Người lính bộ binh chinh phục bầu trời

“Tôi đã may mắn khi được chiến đấu trong cả hai quân chủng là lục quân và không quân”, cựu Đại tá Nguyễn Văn Hợi, nguyên Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn Không quân vận tải 919 (nay là Đoàn bay 919 trực thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Arlines), tự hào kể lại.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Đoàn bay 919 (1/5/1959 - 1/5/2019), ông đã chia sẻ về hành trình chinh phục bầu trời đặc biệt của mình với xuất phát điểm là người lính bộ binh…

Người lính bộ binh chinh phục bầu trời ảnh 1 Cựu Đại tá Nguyễn Văn Hợi, nguyên Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn Không quân vận tải 919 (nay là Đoàn bay 919) chia sẻ về hành trình chinh phục bầu trời của mình

Từ người lính Đại đoàn Đồng Bằng đến lính bay

Năm 1953, chàng thanh niên 17 tuổi quê ở Đô Lương, Nghệ An nhập ngũ và được biên chế về Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 52, Đại đoàn 320 (Sư đoàn Đồng Bằng), được tham gia chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, chiến đấu trong lòng địch vùng Hà - Nam - Ninh, chia lửa cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng Điện Biên, Sư đoàn thừa thắng xông lên giải phóng hoàn toàn Đồng bằng Bắc Bộ. Dấu ấn trong chiến dịch này là trận chiến đấu giải phóng thị trấn Đông Biên vô cùng ác liệt mà ông được tham gia.

Năm 1954, hòa bình lập lại, đất nước tạm thời chia cắt hai miền, quân đội được xây dựng tiến lên chính quy và hiện đại để đáp ứng nhiệm vụ giải phóng miền Nam. “Trường Văn hóa quân đội được mở, tôi vinh dự được về học nhờ có trình độ cấp 2 trước khi đi bộ đội. Cả Sư đoàn lúc ấy chỉ chọn được một đại đội thôi”, ông Hợi kể lại kỳ tuyển chọn khắt khe năm ấy.

Học bổ túc văn hóa hết cấp 3, nhờ có sức khỏe tốt, ông Hợi được chọn vào đoàn đi học không quân vận tải tại Liên Xô vào tháng 1/1956. Cùng thời điểm này cũng có đoàn đi học không quân ở Trung Quốc. Năm 1959, cả hai đoàn về nước và ngày 1/5/1959, Trung đoàn Không quân vận tải 919 được thành lập, gồm 1 đại đội bay cùng với các bộ phận như chỉ huy bay, sân đường, vận chuyển và kỹ thuật.

Sau khi ra đời, Trung đoàn 919 đảm nhận tất cả nhiệm vụ bay phục vụ quân sự, kinh tế và bay chuyên cơ trong nước và ngoài nước, thậm chí có nhiệm vụ khó khăn chưa từng được huấn luyện như bay thả hàng tiếp tế cho bộ đội, đồng bào bị lũ lụt mắc kẹt ở Quảng Bình.

“Lúc đó, ta chỉ có 3 loại máy bay IL-14, AN-2 và Li-2. Ta đem cả 3 loại vào Quảng Bình, lần lượt cho từng loại đi thả thử, cuối cùng chọn ra được loại có tốc độ nhỏ, đạt hiệu quả nhất là AN-2. Đúng là vừa làm vừa học, vì việc này làm gì đã được học! Đúng là bản chất của bộ đội cụ Hồ!”, ông Hợi cười kể lại.

Bên cạnh nhiệm vụ bay phục vụ kinh tế, quốc phòng, Trung đoàn Không quân vận tải 919 cũng đảm nhiệm việc bay chuyên cơ chở các lãnh đạo nhà nước đi công tác với loại máy bay buồng hở như IL-14 và đã vươn tới Bắc Kinh, Triều Tiên…

Để phát triển lực lượng, Trung đoàn đẩy mạnh chú trọng công tác huấn luyện, đào tạo phi công. Nhớ lại những gian nan trong giai đoạn sơ khởi, ông Hợi cho biết: “Khó khăn lúc này là chương trình và giáo án không có, chúng tôi phải mày mò soạn giáo án, biên soạn tài liệu trên cơ sở tài liệu tiếng Nga mà mình đã học.”

