> Theo chân sinh viên Sài thành 'săn' đồ ve chai
> Hai lúa đạp xích lô miễn phí đưa trẻ đến trường
Vay tiền hàng xóm để giúp đỡ trẻ em nghèo
Ngồi nghiêng trên chiếc xe máy của một người quen chở tới, anh Ninh vừa bước xuống xe, chủ quán cà phê nói ngay: “Trông thế thôi, chứ ảnh đi làm từ thiện khắp nơi”. Người gầy tong, hai chân chọi chọi từng bước, đôi tay quắp lại.
Cách giúp người của anh Ninh ít người làm được. Mỗi ngày, anh bỏ ống 2 ngàn đồng, rủ thêm ba đứa em mỗi đứa 1 ngàn, vậy là tháng được 150 ngàn. Số tiền này cùng tiền lãi từ quán cà phê nho nhỏ của mình, anh đem tặng những người có hoàn cảnh khó khăn.
Tháng nào, không ở Duy Xuyên thì Thăng Bình, Nông Sơn, dù gì cũng phải có vài chuyến đi thiện nguyện như thế anh mới yên lòng. Quà chẳng nhiều, mỗi suất chỉ vài trăm ngàn. Những đợt đi xa, anh phải bắt xe ôm, quá giang, hoặc nhờ người thân chở.
Năm trước, anh cầm 1,5 triệu lên tận Quế Ninh (Nông Sơn) trao cho hai cháu nhỏ mồ côi mẹ, cha đi làm xa, phải ở với ông bà nội. Đi nhờ xe tới Quế Xuân, anh bắt xe đi tiếp lên Quế Ninh, trời mưa tầm tã, tập tễnh lội qua cánh đồng, chưa tới nhà hai cháu thì đuối sức ngất xỉu, người ta phải bế vào. Rồi hoàn cảnh của các chị Nguyễn Thị Năng, Lê Thị Vân, Huỳnh Thị Tám (xã Duy Thu, Duy Xuyên)… bị tâm thần, ung thư cũng được anh tìm đến, lúc 200, lúc 300 ngàn đồng.
Ở xã, học sinh nào cũng biết đến anh, người chuyên từ thiện vở cho các em học sinh, riêng ở thôn Xuyên Đông, mỗi năm anh ủng hộ vở hai đợt. Để có hàng trăm cuốn vở đó, anh liên hệ với các công ty, tổ chức, nhà hảo tâm trước đây ở Đà Nẵng, Sài Gòn từng giúp đỡ mình.
Cần bao nhiêu vở để cho trò nghèo, anh trình bày bấy nhiêu, chỉ nhận vở, quyết không nhận tiền mặt. “Phải rõ ràng để họ tin, làm việc tốt mà để người khác nghi ngờ thì không hay”, anh Ninh nói.
Thầy Bùi Văn Dũng, hiệu trưởng trường tiểu học Duy Thu trước đây cho biết: “4 năm liền, năm nào anh Ninh cũng tặng vở, quà cho các em học sinh, giúp đỡ các cháu bị khuyết tật. Chúng tôi luôn lấy anh làm tấm gương để răn dạy học trò mình”.
Trần Phước Ninh (phải) cùng người bạn đồng hành trong các chuyến đi từ thiện. |
Nhiều lúc thiên hạ phát cười vì kiểu từ thiện của anh. Hễ ai tặng quà hay tiền, chẳng bao giờ tiêu, anh lại đem cho những người khó khăn hơn. Nhiều lần, anh vờ xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm cho mình rồi đem đi giúp các trường hợp khác.
Con gái anh Hồ Đức Thiện, ở Bình Giang (Thăng Bình), đang học trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), là một trong những sinh viên nghèo được anh Ninh cho máy tính. Anh Thiện xúc động: “Nhờ có chú Ninh con tôi mới có máy tính để học hành, nếu không hai vợ chồng tui cũng phải bán lúa, vay mượn đủ đường mới mua nổi cho con”.
Lắm bận, tìm hết cách mà vẫn chưa đủ tiền, anh Ninh đành phải… mượn hàng xóm để đi từ thiện. Lần lên làng Tĩnh Yên (Duy Thu) giúp hai phụ nữ lâm bệnh nặng, chỉ còn trong túi 300 ngàn, anh chạy sang hàng xóm mượn thêm 100 nữa để mỗi suất được 200 ngàn.
Nhà thơ làng
Năm 17 tuổi, trận sốt kinh hoàng khiến anh bị liệt. Sau 3 năm bất động trên giường, anh quyết tâm tự vực mình dậy. Đầu tiên anh vào Sài Gòn bán vé số sống qua ngày tháng. Sau 10 năm, anh ra Đà Nẵng xin ở chung với mấy cậu em sinh viên và tiếp tục đi bán vé số. Tuy tàn tật, nhưng anh chẳng muốn làm gánh nặng cho ai bao giờ.
Thương Ninh - cậu học trò cũ ngoan hiền, năm 2009, cô giáo Phạm Thị Ngọc Thúy (trường THPT Sào Nam, Duy Xuyên) đi vận động các mạnh thường quân ủng hộ tiền mở cho Ninh một quán cà phê nhỏ ở quê nhà. Trước quán có tên Gió Lùa, giờ là Thi Hữu Quán. Có cái tên này là do Ninh thích làm thơ. Miệng nói không tròn vành rõ chữ, nhưng câu chữ nào anh viết ra cũng chan chứa tình đời, tình người: “Ta về tạ lỗi cùng quê/ Hôn vạt cỏ dại bờ đê cuối làng/ Tạ ơn sông núi mây ngàn/ Cho ta uống giọt thi đàn trăm năm…”. Năm 2011, NXB Văn học in tập thơ “Tạ lỗi cùng quê” của Ninh. Ninh còn cộng tác thơ cho báo Đà Nẵng cuối tuần, tạp chí Non Nước…
Nhuận bút ít ỏi gom góp lại, những dịp Trung thu, khai giảng, tự tay anh gói quà, đem tới từng nhà, từng trường phát cho các em nhỏ. Trung thu năm trước, anh dành cho trường mẫu giáo Duy Thu 150 suất quà, các cô giáo ở đó còn nguyên cảm xúc bất ngờ khi một người tàn tật bước vào trường phát quà.
Hai mẹ con anh, người ngoài 80 tuổi, người tàn tật nương nhau. Hàng xóm bảo “hâm” khi Ninh dẫn cậu bé nghèo Nguyễn Văn Đàn (17 tuổi, ở xã Duy Thu, Duy Xuyên) về nuôi, cho đi học nghề điện. Anh tâm sự chưa bao giờ mơ có vợ, có con, sợ mình không lo được. Ước mơ lớn nhất của anh là giúp đỡ được nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như Đàn. |