Người làm đàn ghi ta thủ công cuối cùng ở Nha Trang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nói đến nghệ nhân Lưu Hoàng Quý, giới văn nghệ sĩ Khánh Hoà thường gọi ông với cái tên thân thương “Quý đàn”. Ông là nghệ nhân có thâm niên hơn 40 năm chuyên làm đàn ghi ta theo lối thủ công truyền thống và được xem là người cuối cùng ở phố biển Nha Trang còn làm đàn ghi ta theo cách này.

Từ thợ mộc đến “thợ đàn”

Khi đến tham quan làng nghề Trường Sơn (đường Trường Sơn, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), du khách có cơ hội tận mắt nhìn thấy cây đàn ghi ta được làm theo cách thủ công truyền thống của nghệ nhân Lưu Hoàng Quý. Nghệ nhân Lưu Hoàng Quý (71 tuổi) sinh ra ở Hải Phòng, theo cha mẹ cùng hai em trai vào phố biển Nha Trang sinh sống và lập nghiệp từ năm 1954.

Người làm đàn ghi ta thủ công cuối cùng ở Nha Trang ảnh 1

Nghệ nhân Lưu Hoàng Quý vẫn đang mong mỏi có người nối nghiệp mình

Ảnh: CÔNG HOAN

Từ một thợ mộc lành nghề, ông Quý bén duyên làm “thợ đàn” một cách bất ngờ vào lúc 28 tuổi. Năm 1980, khi nghe nói ở xưởng gỗ xuất khẩu Điện Biên có tuyển thợ mộc, ba anh em ông Quý đến xin làm công nhân mộc, nhưng rồi thấy không hợp nên bỏ về. Khi về nhà, chợt thấy cây đàn ghi ta thùng bị đứt dây nên họ liền nảy ra ý định gỡ cây đàn thành từng mảnh chi tiết để xem làm đàn có khó không.

Thấy không khó, cả 3 anh em ông Quý hì hục cùng nhau nghiên cứu chế ra cây đàn theo mẫu. Dù cây đàn thô sơ đó có âm thanh và hình dáng mỹ thuật không ổn lắm, nhưng họ khẳng định có thể làm được nếu có dụng cụ chế tác và kỹ năng chuyên môn.

Vì thế, ông Quý cùng hai em trai quyết định vào Sài Gòn xin làm thêm một thời gian ở một xưởng mộc làm đàn nổi tiếng để học bí quyết chế tác đàn ghi ta. Sau hơn 6 tháng “dùi mài” nghề nghiệp, cả 3 anh em trở lại phố biển Nha Trang cùng mở tổ hợp làm đàn ở số 23 Lê Thánh Tôn, TP Nha Trang. Qua hàng chục ngày đẽo gọt và chế tác, cây đàn ghi ta hoàn chỉnh đầu tiên của 3 anh em cũng ra đời trong niềm ao ước, chờ đợi bao lâu nay của họ.

“Khi gắn bộ dây cân chỉnh và mọi người nín thở nghe tôi đánh nốt nhạc đầu tiên của bài “Nha Trang ngày về”. Thế rồi cả 3 anh em chúng tôi reo lên sung sướng vì âm thanh rất chuẩn, nốt nào đúng nốt đó”, ông Quý xúc động kể lại.

Từ đó, xưởng đàn của 3 anh em ông Quý bắt đầu nổi tiếng ở phố biển Nha Trang. Ngoài chế tác đàn để bán, tại xưởng của họ còn sửa đàn cùng các nhạc cụ. Sau này, hai người em của ông Quý sang định cư ở Mỹ cũng đem theo nghề làm đàn và có thể kiếm sống ở xứ người. Riêng ông Quý ở lại phố biển Nha Trang và tiếp tục theo đuổi đam mê làm đàn ghi ta theo cách truyền thống của mình.

Theo ông Quý, thời gian để làm một cây đàn ghi ta mất tới hơn một tuần và đàn có thể làm từ các loại gỗ phổ biến như: thông, tếch, hồng đào...

“Khi làm đàn ghi ta cần phải khắt khe ngay từ khâu chọn gõ, gỗ phải khô và độ co giãn không đáng kể thì âm thanh mới tốt. Từng công đoạn chế tác đàn từ làm thùng đàn, vỏ mặt, lưng đàn, cần đàn cho đến lắp phím, lên dây… đều đòi hỏi đôi tay khéo léo, đôi mắt tinh tế, đôi tai thẩm âm tốt”. Nghệ nhân Lưu Hoàng Quý

Mong mỏi truyền nghề

Rồi thời hoàng kim của cây đàn ghi ta cũng qua mau khi có nhiều nhạc cụ mới xuất hiện, nhất là nhạc cụ điện tử. Nghề chế tác ghi ta từ đó dần mai một và tiệm đàn của ông Quý thưa vắng khách. Ông Quý lặng lẽ rời trung tâm phố biển Nha Trang ra vùng ngoại ô sinh sống, nhưng nhiều người vẫn tìm đến ông để đặt làm một cây đàn ghi ta theo lối thủ công.

Có nhiều người trước khi xa thành phố biển Nha Trang hay định cư ở nước ngoài vẫn muốn có trong hành trang của mình một cây ghi ta do ông chế tác, coi đó như món quà của quê hương.

Đưa ông Quý đến với nghề có lẽ bởi cái duyên, nhưng để giữ chân ông ở lại tận ngày hôm nay chắc chắn là vì đam mê và tình yêu với cây đàn. “Để làm được công việc này phải có sự sáng tạo, tìm tòi và niềm say mê, nếu chỉ làm vì kinh tế khó gắn bó. Nghề chế tác đàn chỉ có mức thu nhập đủ sống, không ổn định. Vì thế, người theo tôi học nghề khá nhiều nhưng để sống với nghề thì có rất ít”, ông Quý chia sẻ.

Trải qua hơn 40 năm làm nghề, ông Quý đã chỉ giáo cho khoảng 20 người cách chế tác đàn ghi ta theo lối truyền thống. Nhưng vì nghề này không nuôi sống nổi gia đình họ, nên nhiều người đành phải rời xa nghề sau vài năm đeo đuổi.

Nghệ nhân Lưu Hoàng Quý từng có nhiều cơ hội rẽ sang ngành khác với mức thu nhập tốt hơn, nhưng ông vẫn chọn ở lại với nghề để sống trọn với đam mê cả cuộc đời mình. Việc ông đồng ý đến Làng nghề Trường Sơn mở xưởng chế tác là để lan tỏa cảm hứng sáng tạo với cây đàn ghi ta, thắp lên niềm hy vọng có người nối gót ông duy trì công việc thú vị này.

Ông Lê Văn Luật - chủ Làng nghề Trường Sơn, cho biết: Nghệ nhân Lưu Hoàng Quý về đây cùng với họa sĩ thư pháp Lê Vũ, nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng... thực sự là sự quần tụ quý giá cho Làng nghề Trường Sơn. Đây là cơ hội lan tỏa nguồn cảm hứng về sự sáng tạo từ những bàn tay vàng khéo léo đến với công chúng yêu nghệ thuật ở phố biển Nha Trang.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.