Người mắc nợ hồn Chăm

Người mắc nợ hồn Chăm
TP - Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, họa sỹ (dân tộc Kinh) Nguyễn Huy Hoàng để trái tim mình ở văn hóa Chăm. Đời sống sinh hoạt và thế giới tâm linh của người Chăm được anh thể hiện trọn vẹn trong bộ sưu tập “Thánh địa”, gồm 11 bức sơn mài khổ lớn. Bước ra từ “Thánh địa”, Nguyễn Huy Hoàng lại lạc tới “miền cổ tích” với Thánh Gióng, Thạch Sanh… 

Cùng “Sơn Ta” bước vào “Thánh Địa”

Nguyễn Huy Hoàng từng công tác tại Xưởng phim truyện I suốt 15 năm. Thời gian gắn bó với điện ảnh đã giúp họa sỹ có nhiều vốn sống và đưa anh tới văn hóa Chăm: “Ngày xưa, chúng tôi làm một bộ phim về đề tài chống Fulro, tôi theo đoàn phim về Ninh Thuận, tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ  là nơi đông người Chăm sinh sống nhất cả nước, sở hữu kho tàng văn hóa Chăm phong phú. Tôi được dự lễ hội Káte, một lễ hội huyền bí, có người thổi kèn saranai, người chơi đàn, sáo… Âm nhạc thì hay, con gái thì xinh đẹp. Sau đó tôi thăm tháp Chăm, lại một  lần nữa “choáng” với nghệ thuật điêu khắc”, anh kể.

Nhưng công việc làm phim cuốn họa sỹ theo… Đến năm 2005, Hội Mỹ thuật tổ chức một chuyến đi thực tế cho các nghệ sỹ là những cựu chiến binh từng chiến đấu ở liên khu V. Dù chưa bao giờ mặc áo lính song anh cũng được mời tham gia, thế chỗ họa sỹ Đoàn Văn Nguyên bất ngờ bị mệt. Đến Quảng Nam, đoàn được lãnh đạo tỉnh tiếp đón nhiệt tình, sau đó được Sở Văn hóa Quảng Nam cấp xe, cử người đưa đoàn đến thăm các huyện của Quảng Nam.

Người mắc nợ hồn Chăm ảnh 1 Họa sỹ Nguyễn Huy Hoàng

“Quảng Nam rất nhiều di tích của người Chăm. Chuyến đi khiến ấn tượng về văn hóa Chăm lại sống dậy trong tôi mãnh liệt. Sau đó, đoàn chúng tôi trở về Đà Nẵng, vào thăm bảo tàng Chăm. Sau chuyến đi tôi quyết định sẽ dành một khoảng thời gian dài để làm thấu đáo về dân tộc này”, Nguyễn Huy Hoàng nhớ lại.

Năm 2006, họa sỹ bắt đầu tái hiện đời sống và sinh hoạt tâm linh của người Chăm trong tranh. Anh chọn chất liệu sơn mài, một chất liệu đậm đà bản sắc Việt. Danh họa Tô Ngọc Vân từng giải thích: “Danh từ sơn mài (laquer) là một danh từ mới đặt sau này để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là Sơn Ta nhưng đã biến hóa hẳn do nghệ thuật mài sơn”.

Dùng sơn mài để khắc họa văn hóa Chăm, có thể nói không gì bằng, khiến mỗi tác phẩm đều mang hồn dân tộc. Nhưng Huy Hoàng không “tính toán” đến thế, anh kể: “Tôi thích sơn mài từ khi còn là sinh viên. Khi học trong trường sân khấu điện ảnh, tôi không được học sơn mài. Sơn dầu tôi cũng vẽ, bột màu cũng trải qua, lụa hay acrylic đều không xa lạ. Do không biết về sơn mài, nên sơn mài càng trở nên hấp dẫn với tôi”.

Huy Hoàng bước vào sơn mài từ năm 1995. Người thầy chỉ dạy anh kỹ thuật cơ bản chính là Nhà giáo ưu tú, Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên, con trai cố thi sĩ Đoàn Văn Cừ. Hơn mười ngày truyền thụ kỹ thuật, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên bảo trò: “Sơn mài chỉ có thế, về tự làm”. Nguyễn Huy Hoàng tự mày mò từ đó. Vừa làm phim, vừa làm sơn mài, thế mà vẫn gặt hái “quả ngọt”. Năm 1998, anh “ẵm” giải thưởng mỹ thuật ASEAN lần đầu. Năm 1999, lại “ẵm” giải ASEAN lần 2. Chính hai lần “ẵm” giải đã trở thành động lực kích thích Nguyễn Huy Hoàng nghỉ làm phim để toàn tâm toàn ý dành cho sơn mài và văn hóa Chăm.

Trong vòng 9 năm, từ năm 2006 đến 2015, Nguyễn Huy Hoàng hoàn thành bộ sưu tập “Thánh địa” gồm 11 bức sơn mài hoành tráng, lấy cảm hứng từ tâm linh và sinh hoạt của người Chăm. Triển lãm “Thánh địa” mở cửa năm 2015 thu hút sự quan tâm của những người làm nghề và khán giả yêu nghệ thuật. Anh đặt tên theo thứ tự từ Thánh địa 1… đến Thánh địa 11. Trong đó Thánh địa 1 là bức có kích thước lớn nhất 2,4 m x 6,4 m.

