Ẩm thực, tình yêu và giải Cannes
Tên gốc của “Muôn vị nhân gian” bằng tiếng Pháp là “La Passion de Dodin Bouffant“ (Niềm đam mê của Dodin Bouffant) nói rất rõ về nội dung phim: nam chính Dodin có hai niềm đam mê chủ yếu trong đời, một là ẩm thực, và một là tình yêu với cô phụ bếp Eugénie của mình. Hai thứ tình này có sự đan chéo, ràng buộc và gắn chặt với nhau, không thể tách rời.
Đầu bếp Pierre Gagnaire (giữa) từng được 14 sao Michelin được Trần Anh Hùng mời làm cố vấn ẩm thực của phim |
Như vậy, nếu xét theo công thức ăn khách thường thấy (tình yêu, hành động, ẩm thực, hài hước…) thì nội dung phim của Trần Anh Hùng đã chiếm trọn hai từ khóa đắt giá. Lại thêm sự bảo chứng của giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes (LHP uy tín nhất thế giới), nhiều người đã hi vọng nó trở thành một “Ký sinh trùng” thứ hai tại Việt Nam, nghĩa là vừa thành công về mặt doanh thu vừa thành công về thương mại. Đấy là còn chưa kể cái danh xưng “đạo diễn gốc Việt” rất dễ được khán giả trong nước vồ vập. Thế nhưng, sự thật là người xem ở Việt Nam lại không mấy mặn mà với “món hầm” này.
Trần Anh Hùng nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất LHP Cannes lần thứ 76 |
Tôi xem “Muôn vị nhân gian” vào buổi tối thứ 2, rạp chỉ có 8 khán giả. Một số bạn bè của tôi cũng chia sẻ sự vắng vẻ tương tự trong trải nghiệm xem của họ. Có lẽ chính cái mác phim nghệ thuật cùng sự nhấn đi nhấn lại của chính Trần Anh Hùng về “giá trị điện ảnh” của phim được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội khiến nhiều khán giả bị rén.
Ngoài tiết tấu chậm đúng kiểu của một món hầm nhỏ lửa, bộ phim thực sự không hề khó xem. Mọi hình ảnh đều được trau chuốt tuyệt đẹp. Màu chủ đạo của phim thiên sắc vàng, giống màu của nắng, của mật ong, của bánh mì, của mùa thu. Nó là một bước tiến so với “Mùi đu đủ xanh” có màu chủ đạo là xanh, của bầu trời, của lá, của mùa xuân.
Phim cũng không có nhạc nền, tiếng động mà mọi người nghe thấy được tạo ra từ tiếng thìa nĩa nồi chảo va vào nhau. Tất cả được đặt trong bối cảnh là một căn bếp của thế kỷ 19. Và hai diễn viên chính, vốn là một cặp vợ chồng nổi tiếng ở Pháp, nấu nướng, gia giảm, chuyển động… giống như những diễn viên ballet.
“Muôn vị nhân gian” chuyển thể từ tiểu thuyết Pháp “La vie et la passion de Dodin-Bouffant, Gourmet” (tạm dịch: Cuộc đời và niềm đam mê của Dodin-Bouffant, một người sành ăn). Phim kể câu chuyện của Dodin Bouffant (diễn viên Benoit Magimel) - một chuyên gia ẩm thực, một người sành ăn và Eugenie (diễn viên Juliette Binoche), phụ bếp riêng, đồng thời là người yêu của Dodin. Sau 20 năm quen biết, hai nhân vật đã cùng nhau sáng tạo ra những những món ăn tuyệt đỉnh làm kinh ngạc cả những đầu bếp lừng lẫy. Song hành với quá trình này là tình yêu bền bỉ của họ, bền bỉ nhưng không kết hôn.
Trần Anh Hùng vẫn là Trần Anh Hùng của những “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Mùi đu đủ xanh”, “Rừng Na Uy”… và gần đây nhất là “Vĩnh cửu”, duy mỹ đến mức tận cùng. Quan điểm nghệ thuật của anh khiến người ta nhớ đến văn Nguyễn Tuân: mọi thứ đều phải đẹp, phải hoàn mỹ, kể cả việc giết người.
