Người lính cứu hỏa và những lần chạm mặt 'tử thần'

0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tá Thành trong lần xuống hang sâu ở Hà Giang cứu thi thể
Thiếu tá Thành trong lần xuống hang sâu ở Hà Giang cứu thi thể
TP - Hơn 20 năm khoác trên mình màu áo của lính cứu hỏa, từng một mình đu dây vào hang sâu bằng tòa nhà 90 tầng, lặn trong dòng nước xoáy hay xông pha vào biển lửa, thiếu tá Nguyễn Chí Thành đã lập hàng trăm chiến công, cứu hàng trăm người khỏi lưỡi hái "tử thần", đưa những người xấu số về với gia đình.

Một mình tác chiến nơi hang sâu

Sinh năm 1981, quê hương "đất thép thành đồng" - huyện Củ Chi, TPHCM, và từng chứng kiến hai thành viên trong gia đình bị đuối nước, thiếu tá Nguyễn Chí Thành (hiện là Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM) quyết tâm sẽ trở thành một người lính phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) để giành lại sự sống cho người gặp nạn hoặc ít nhất cũng đem họ về với gia đình.

Để thực hiện quyết tâm của mình, từ nhỏ anh đã tự mình rèn luyện kỹ năng bơi lội, leo trèo một cách thuần thục và điêu luyện. Năm 21 tuổi, anh chính thức gia nhập lực lượng PCCC&CNCH TPHCM. Từ đó đến nay, anh đã tham gia hàng trăm vụ cứu nạn và nhiều lần đánh cược mạng sống của mình để cứu người, tìm kiếm thi thể. Kéo áo lên để lộ ra những vết sẹo do đá cứa, bỏng lửa sau những lần chạm mặt “tử thần” khi làm nhiệm vụ, thiếu tá Thành nói: Đó là những dấu tích, những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được trong suốt cuộc đời.

Người lính cứu hỏa và những lần chạm mặt 'tử thần' ảnh 1

Thiếu tá Nguyễn Chí Thành

Nhắc lại những lần cứu nạn của mình, thiếu tá Thành kể, cuối tháng 2/2020, anh đang làm nhiệm vụ ở TPHCM thì nhận được lệnh đi giải cứu nạn nhân bị rơi xuống hang đá tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nạn nhân bị rơi xuống hang đã 10 ngày nhưng chưa tìm được thi thể vì đây là một hang nguyên thuỷ, chưa từng có ai đặt chân xuống đáy hang. Sau một hồi đi xung quanh để quan sát, đánh giá đây là hang sâu và địa hình phức tạp, kèm theo mưa lớn, đất đá từ trên miệng hang bị nước cuốn rơi xuống có thể uy hiếp tính mạng của mình và các đồng đội.

Từ năm 2019 đến nay, thiếu tá Thành đã tham gia CNCH hơn 300 vụ tai nạn, sự cố; cứu được 119 người, tìm thấy 42 thi thể trao trả cho gia đình. Tháng 3/2021, anh được vinh danh là một trong “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM - lần 4. Anh cũng được Bộ trưởng Công an tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong những lần cứu nạn dưới hang sâu. Trước đó, anh được tuyên dương là tấm gương điển hình của ngành Công an TPHCM giai đoạn 2015-2020.

Bằng những kinh nghiệm thực tế tích lũy gần 20 năm, anh Thành xung phong để vào hang tìm nạn nhân. Dưới cái lạnh cắt da cắt thịt của vùng núi Đông Bắc bộ, đeo một bộ điều khiển ròng rọc điện móc vào dây cáp trước ngực, sau lưng là dây cứu hộ, trên vai là bộ đàm để liên lạc với đồng đội phía trên, thiếu tá Thành bắt đầu đu mình vào hang sâu.

Vừa tuột dây vào hang được chừng 5m, anh bắt đầu run khi lòng hang tối đen như mực, xung quanh là những nhũ đá sắc nhọn lỉa chỉa chực chờ cắt da thịt anh. Sau gần hai tiếng đồng hồ, cuối cùng anh cũng xuống được đáy hang sâu bằng chiều cao của tòa nhà 90 tầng (khoảng 280m). Trước mắt anh là thi thể nạn nhân đã trương phình, nằm trên một triền dốc, đang trong quá trình phân hủy. “Tôi đã xác định là sẽ rất khó khăn nhưng không ngờ nó lại nguy hiểm đến vậy. Lòng hang chỉ vừa một người lách qua nên nếu mắc kẹt, tôi không biết mình sẽ trở lên bằng cách nào”, thiếu tá Thành nói.

