Trước đây, các sản phẩm giường tre của người Khmer ở Trà Vinh được làm ra quanh năm. Bà con mang đi bán dạo khắp các tỉnh ĐBSCL nhưng lời lãi chẳng là bao, nghề dần mai một.
Cuối tháng 3 trời nắng gay gắt, ông Trì Cảnh, dân tộc Khmer là chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm bằng tre ở ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang (Trà Cú, Trà Vinh) cùng 4 công nhân người ướt đẫm mồ hôi loay hoay giữa sân ráp khung làm kệ sách. Dừng tay làm, ông Cảnh nói: “Tôi tranh thủ làm riết để kịp giao 70 bộ cho trường Đại học Cần Thơ chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”.
“Sở dĩ ở quê không có việc làm nên vợ chồng phải lên tận TPHCM làm thuê nhưng trên đó đồng lương ít ỏi, lại phải trả tiền thuê nhà trọ, chẳng dư giả gì. Vì thế, vợ chồng tôi quyết định về quê làm cho gần cha mẹ già và tiện chăm con”.
Chị Thạch Thị Sanh bỏ thành phố về quê làm việc
Ngồi trò chuyện, ông Cảnh cho biết, từ năm 2013 đến nay cơ sở khấm khá nhờ sản phẩm đã được xuất sang nhiều nước. Cụ thể, trong năm 2013, Trung tâm khuyến công tỉnh Trà Vinh đem sang Campuchia 500 bộ bàn ghế triển lãm ở hội chợ. Sau lần đó, có doanh nghiệp Campuchia gọi điện sang đặt hàng 500 cái bàn bằng tre. Kế tiếp công ty Hồng Việt ở TPHCM đặt hàng mỗi tháng 3.000 sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài… Gần đây có một đại lý ở xã Định An (Trà Cú) mua 50 bộ tủ hộp bằng tre cho con gái mang sang Mỹ chào hàng. Ông Cảnh kể: “Nếu bên đó bán được thì họ sẽ đặt mua với số lượng lớn”. Mới nhất, ngày 15/3, Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ TPHCM dẫn một đoàn khách từ Canada đến tham quan, tìm hiểu sản phẩm.
Còn về thị trường nội địa, ông Cảnh cho biết, trung bình mỗi tháng giao khoảng 100 bộ bàn ghế, tủ, giường… cho các doanh nghiệp, đại lý ở miền Trung, TPHCM và các tỉnh ĐBSCL với doanh thu gần 100 triệu đồng.
Theo lời ông, các khu du lịch sinh thái rất ưa chuộng sản phẩm từ tre vì gọn nhẹ và thân thiện với môi trường. Ở ĐBSCL, nhiều khu du lịch sinh thái sử dụng sản phẩm của ông: khu du lịch sinh thái Bến Tre, khu du lịch sông Tiền, khu du lịch Hòa Phú ở Vĩnh Long…
Ông cho biết, cách nay chưa đầy tháng, ông bán 30 bộ ghế bằng tầm vông loại lớn và 15 giường tre cho một khu du lịch sinh thái ở Cần Thơ. Nói về chất lượng sản phẩm, ông Cảnh chỉ bộ bàn ghế trong nhà rồi giới thiệu. “Tre ở đây có độ dẻo, dai và bền. Hơn nữa đã xử lý chống mối, mọt nên có tuổi thọ trên chục năm là bình thường”, ông Cảnh tự tin nói.
Hy vọng tre “níu” chân nông dân
Ông Cảnh cho biết, trong ấp 90% là dân tộc Khmer với hơn 300 hộ, khoảng 100 hộ làm nghề đóng giường tre truyền thống. Gia đình ông gắn bó với nghề này 3 đời nay. Tuy nhiên, ông bảo nếu làm theo lối cũ, chủ yếu đóng giường tre thì khó mà thoát khỏi cảnh nghèo do xã hội ngày càng phát triển nên người dân dần “quên đi” chiếc giường truyền thống này. Sau nhiều đêm trăn trở, ông nghĩ bằng mọi cách phải đa dạng sản phẩm. Năm 2011, ông được Trung tâm khuyến công tỉnh Trà Vinh “tiếp lửa” bằng cách giới thiệu học nghề thủ công ở Tây Ninh.
Sau khóa học, ông về nhà đầu tư thêm máy móc và trang thiết bị để khôi phục làng nghề truyền thống gần trăm năm này. “Năm đầu làm khó khăn lắm, mỗi món đồ như chiếc ghế salon hay ghế xếp phải tháo ra ráp vô cả trăm lần. Mọi người nhìn tưởng dễ chứ chỉ cần sai nguyên lý hay sai một phân coi như hư cả bộ”, ông Cảnh nói.
Hiện nay, ông có thể làm nhiều thứ từ tre như giường truyền thống, các bộ salon sang trọng, ghế xếp bãi biển, bàn, hộp, tủ sành điệu… trong các hộ gia đình, trong resort và nhà hàng sang trọng. “Xứ này ngoài ruộng lúa ra thì không biết phải làm gì để sống ngoài trông vào cây tre. Tuy nhiên, hai năm nay, hạn mặn xâm nhập khiến đời sống khó khăn, nhiều người rời bỏ làng quê đi nơi khác làm ăn. Tôi chỉ mong cây tre quê nhà có thể níu chân họ ở lại”, ông Cảnh tâm sự.
Cơ sở của ông Cảnh hiện còn giúp cho hơn 10 lao động địa phương có việc làm ổn định với mức lương từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Điển hình như cả hai vợ chồng chị Thạch Thị Sanh không ruộng đất, sau nhiều năm làm thuê ở TPHCM đã trở về làng hơn năm nay. Vợ chồng chị làm trung bình mỗi tháng 7,5 triệu đồng.