Thế nhưng, những hoàn mỹ ấy, đáng tiếc lại không chạm được vào số đông.
Phản ứng của khán giả Pháp
Hai diễn viên chính của “Muôn vị nhân gian” từng là một cặp vợ chồng nổi tiếng ở Pháp |
Mặc dù vượt mặt “Kỳ án trên đồi tuyết” (tên gốc là “Anatomy of Fall”) đạt Cành cọ Vàng của nữ đạo diễn Justine Triet để trở thành ứng cử viên đại diện nước Pháp tham dự hạng mục phim quốc tế xuất sắc nhất tại Oscar thì tác phẩm của Trần Anh Hùng vẫn không được đánh giá cao tại chính đất nước hình lục lăng.
Tất cả những tờ báo lớn nhất của Pháp đều không mấy thiện cảm với “Muôn vị nhân gian”. Trên nhật báo Le Parisien, vào tháng 11 năm 2023, tay viết Renaud Baronian gọi bộ phim là “một công thức cũ khó tiêu hóa”. Tác giả viết: “khi chúng tôi xem nó trên Croisette vào tháng 5, món ăn điện ảnh cũ kỹ và khó tiêu này vẫn còn trong bụng chúng tôi”.
Tờ Le Monde gọi “Muôn vị nhân gian” là “món hầm khó tiêu, khơi dậy rất nhiều bối rối, buồn chán và đôi lúc muốn cười”.
Còn đại diện của Le Figaro thì hàm súc hơn: “Những người Mỹ, thích ẩm thực Pháp, sẽ ngất ngây trước cảnh tượng kéo dài hai tiếng rưỡi này. Nó chắc chắn sẽ làm hài lòng những người sành ăn nghiệp dư, Pháp có rất nhiều người như vậy”. Cùng với đó, họ chỉ chấm cho “Muôn vị nhân gian” ¼ điểm.
Một số nhà phê bình theo dõi sát sao đường đi của “Muôn vị nhân gian” đã lý giải rằng: Pháp là một quốc gia khá bảo thủ, và việc họ tiếp nhận một tác phẩm về văn hóa gốc của mình (ở đây là văn hóa ẩm thực) của một tác giả ngoại lai gần như là bất khả. Điều này cũng giống như phản ứng của người Việt khi tiếp nhận bộ phim về phở hay nem do một người nước ngoài đạo diễn. Hãy nhớ đến phản ứng của khán giả Pháp khi xem bộ phim về Napoleon của đạo diễn Mỹ Ridley Scott. Họ cảm thấy bị xúc phạm, phẫn nộ, không thể chịu nổi khi hình ảnh Hoàng đế Napoleon hiện lên không giống những gì lịch sử Pháp ghi nhận.
Đây cũng có thể là một trong những lý do khiến Trần Anh Hùng phản ứng khá gắt khi bị hỏi về những ý kiến phê bình phim đến từ Pháp. Vị đạo diễn sinh năm 1962 phát biểu trong một bài trả lời phỏng vấn rằng: “Khi một người nào đó tiến đến, nói với tôi: “Phim của anh thế này, thế kia”. Tôi OK ngay. Nhưng anh là ai. Anh làm cái gì. Anh có biết họa sĩ này không. Anh có biết nhà văn kia không. Anh có biết bài hát này nó được thể hiện như thế nào. Anh nói cho tôi biết khả năng mình ra sao mà dám nhận xét phim tôi”.
Hiện ý kiến này đang được chia sẻ rộng rãi và tạo ra những dư luận trái chiều. Ở khắp các diễn đàn về văn hóa nghệ thuật, người ta đều lôi câu chuyện này ra để bàn thảo về công việc của nghệ sĩ và nhà phê bình. Không biết, nhờ thế, “Muôn vị nhân gian” có lội ngược dòng lập nên một kỳ tích phòng vé hay không?