Dù đường tiêu hóa của anh Nguyễn Minh Chiến (43 tuổi, đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, Tp.HCM) không được tốt (hay bị đi ngoài) nhưng anh vẫn giữ thói quen ăn rau sống của mình. Bất kể khi ăn ở hàng quán hay ở nhà thì món rau sống luôn là món không thể thiếu đối với anh. Anh cho biết: “Trong bữa cơm, tôi có thể ăn ít thức ăn hoặc không cần canh, nhưng không có rau sống thì tôi thấy rất khó ăn”. Biết sở thích của chồng, ngày nào đi chợ vợ anh Chiến cũng không quên mua rau sống.
Nhưng thời gian gần đây anh Chiến không những hay bị đi ngoài nhiều hơn mà còn bị cả táo bón, người thường xuyên mệt mỏi, ăn không thấy ngon miệng, lại giảm cân nhanh chóng. Anh thường cảm thấy chướng bụng đầy hơi, đau bụng phần dưới gần hậu môn… Mặc dù uống nhiều loại thuốc nhưng kết quả không khả quan. Sau khi đến Bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM khám, và anh được các bác sỹ chuẩn đoán bị bệnh viêm đại tràng mãn tính.
Thủ phạm của bệnh địa tràng là “rau sống”
Theo bác sĩ Doãn Tường Vi (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198): Rau sống cung cấp một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng cho cơ thể. Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra, các loại rau thơm còn chứa một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể người ăn tăng sức đề kháng với bệnh tật.
Tuy nhiên, nếu rau sống không được rửa sạch và đảm bảo an toàn, chúng sẽ là vật trung chuyển ký sinh trùng làm người ăn dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hóa. Đối với những người có tiền sử đường tiêu hóa kém như anh Chiến thì rau sống không đảm bảo vệ sinh chính là một trong những nguyên nhân khiến họ bị viêm đại tràng mãn tính.
Cách điều trị bệnh đại tràng hợp lý
Bác sĩ Doãn Tường Vi cho biết, viêm đại tràng không phải là một bệnh, mà là một nhóm gồm nhiều bệnh khu trú tại vị trí đại tràng, thông qua các triệu chứng rõ rệt về tiêu hóa như:
Đau bụng âm ỉ ở phần dưới bụng hoặc dọc khu đại tràng, có khi đau khiến bệnh nhân phải thức dậy khi đang ngủ. Đau tăng khi bệnh nhân thấy căng thẳng hoặc mệt nhọc, giảm đau khi nghỉ ngơi. Đau bụng từng đoạn hoặc đau dọc theo khung đại tràng. Cảm giác nặng bụng, thậm chí có cảm giác có khối đá đè trong bụng.
Đau và khó chịu sẽ bớt khi đại tiện, trung tiện được và tăng lên khi bị táo bón. Rất hay chướng bụng. Lúc ngủ dậy thì không bị, nhưng sự khó chịu tăng dần trong ngày. Rối loạn đại tiện. Chủ yếu là đi ngoài nhiều lần một ngày, phân có nhầy, máu. Hoặc táo bón, sau bãi phân có nhầy, máu.
Viêm đại tràng thường khởi phát từ một đợt viêm đường tiêu hóa cấp tính do nhiễm khuẩn hay các ký sinh vật qua ăn uống, nếu không được điều trị triệt để sẽ dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc. Sau nhiều lần tái phát, bệnh chuyển sang viêm đại tràng mãn tính.
Việc điều trị bệnh viêm đại tràng phải do bác sĩ khám chuẩn đoán tìm ra nguyên nhân và có những biện pháp điều trị thích hợp. Hiện nay có hai hướng điều trị bệnh viêm đại tràng mãn tính, điều trị bằng thuốc Tây y kết hợp nhiều loại thuốc để điều trị cả nguyên nhân và triệu chứng bệnh. Hoặc sử dụng thuốc Đông y kết hợp điều trị triệu chứng lẫn nguyên nhân chỉ trong một loại thuốc.
Ngoài ra, để điều trị bệnh viêm đại tràng mạn tính có kết quả tốt, ngoài việc dùng thuốc, người bệnh phải chú ý không nên kiêng khem quá mức khiến cơ thể suy kiệt, cần duy trì một chế độ ăn uống hợp lý, đại tiện đúng giờ, nghỉ ngơi, không lo nghĩ nhiều vì đó chính là nguyên nhân khiến bệnh có nguy cơ nặng thêm.
Chế độ ăn hợp lýcho người bệnh đại tràng
Bác sĩ Tường Vi cho biết, người bị viêm đại tràng không nên ăn rau sống, các món sống- tái, hạn chế ăn đồ chiên xào, chỉ nên ăn các món hấp hoặc luộc. Ngoài ra, vì khả năng hấp thụ dưỡng chất của người viêm đại tràng kém nên việc xây dựng chế độ ăn đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho người bệnh là rất quan trọng.
Thực phẩm nên ăn: Gạo, khoai tây, thịt nạc, cá nạc, sữa đậu nành, sữa không lactose, các loại rau xanh nhiều lá như rau ngót, rau muống, rau cải đã được hấp hoặc luộc chín…
Thực phẩm không nên ăn: Rau sống, trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống, rượu, bia, cà phê, nước ngọt có ga vì các loại thực phẩm này gây đầy hơi, chướng bụng. Cũng không nên ăn các thực phẩm có nhiều lactose như sữa, nhiều đường như quả ngọt, mật ong, các loại nước uống dạng cồn hòa tan hay sủi bọt…