Bức sơn mài “Thánh địa 1” tích hợp từ hoạt động sản xuất đến tín ngưỡng tôn giáo thông qua nghi lễ tang ma, cưới hỏi của người Chăm. Gần 10 năm sống bằng tình yêu văn hóa Chăm, để ra đời một bộ sưu tập lớn, Nguyễn Huy Hoàng đã vắt kiệt sức mình: “Bức cuối cùng tôi có cảm giác không còn hứng thú nữa nhưng hóa ra lại là bức đẹp”. Cảm hứng về “Thánh địa” Chăm mạnh mẽ, chảy tràn suốt 9 năm cũng đến lúc cạn. Sau triển lãm, anh không có thêm bất cứ sáng tác nào về dân tộc Chăm nữa. 

Được Thạch Sanh, Thánh Gióng… “giải nguy”

Khi cảm hứng về Chăm cạn kiệt, Nguyễn Huy Hoàng lại tìm thấy niềm say mê trong truyện cổ tích. Anh chỉ lên bức sơn mài lớn đang hoàn thiện và hỏi tôi: “Có biết nhân vật nào đó không?”. Tôi đoán một nhân vật anh hùng trong thần thoại hoặc truyện cổ. Anh cười: “Thánh Gióng đấy”. Với Nguyễn Huy Hoàng, cổ tích không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn dành cho người lớn.

Anh kể: “Ở truyện cổ tích, người ta thấy khát vọng của một dân tộc, trong đó có khát vọng chế ngự thiên nhiên, khát vọng vượt lên số phận… Đấu tranh chống giặc ngoại xâm hiện lên đậm nét qua truyện cổ tích Việt Nam. Tôi  thấy truyện cổ tích chứa đựng bao điều lớn lao của một dân tộc, tại sao không khai thác?”. Nguyễn Huy Hoàng dự định hoàn thành bức “Thánh Gióng” vào khoảng tháng 4/2020. Ngoài “Thánh Gióng” đang làm, anh đã hoàn thành bộ “Thạch Sanh”.

Đã hơn 20 năm Nguyễn Huy Hoàng gắn bó với sơn mài. Gia tài tranh của anh hiện nay có khoảng 100 tác phẩm. Trong đó khoảng 40 bức có độ lớn 4m2 trở lên. Tôi hỏi anh: “Sao anh không làm những bức nhỏ hơn?”. Huy Hoàng đáp: “Làm nhỏ không thỏa chí”.

Lại nhớ câu nói của một danh họa: “Tranh lớn không phải là tranh nhỏ phòng lớn. Tranh càng lớn, muốn vẽ được thì nội lực càng phải lớn”. Khỏe khoắn, mạnh mẽ là ấn tượng khi ngắm tranh Nguyễn Huy Hoàng. Mỗi một tác phẩm, họa sỹ thường mất một năm để hoàn thành. Đến năm 2023, nếu sức khỏe tốt anh sẽ làm triển lãm “hoành” hơn “Thánh Địa”, đẩy lên tầm mới cả chất liệu, kích cỡ, tư duy, kỹ thuật.

Làm nghệ thuật, không làm cái treo tường

Nguyễn Huy Hoàng mẫn cán hơn một công chức. Anh làm việc kín tuần, không có ngày nghỉ. Buổi sáng họa sỹ đi từ nhà đến xưởng vẽ lúc 7 giờ sáng. Anh vẽ miệt mài đến chiều tối. Xưởng vẽ nằm trên gác hai một con phố cổ của Hà Nội, âm thanh của cuộc sống dội vào, từ tiếng rao hàng, tiếng còi xe máy, tiếng nhạc xập xình… song dường như họa sỹ không để tâm. Ngoài xưởng tranh ở phố cổ, ở nhà riêng, một ngôi biệt thự ở Hà Đông, họa sỹ dành hẳn một căn phòng rộng chỉ để xếp tranh.

Nhưng những bức tranh lớn này sẽ bán cho ai và giá cả thế nào? Họa sỹ hơi “giận” với câu hỏi này: “Cô cứ nghĩ tống tranh đi là được? Người ta trả bất cứ giá nào cũng bán? Làm một tác phẩm công phu, phải xứng đáng mới cho nó đi chứ. Không ít người hỏi mua, nếu tôi đồng ý giá họ đưa thì bán được ngay. Nhưng tôi không bán. Thà để chơi còn hơn”. Có thể tương lai anh sẽ làm bảo tàng tư nhân.

Nhưng tranh chỉ để chơi thì họa sỹ sống bằng gì? Một dạo, anh vẽ sơn dầu, lụa… để nuôi sơn mài nay “lương khô” vẫn còn, khi nào hết mới tính tiếp. Điều Nguyễn Huy Hoàng quan tâm lúc này là tranh thủ khi sức khỏe còn đảm bảo để thực hiện những tác phẩm đồ sộ. “Làm nghệ thuật chứ không làm cái treo trên tường”, đó là quan điểm của anh. 

Người mắc nợ hồn Chăm ảnh 2
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.