Người lớn bất cẩn, trẻ gặp nạn

Trẻ uống nhầm axit trong chai nước ngọt đang được chăm sóc tại bệnh viện
Trẻ uống nhầm axit trong chai nước ngọt đang được chăm sóc tại bệnh viện
TP - Gần đây, các bệnh viện nhi đồng tại TPHCM liên tục tiếp nhận nhiều trẻ gặp tai nạn thương tích ngay trong nhà.

Ngày 29/6, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TPHCM cho biết, BV vừa tiếp nhận một bệnh nhi tên N.T.P (2,5 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) uống nhầm axit sunfuric do người nhà chứa trong chai trà xanh, bị bỏng chít hẹp thực quản, đối diện nguy cơ phải cắt bỏ môn vị.

Theo người nhà bệnh nhi, khi đang chơi trong sân vườn, khát nước, P chạy vào nhà lấy chai trà xanh không độ chứa axit sunfuric loãng để trên bàn uống vì tưởng là nước trà xanh. Người nhà phát hiện, cho trẻ súc miệng và uống nước. Sau đó, P tiếp tục chơi đùa. Hai ngày sau, trẻ mới được đưa vào BV Nhi đồng. Tại đây, các bác sĩ phát hiện vùng môn vị sưng đỏ, chít hẹp, khó đặt ống thông. Bệnh nhi phải đặt ống thông qua da vào dạ dày, luồn qua chỗ hẹp giúp bảo tồn môn vị vì nếu cắt bỏ sẽ gây khó khăn tiêu hóa, hấp thu thức ăn cho trẻ về sau.

Trước đó, BV Nhi đồng cũng cấp cứu kịp thời bệnh nhi 2 tuổi (quê Long An) bị bỏng nước sôi. Bệnh nhi được chẩn đoán bỏng độ 2-3.

Sau thời gian theo dõi điều trị, bệnh nhi được tháo băng để vết thương mau lành, tập vật lý trị liệu những khớp ngón tay, khuỷu tay, nách đang có dấu hiệu co rút gân và nguy cơ yếu liệt.

ThS.BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, cho hay, BV vừa tiếp nhận mổ cấp cứu bệnh nhi L.Q.T.T (3 tuổi, ngụ TPHCM) bị que sắt găm vào đầu. Bé T đang chơi thì ngã vào xe hơi đồ chơi và bị que sắt của trục bánh xe cắm vào vùng thái dương. Kết quả chụp CT cho thấy, que sắt cắm xuyên qua xương sọ, rất may không làm tổn thương não. Bé được mổ cấp cứu, hiện sức khỏe đã ổn định.

BV Nhi đồng 2 cũng vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 6 tuổi (ngụ Lâm Đồng) nhập viện với tình trạng liệt 2 chi dưới và có vết thương do đạn bắn ở vùng lưng. Trước đó, bé đang chơi với anh trai, bị anh bắn súng hơi có đầu đạn chì vào lưng. Chụp CT, bác sĩ phát hiện viên đạn chì xuyên vào tủy sống. Bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh quyết định mổ khẩn cấp. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, viên đạn được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi. Tuy nhiên, viên đạn xuyên ngang và làm tổn thương tủy sống nên khả năng di chứng rất cao.

Theo các BV nhi đồng, mỗi năm các bác sĩ tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn ở trẻ nhỏ với các mức độ tổn thương khác nhau. Các chuyên gia y tế nhìn nhận, tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường xảy đến bất ngờ, khó lường, gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể các em.

Ở lứa tuổi này, các em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Mặc dù nhiều biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng tình hình trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích vẫn chưa giảm. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm, chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy, chăm sóc trẻ.

MỚI - NÓNG