Khi đã thám hiểm được hang sâu anh Thành trở lên miệng hang, chuẩn bị 5 lít rượu, 5 lít cồn và dụng cụ để trở lại đưa thi thể nạn nhân lên. Tưởng chừng lần thứ hai trở lại hang sẽ thuận lợi hơn nhưng không ngờ khi còn cách đáy hang vài chục mét, trời mưa lớn khiến đất đá từ trên bị nước cuốn rơi xuống ầm ầm. Nước mưa khiến bộ đàm, phương tiện liên lạc duy nhất của anh với đồng đội phía trên mất sóng. “Bị treo lơ lửng trong hang tôi đã nghĩ liệu mình có phải ở lại cùng nạn nhân dưới đáy hang lạnh lẽo này? Rồi hai đứa con đang đợi tôi trở về ở nhà sẽ phải sống ra sao?...”, những suy nghĩ tiêu cực hiện lên trong đầu anh.

May mắn, gần một tiếng sau mưa cũng tạnh, bộ đàm kết nối lại được và anh Thành đưa thi thể lên trước sự mừng rỡ của các đồng đội, những cái chắp tay vái lạy cảm ơn của gia đình nạn nhân. “Đó là cuộc giải cứu thi thể mà tôi không thể quên. Có lúc tôi định bỏ cuộc nhưng nghĩ đến nạn nhân còn nằm phía dưới, nỗi đau của người thân họ, tôi không cho phép mình dừng lại”, thiếu tá Thành chia sẻ.

Trước đó 4 tháng (tháng 11/2019), anh Thành cũng là người xuống hang sâu 220m ở tỉnh Cao Bằng để nhặt từng mảnh xương của người đàn ông dân tộc Mông. Thi thể nạn nhân được một đoàn thám hiểm hang động của Bỉ phát hiện từ năm 2016 nhưng không thể đem lên do không đủ phương tiện. Sau gần hai giờ luồn lách qua những thạch nhũ nhọn hoắt, anh mới tiếp cận được bộ xương. Dùng tay bới từng lớp đất đá đè lên bộ xương đã nằm trong hang 3 năm để cho vào túi ni lông. Sau gần nửa ngày mò mẫm trong hang sâu, anh đưa được bộ xương của người xấu số lên miệng hang để bàn giao cho gia đình nạn nhân.

Hạnh phúc vì được gia đình ủng hộ

Sau 20 năm khoác trên mình màu áo của người lính cứu hỏa, từng đối mặt với không ít hiểm nguy, sự lo lắng, khuyên thôi của gia đình nhưng anh Thành vẫn quyết tâm theo đuổi nghiệp cứu nạn vì “nó đã ăn vào máu mình rồi”.

Thiếu tá Thành kể, khi mới tham gia lực lượng CNCH, trực tiếp tham gia những nhiệm vụ nguy hiểm, anh không dám kể với gia đình. Tuy nhiên, một thời gian sau mẹ anh biết và nhiều lần khuyên anh chuyển nghề vì quá nguy hiểm và độc hại. “Mẹ tôi đã khóc rất nhiều khi biết tôi tham gia những nhiệm vụ nguy hiểm. Những lúc như thế, tôi lại dành thời gian để giải thích cho mẹ hiểu về công việc của mình đầy ý nghĩa nên dần dần bà cũng hiểu và ủng hộ lựa chọn của tôi”, thiếu tá Thành nói.

Một điều may mắn nữa cho anh Thành là người vợ anh cũng hiểu và cổ vũ anh rất nhiều trong công việc. Những lúc anh phải đi công tác xa, vợ anh một mình cáng đáng gia đình, chăm lo cho hai con gái 9 tuổi và 10 tuổi ăn học. Hai con gái của anh cũng không làm anh thất vọng khi liên tục đạt được nhiều thành tích trong các môn thể thao. “Sau mỗi lần làm nhiệm vụ, điều hạnh phúc nhất của tôi là sự động viên của gia đình, chứng kiến con mình khôn lớn mỗi ngày”.

Nói về những đóng góp của cấp dưới, đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng cảnh sát PCCC &CNCH Công an TPHCM cho biết, thiếu tá Nguyễn Chí Thành là một tấm gương điển hình của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Thiếu tá Thành là người rất gần gũi, mộc mạc, hoà đồng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, truyền lửa nghề đến thế hệ sau, tạo động lực cho nhiều cán bộ chiến sĩ học tập theo để tham gia cứu người. Trong thời gian công tác, anh Thành đã lập nhiều chiến công, cứu được nhiều người, bảo vệ nhiều tài sản của nhân dân.

Thiếu tá Nguyễn Chí Thành đã tham gia CNCH trong những vụ việc gây rúng động như vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) ngày 29/10/2002; vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn khiến 16 người chết vào năm 2011; hai vụ tìm nạn nhân rớt xuống hang sâu tại Cao Bằng vào tháng 11/2019 và Hà Giang tháng 3/2020 …

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.