Sáng 24/7, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Công đoàn Việt Nam – 90 năm xây dựng và phát triển”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU)… sẽ có tác động trực tiếp đến tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Trước những biến đổi sâu sắc, nhanh chóng của bối cảnh quốc tế và đất nước, nhất là trước tác động của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tổ chức công đoàn cùng với giai cấp công nhân và người lao động nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất mới.
“Bối cảnh đó cũng đang đặt ra những yêu cầu mới cho sứ mệnh và vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, giữ vững vai trò hạt nhân trong việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân và những người lao động”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Trần Quang Huy, Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam, sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, người lao động làm việc trong doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Theo lộ trình, các tổ chức này có thể liên kết cùng nhau để thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn. Đây chính là khởi nguồn của sự liên kết các tổ chức có cùng ngành nghề và đó chính là cơ hội cho tổ chức Công đoàn phát triển.
Song, theo ông Huy, bên cạnh những thuận lợi thì cũng tạo ra nhiều thách thức. Vì vậy, nếu công đoàn ngành không thay đổi nội dung và phương thức hoạt động để người lao động thấy thật sự mang lại quyền lợi, thật sự cần thiết thì bản thân người lao động sẽ rời xa tổ chức và đến với tổ chức đại diện thực sự cho họ.