Một khóa, hai khóa, rồi ba khóa, từ những anh lính bộ binh, nhiều người đã trở thành những phi công. Trung đoàn cứ thế trưởng thành, từ vận tải hàng không, đến thả dù tiếp tế, rồi ném bom…

Trên chặng đường lịch sử vẻ vang ấy, dấu ấn mà ông Hợi nhớ nhất là lần tham gia chiến dịch tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa xuân năm 1975. Ông Hợi kể, bộ đội tiến đến đâu, sân bay nào được giải phóng là Trung đoàn Không quân vận tải 919 có mặt ở đó, thực hiện nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, đạn dược, vận chuyển thương binh, sở chỉ huy, thậm chí đưa cả những tù binh về Hà Nội để khai thác phục vụ chiến dịch.

“Kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất, hòa bình được lập, mình còn được sống trong khi bao đồng đội đã hy sinh, thậm chí trong một đêm có đến mấy chục đồng đội đã nằm lại ở chiến trường như trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Nghĩ lại, tôi vẫn không cầm được nước mắt… Nhưng hơn cả, tôi thấy tự hào với truyền thống của Trung đoàn”, ông Hợi xúc động khi nhớ về quá khứ anh hùng của Trung đoàn 919.

Người lính bộ binh chinh phục bầu trời ảnh 2 Đến hôm nay, ông Hợi vẫn nhớ như in những ký ức về một thời máu lửa cùng đồng đội trên những chiến tuyến cam go, ác liệt để làm nên lịch sử vẻ vang của Đoàn bay 919

Mãi mãi tự hào truyền thống Đoàn bay

Cuối những năm 1980, Nhà nước có chủ trương tách ngành hàng không ra khỏi quân đội. Lựa chọn khó khăn lúc bấy giờ của người quân nhân mang quân hàm Đại tá là quyết định chuyển ngành, dù mức lương thấp hơn, để tiếp tục gắn bó với Đoàn bay 919. “Đại đa số anh em đều cùng cởi áo lính để tiếp tục tham gia mặt trận kinh tế, xây dựng đất nước trong thời bình. Tất cả đều hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và phát triển của Đoàn bay”, ông nói.

Người lính bộ binh chinh phục bầu trời ảnh 3 Ông Nguyễn Văn Hợi (ngoài cùng bên phải) trở về thăm đơn vị cùng đồng nghiệp xưa là nguyên Đoàn phó Đoàn bay 919 Phạm Huy Vận (ngoài cùng bên trái) và nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Lê Đức Tứ (giữa).

Theo ông Hợi, những nét văn hóa chính ở Đoàn bay 919 là sự đoàn kết, kỷ luật và tinh thần luôn nỗ lực vượt qua khó khăn.

Ông dẫn chứng, sau khóa các ông được học tập tại Liên Xô, các khóa đào tạo học viên phi công và thợ kỹ thuật của Đoàn bay đều được Đoàn trực tiếp triển khai, và nhờ những đức tính nêu trên, Đoàn bay đã tự đào tạo từ lý thuyết đến thực hành. “Hồi đó làm gì có thiết bị bay giả định (SIM) như bây giờ. Lý thuyết thì học chay, còn thực hành thì học trực tiếp trên máy bay, như học lái ô tô vậy. Do đó tỷ lệ học viên bị loại khá cao, vì đến lúc cho bay thử mới biết ai bay được, ai không. Tuy nhiên khi đã tốt nghiệp, tất cả đều đảm bảo chất lượng.”

“Thế hệ chúng tôi, hầu như không ai hình dung đến việc lái máy bay cả, nên lúc được chọn đi học về máy bay là sung sướng lắm”, ông nhắc lại thời điểm quyết định của cuộc đời 64 năm về trước.

Người lính bộ binh chinh phục bầu trời ảnh 4 Ông Hợi cùng các đồng nghiệp “ôn lại” quá trình xây dựng và phát triển của Đoàn bay 919 trong 60 năm qua.

Người cán bộ kỹ thuật kỳ cựu nay đã bước sang tuổi 85 nhưng vẫn khỏe mạnh và nhớ như in những sự kiện xảy ra từ hơn 60 năm trước. Ông vui vẻ cho biết cả hai người con của mình đều nối tiếp truyền thống của cha là công tác trong ngành hàng không, và cả một người cháu rể cũng đang là phi công đang lái máy bay hiện đại Boeing 787.

Nói về nghề phi công hiện nay, ông Hợi lạc quan chia sẻ: “Phi công bây giờ có đầy đủ điều kiện hơn hẳn thế hệ chúng tôi ngày trước. Thời chúng tôi, máy bay không có từ radar, thiết bị tăng áp, đến điều hòa. Bây giờ, tự động hóa, tin học hóa đã được ứng dụng sâu rộng trong ngành hàng không, nhưng bên cạnh đó, trình độ phi công của chúng ta cũng đã được nâng lên rất cao, sánh ngang cùng lực lượng của các hãng hàng không nổi tiếng trên thế giới.”
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.