Người lưu giữ thanh âm xưa cũ

TP - Nói đến nhạc xưa mà quên không gõ cửa nhà sưu tập âm nhạc Phương Chánh Hùng là thiếu sót, thiệt thòi. Bởi ông sở hữu kho tàng đồ sộ gồm hàng trăm đầu băng cối và hàng ngàn cuốn băng lưu giữ âm nhạc của một thời. Những tác giả nhạc xưa tên tuổi, những giọng ca vang bóng một thời đã từng khám phá kho tàng này và họ lại tiếp tục làm phong phú thêm bộ sưu tập của Phương Chánh Hùng bởi những món quà độc nhất vô nhị, kèm cả thủ bút.

Vừa đi buôn vừa sưu tập

Cơ duyên đưa Phương Chánh Hùng đến với nhạc xưa rất đời thường: “Trước 75, gia đình tôi có một tiệm chè thuộc vào hàng lớn nhất, nhì Nha Trang. Tiệm chè ấy rất đông khách. Ngày xưa nam thanh nữ tú rủ nhau đi ăn chè chứ không phải rủ nhau đi nhậu như bây giờ. Một trong những “bí kíp” giữ chân khách hàng của tiệm chè nhà tôi chính là âm nhạc. Tất cả các quán giải khát thời ấy đều có dàn máy nghe nhạc nhưng tiệm chè nhà tôi lại sở hữu dàn máy xịn xò chỉ nhà giàu mới có. Tôi nghe nhạc từ hồi 6 tuổi, rốt cuộc nhập tâm luôn”.

Người lưu giữ thanh âm xưa cũ ảnh 1

Từ trái qua phải: Nhạc sĩ Thái Thịnh, tác giả "Duyên phận", ca khúc trăm triệu view do Như Quỳnh trình bày; Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng; Nhạc sĩ Ngọc Sơn, một trong những người thầy của danh ca Giao Linh, tác giả "Màu tím Pensée”; Nhạc sĩ Y Vũ, tác giả "Tôi đưa em sang sông"; Nhạc sĩ Mạnh Quỳnh, tác giả bài hát nổi tiếng "Gõ cửa"; Nhạc sĩ Hữu Thạnh, ông là con của tay trống lừng danh Đông Dương Huỳnh Hiếu

Yêu âm nhạc nhưng Phương Chánh Hùng lại không chọn đàn ca làm nghiệp: “Tôi là con trai út trong gia đình 9 anh chị em. Những người anh của tôi đều biết chơi guitar, tôi cũng chơi guitar từ khi 9 tuổi”, ông kể. Nhưng công cuộc mưu sinh xô đẩy, Phương Chánh Hùng theo nghề buôn bán đồ điện tử năm 14 tuổi. Những năm 88-89 ông đi buôn khắp nơi. Dải đất miền Trung từ Nam Trung bộ đến Bắc Trung bộ đều in dấu chân ông. Cũng từ ấy ông bỏ chơi guitar. Dù bỏ chơi nhạc cụ nhưng âm nhạc đã ngấm vào máu thì dễ gì dứt ra? Nhà sưu tập nhớ lại: “Cách đây 25 năm, khoảng năm 99, tôi bắt đầu công cuộc sưu tập. Vì khi ấy người ta bắt đầu vứt bỏ đầu băng cối, cả những cuộn băng cũng bị vứt bỏ luôn. Người ta vứt đi để bắt đầu thú chơi mới còn tôi lại luyến tiếc, vì nguồn âm nhạc ấy đã nuôi dưỡng tôi, là ký ức của tuổi thơ tôi. Thế là tôi vừa đi buôn, vừa đi sưu tập. Người ta bỏ chúng đi, vứt chúng ở trong hốc, trong xó, bụi bặm như đồ ve chai mà tôi mang về chất đầy nhà. Bà xã tôi hỏi: Ủa sao ông đi tha rác về vậy? Nhưng bà biết tôi đam mê nhạc xưa nên chỉ nói vậy thôi chứ không ngăn cản”.

Người lưu giữ thanh âm xưa cũ ảnh 2

Nhà sưu tập (trái) và nhạc sĩ Từ Công Phụng (phải)

