lớn và nghiêm trọng. Do vậy, khu vực châu Âu cần có một cách tiếp cận mới để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Ông cho rằng, với tư cách là người ngoài khu vực, nếu trở thành tổng giám đốc IMF, ông sẽ có cách nhìn khách quan và phát biểu thẳng thắn hơn đối với cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Đây chính là lợi thế của ông so với đối thủ Lagarde.
Người Pháp chiếm giữ vị trí tổng giám đốc IMF tổng cộng 26 năm trong 33 năm qua. Người tiền nhiệm Strauss Kahn cũng là người Pháp. Đây có thể là một trở ngại đối với bà Lagarde nếu IMF muốn thay đổi.
Tiểu sử bà Lagarde Năm 17 tuổi, sau khi cha qua đời, bà Lagarde sang Mỹ học tiếng Anh trong một năm. Trở về Pháp, bà học Đại học Luật Paris, sau đó nhận bằng thạc sĩ luật tại Viện nghiên cứu Khoa học Xã hội ở tỉnh Aix en Provence. Năm 1981, bà trở lại Mỹ làm việc tại Cty luật quốc tế Baker & McKenzie. Sau khi làm việc ở Baker & McKezie 18 năm, bà trở thành nữ chủ tịch hội đồng quản trị đầu tiên của công ty luật này. Trở về làm việc tại Pháp, năm 2005, bà Lagarde được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại. Năm 2007, bà được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Tài chính, trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí này không chỉ ở Pháp mà ở cả các nước công nghiệp G-8. Năm 2009, báo Financial Times bình chọn bà là Bộ trưởng Tài chính giỏi nhất châu Âu. |
Đ.P tổng hợp