> Clip đáng suy ngẫm về bệnh vô cảm trên đường
Trên đường đi công việc gia đình lúc 16h30 ngày 13/10, gần khu vực bến xe Mỹ Đình, Long nghe thấy tiếng hô “Cướp! Cướp” của một cô gái tại trạm xe buýt gần cổng làng Đình Thôn (Từ Liêm, Hà Nội). Cùng lúc đó, Long phát hiện một thanh niên có biểu hiện khả nghi lao rất nhanh đến một chiếc xe máy đợi sẵn, rồ ga bỏ chạy.
Ngay lập tức, Long điều khiển xe máy đuổi theo và tri hô bắt cướp. Hai đối tượng lạng lách, đánh võng hòng thoát thân. Đến ngã tư Trần Duy Hưng- Phạm Hùng, đối tượng ngồi sau xe nhảy xuống, chạy bộ theo hướng Phạm Hùng- Khuất Duy Tiến.
Long bỏ xe máy lại, đuổi theo áp sát và bằng biện pháp nghiệp vụ, quật ngã đối tượng. Suốt quãng đường tri hô bắt cướp, Long hoàn toàn đơn độc, chỉ đến ngã tư Trần Duy Hưng- Khuất Duy Tiến, Long nhận được sự giúp đỡ của 3 đồng chí cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.
Hỏi vì sao lại hành động nhanh như vậy, Long nói: “Mình là người lính. Người lính càng không được vô cảm trước khó khăn của người khác”.
Nghe tin con trai bắt được cướp, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, mẹ Long từ nhà vội đến ngay hiện trường vừa lo lắng hỏi han con vừa cảm thấy tự hào về việc làm của con. Long là con trai duy nhất trong gia đình.
Trở thành lính biên phòng là giấc mơ từ thời học sinh của Long. Long có người anh họ là lính biên phòng ở Điện Biên và thầm ngưỡng mộ anh với sự hy sinh thầm lặng nơi biên giới. Mẹ Long là Hiệu phó trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội).
Năm lớp 12, bạn bè đổ xô chọn thi những ngành thời thượng như tài chính- ngân hàng, công nghệ thông tin... thì Long vẫn kiên quyết theo đuổi ước mơ trở thành lính biên phòng. Tôn trọng ước mơ của con nhưng nghĩ con mình còn trẻ, chưa định hình rõ ước mơ, cô Nguyệt phân tích cho con hiểu những khó khăn của cuộc đời người lính nhưng cô bất ngờ khi con lựa chọn khó khăn. Long nói: “ Mình chọn phần gian khổ để được trưởng thành”.