Cuộc chơi của Phương Chánh Hùng thấm mồ hôi. Bạn bè của ông biết ông thích sưu tập đầu băng cối và băng nhạc xưa nên chăm chỉ hỏi giùm người quen, người thân xem có chỗ nào bán thì mách bảo Phương Chánh Hùng. Nhận được thông tin nhà sưu tập lập tức lên đường, bất kể nắng mưa. Trên hành trình miệt mài ấy ông gom được nhiều kỷ niệm: “Một hôm có một chị ve chai gặp tôi nói: Chú mày có mua đầu hát không? Tôi cho chị chút tiền nhờ chị dẫn tôi đi. Chị đưa tôi tới nhà một ông giáo già. Khi vô trong nhà, người con trai của ông giáo già bưng ra cái máy, tôi nhìn thấy mê luôn. Cái máy đó là niềm mơ ước của tôi, lại mới tinh, còn nguyên cả cái thùng xốp đựng máy. Tôi mua nó với giá khoảng 2 chỉ vàng. Tôi vẫn giữ cái máy này đến tận hôm nay”. Nhà sưu tập kể tiếp: “Sau khi tôi hoàn thành việc mua máy, liền hỏi ông giáo già: Chú có biết nơi nào còn bán máy hát không, giới thiệu cho con để con tới mua? Ông giáo già chỉ cho tôi một địa chỉ. Tôi đến nơi thì người này có một cái máy và mấy chục cuốn băng. Nhưng máy của ông ấy không còn hoạt động được vì bị đứt đầu từ. Tôi năn nỉ: Máy không còn hát được thì bán cho con đi. Ông ấy lại từ chối: Máy này là kỷ niệm, không bán được. Tôi đành đi về. Sau này, tôi mua được một cái đầu từ hiệu Sony liền mang đến tặng cho ông ấy. Ông cảm ơn tôi rối rít, rồi thay vô và nghe. Bẵng đi một thời gian, chừng mấy năm sau, ông bất ngờ gọi điện cho tôi, bảo: Chú tới nhà tôi, tôi bán cho chú cái máy. Tôi vội vã đến nơi để rước máy hát về. Ông ấy còn tặng tôi thêm mấy chục cuốn băng toàn những cuốn giá trị, băng gốc luôn, đến nay tôi vẫn giữ”.

Kể đến đây, Phương Chánh Hùng tổng kết: “Công cuộc sưu tập cần một chữ duyên và một chữ tình. Ngày đó nếu tôi bán cái đầu từ cho người ta thì cũng được một số tiền nhưng tôi không bán mà tặng. Vì thế sau này chủ của cái máy hát ấy mới nhớ đến tôi, bán lại máy hát cho tôi còn cho thêm quà”. Sự giàu có của bộ sưu tập đầu băng cối và băng nhạc xưa của Phương Chánh Hùng đã được nhiều ca, nhạc sĩ trong nước thừa nhận. Khi làm chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” (phát sóng trên VTV3) nhạc sĩ Nguyễn Quang đã gặp người được mệnh danh “Nhạn trắng Gò Công” để hỏi ý kiến. Danh ca Phương Dung chỉ đường: Muốn làm nhạc xưa, phải ra Nha Trang gặp Phương Chánh Hùng. Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Quang liền bay ra Nha Trang. Khi Phương Chánh Hùng vừa mở cửa phòng, cả Nguyễn Quang và bà xã đều bị bất ngờ. Họ không thể tưởng tượng “bảo tàng” của Phương Chánh Hùng đồ sộ thế: “Anh Quang liền bốc máy kêu 14 nhân viên mang theo 3 camera bay ra Nha Trang quay. Họ phải quay mấy ngày ở nhà tôi mới xong phần tư liệu”, nhà sưu tập hào hứng khoe.

Người lưu giữ thanh âm xưa cũ ảnh 3

“Nhạn trắng Gò Công”, danh ca Phương Dung bên những cuốn băng cũ ghi lại tiếng hát thời son trẻ của bà

Những cuộc gặp không quên

Tiếng lành đồn xa, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc xưa đã tới Nha Trang thăm Phương Chánh Hùng và chiêm ngưỡng bộ sưu tập của ông: “Nhạc sĩ An Thuyên từng vô đây chơi với tôi 3 lần. Hồi đó, ông được Đài truyền hình Khánh Hoà mời làm giám khảo một cuộc thi âm nhạc. Một buổi sáng, xe của Đài truyền hình chở nhạc sĩ An Thuyên tới nhà tôi. Hai anh em nói chuyện với nhau như đã quen thân lâu lắm rồi cùng đi ăn trưa. Vị nhạc sĩ đầu tiên ở Việt Nam được phong hàm cấp tướng, Thiếu tướng, lại rất bình dị. Tôi hỏi: Anh thích ăn món gì để em chở anh đi? Ông đáp: Tôi với chú mỗi người một đĩa cơm bình dân là được rồi, không cần cái gì sang trọng cả. Thế là tôi chở ông đi ăn cơm, uống cà phê, về nhà cả hai không ngủ mà lại ngồi nghe nhạc. Đến chiều An Thuyên mới trở lại khách sạn. Ông chuẩn bị một tiếng đồng hồ rồi ngồi ghế ban giám khảo. Những hôm sau, ông không ăn cơm khách mà lại đến nhà tôi nghe nhạc, nói chuyện, sau đó cùng nhau đi ăn cơm bình dân”.

