Bác sĩ thú y Nguyễn Lại Khánh khuyên để an toàn cho chủ và chó nuôi, mọi người lưu ý quá trình chăm sóc nuôi dạy và thường xuyên kiểm tra sức khỏe của chúng. Điều này đặc biệt quan trọng trong phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ chó sang người và kịp thời điều chỉnh hành vi vật nuôi.
Kiểm tra sức khỏe
Bạn nên đưa chó đến phòng khám thú y kiểm tra sức khỏe tổng quát và được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc. Sau đó yêu cầu phòng thú y cấp sổ theo dõi sức khỏe cho chó của bạn, có ghi số điện thoại và địa chỉ liên hệ trong trường hợp khẩn cấp. Cuốn sổ này sẽ giúp bạn và bác sĩ dễ dàng theo dõi bệnh án của vật nuôi cũng như nhắc nhở thời gian tái khám định kỳ.
Tiêm phòng dịch
Chó nuôi cần tiêm vắcxin phòng 5 hoặc 7 bệnh truyền nhiễm: Care (bệnh sài sốt), pavo (viêm ruột truyền nhiễm), lepto (vàng da), parainfluenza (bệnh phó cúm), bệnh ho cũi chó, viêm gan truyền nhiễm, bệnh dại... Mỗi lần tiêm phải ghi thông tin nhãn thuốc, ngày tiêm và chữ ký người tiêm trong sổ sức khỏe của chó. Sau đó, chúng sẽ được phát một vòng đeo cổ để nhận biết là vật nuôi đã tiêm phòng.
Bác sĩ Khánh khuyên chủ nuôi nên tập luyện và chơi đùa với chó để giảm thiểu hành vi hung hãn của chúng như cắn xé đồ đạc trong nhà, nhai đồ vật, gầm gừ đe dọa tấn công người.
"Nếu chó của bạn bỗng dưng hung dữ thì nên cẩn trọng. Có thể nó đang cảm thấy sợ hãi hay bị chọc giận và sẽ phản ứng trong lúc đang cần không gian riêng bằng hành vi cắn ngược lại", bác sĩ nói.
Ngoài ra, chó bị xích nhốt lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng stress, căng thẳng. Chúng trở nên hung dữ, sủa nhiều, cào cấu chuồng. Khi thoát ra, con vật có thể cắn người gặp đầu tiên. Một nguyên nhân khác khiến con chó trở nên hung dữ là có thể bị người chủ hành hạ, đánh đập nhiều lần. Từ đó, chúng sẽ phản kháng lại bằng cách tấn công người đã bạo hành chúng.
Theo bác sĩ, nên nuôi chó từ nhỏ, hạn chế nuôi khi con vật đã trưởng thành, nhất là các giống chó dữ. Nếu có điều kiện nên cho chúng đi học ở những trung tâm huấn luyện uy tín.
Người nuôi yêu thương chó nhưng cũng cần dạy dỗ nghiêm khắc để con vật phải tuân theo mệnh lệnh của chủ và không chiều chuộng chúng làm những việc sai trái. Không để chó dọa hoặc cắn chủ bừa bãi và vô cớ từ nhỏ, có thể tạo cho chúng những thói quen xấu nguy hiểm.
Khi bị chó tấn công, người chủ cần bình tĩnh, không dùng gậy đuổi đánh chúng. Hành động này dễ làm tăng sự kích động. Chúng có thể cắn xé nạn nhân nhiều hơn và tấn công luôn những người khác mà chúng thấy. Điều cần thiết nhất là hãy làm cho con vật nuôi bình tĩnh lại rồi tách nó ra nơi khác.
Người nuôi chó cũng cần phải có những kỹ năng kiểm soát hành vi của con vật. Trong hoàn cảnh cần thiết nên khống chế bằng rọ mõm, dây cương, vòng cổ xung điện... Một số con chó có tính khí côn đồ, hung dữ, không dạy bảo được thì phải kiên quyết không nuôi.