Ngoài tác giả “Ca dao em và tôi”, Phương Chánh Hùng còn được đón vợ chồng nhạc sĩ Từ Công Phụng, tác giả của những bản tình ca đi cùng năm tháng: “Trên ngọn tình sầu”, “Mắt lệ cho người”, “Bây giờ tháng mấy”, “Mùa xuân trên đỉnh bình yên”… Nhà sưu tập nhớ lại: “Lúc ấy, nhạc sĩ Từ Công Phụng từ Mỹ về Sài Gòn làm đêm nhạc “50 năm tình ca Từ Công Phụng”. Trước đó chúng tôi thường hay trao đổi qua điện thoại. Khi ông về Việt Nam tôi vô Sài Gòn thăm hai vợ chồng ông trước, bởi ông lớn tuổi hơn tôi. Sau khi đêm nhạc kết thúc, vợ chồng ông bay ra Nha Trang chơi với tôi, hai ông bà ăn cơm, uống cà phê ở nhà tôi. Vợ Từ Công Phụng rất thương tôi, bà kể cho tôi cả chuyện đời riêng của tác giả “Trên ngọn tình sầu”. Sau khi về Mỹ, nhạc sĩ Từ Công Phụng gửi về cho tôi 4 tập nhạc ký tên đàng hoàng với lời đề tặng thân mật: Thân tặng em Hùng Nha Trang”.

Người lưu giữ thanh âm xưa cũ ảnh 4

Tác giả “Giọng ca dĩ vãng”, nhạc sĩ Bảo Thu (trái) và nhà sưu tập Phương Chánh Hùng

Phương Chánh Hùng còn may mắn được gặp tác giả “Về đây nghe em” vài lần và dư vị xót xa còn đọng mãi. Ông xúc động kể: “Anh Lộc không giao du nhiều. Hồi được mời tham gia chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” tôi vô Sài Gòn và gọi anh đến chơi. Sau đó, tôi, anh Lộc, cùng các nhạc sĩ Y Vũ, Nguyên Vũ, Đài Phương Trang, Mạnh Quỳnh và ca sĩ Phương Dung ngồi uống cà phê, trò chuyện với nhau. Tôi kết nối anh Trần Quang Lộc cho chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường”. Khi vừa gặp nhau anh Lộc đã ký tặng tôi 2 tập nhạc. Chừng mấy tháng sau tôi nghe tin anh Lộc bị ung thư giai đoạn cuối. Tôi gọi cho nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh để cùng đến thăm anh nhưng chúng tôi không thể đi được vì đó là thời kỳ dịch bệnh. Khi dịch bệnh có xu hướng giảm, tôi bay vô Sài Gòn rủ Minh đi thăm anh Lộc. Hai anh em bắt xe đi từ Sài Gòn tới Bà Rịa, nhờ một nhà văn quen với anh Lộc đưa tới nhà anh. Chị vợ anh Lộc cho biết, anh Lộc đã bị ung thư tấn công tới mắt, mù hết con mắt rồi. Tôi bước vô phòng thăm anh. Vợ anh gọi: Anh Lộc ơi, anh Hùng Nha Trang vô thăm anh này. Anh Lộc cảm động cố nhướn mắt lên và khóc. Tôi ôm anh động viên: Em vô thăm anh. Anh sẽ không sao đâu, cố gắng lên, còn mọi người ở đây mà. Trước đó, nhạc sĩ Nguyễn Quang đã đứng lên tổ chức đêm nhạc gây quỹ cho nhạc sĩ Trần Quang Lộc, tôi cũng được mời vô. Đáng tiếc số tiền chỉ kịp trao cho vợ anh Lộc mà không thể trao tận tay anh Lộc vì anh đã vô hồi sức cấp cứu. Khi trở về nhà linh tính mách bảo, tôi gọi điện cho con trai anh Lộc. Cháu khóc thông báo, ba đi rồi. Tôi nhớ thời khắc đau buồn ấy, chừng 5 giờ 40 phút chiều mồng 7/6/2020, người nhạc sĩ tài hoa, khiêm tốn, nói năng nhẹ nhàng đã vĩnh biệt nhân thế”.

Người lưu giữ thanh âm xưa cũ ảnh 5
Một góc bộ sưu tập của Phương Chánh Hùng

Sau 25 năm, Phương Chánh Hùng đã sưu tập được khoảng 6.000 cuốn băng: “Tôi có cơ duyên sưu tập được cả những cuốn băng từ trong các hãng đĩa của Sài Gòn xưa, có những cuốn đã hoàn thành nhưng chưa kịp in ra và phát hành, mà tôi toàn được cho chứ không phải mua. Có một số người yêu quý băng bảo quản nó trong tủ thì băng tốt, không hư, một số người coi như rác quăng tùm lum thì băng bị hư. Năm 2000 tôi đã có cả trăm đầu máy băng cối, có cái còn hát được, có cái bị hư mà chưa có linh kiện thay”.