Người ít tiền cũng có nhà ở?. |
Trong đó đưa ra những lý giải về việc cần thiết phải xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ, tối thiểu là 25m2, tạo cơ hội thực tế về nhà ở cho người lao động thu nhập thấp tại khu vực đô thị hay nhằm đáp ứng những nhu cầu ở linh hoạt chỉ phù hợp với nơi ở diện tích nhỏ, …
Quan tâm người khó khăn
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nhiều năm qua, mặc dù số lượng nhà ở được xây dựng mới ngày càng tăng, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều hộ gia đình, cá nhân, đặc biệt là những hộ gia đình trẻ; học sinh, sinh viên; người già neo đơn không nơi nương tựa; người nhiễm chất độc màu da cam; công nhân lao động và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đang gặp khó khăn về nhà ở.
Nguyên nhân chủ yếu là do các đối tượng nêu trên không có đủ khả năng tài chính để mua nhà ở, vì giá nhà ở tại đô thị quá cao so với thu nhập của họ, trong khi trên thực tế lại không có quỹ nhà dành cho các đối tượng này thuê. Để có chỗ ở, nhiều người phải thuê những nhà ở, phòng trọ do người dân tự xây dựng trong điều kiện ở chật chội, không bảo đảm vệ sinh, môi trường và không an toàn trong quá trình sử dụng.
Vậy vì sao những năm qua tình hình nhà ở cho người thu nhập thấp chưa được cải thiện nhiều? Thực tế, mặc dù Luật Nhà ở năm 2005 đã có quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, nhưng trong thời gian vừa qua các DN mới chỉ chủ yếu tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, kể cả bán cho các đối tượng xã hội với mục đích nhằm thu hồi vốn nhanh mà không chú trọng đến việc đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê.
Qua thống kê cho thấy, quỹ nhà ở cho thuê hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ thấp so với số hộ dân có sở hữu nhà ở (tính chung cả nước chỉ chiếm hơn 6,3 % tổng số hộ dân có sở hữu nhà ở, riêng Hà Nội chỉ chiếm 14%, TP. HCM chiếm 19%, các đô thị loại 1 chiếm 4-6% và các đô thị còn lại chỉ chiếm khoảng 4%).
Quỹ nhà ở này được hình thành chủ yếu từ 2 nguồn: nguồn thứ nhất là Nhà nước bỏ vốn đầu tư hoặc có cơ chế khuyến khích để xây dựng cho một số đối tượng xã hội thuê như học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, công nhân khu công nghiệp và nhà ở cho thuê và thứ hai là do người dân tự đầu tư xây dựng không theo quy hoạch, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện ở tối thiểu.
Có thực tế này là do hiện nay Nhà nước mới chỉ ban hành chính sách chung về phát triển nhà ở để bán, cho thuê, trong đó chính sách khuyến khích ưu đãi xây dựng nhà ở cho thuê chỉ áp dụng đối với một số ít các đối tượng xã hội như học sinh, sinh viên và công nhân khu công nghiệp; Nhà nước chưa ban hành một chính sách riêng để khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê nhằm tạo ra một quỹ nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng trong xã hội.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất một số ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho thuê như: miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế thu nhập DN từ hoạt động cho thuê nhà ở; vay vốn ưu đãi hoặc được bù lãi suất; được sử dụng tầng 1 nhà chung cư để kinh doanh thương mại nhằm giảm giá cho thuê nhà ở. Ngoài ra còn được tăng hệ số sử dụng đất lên 1,3 lần so với tiêu chuẩn quy hoạch hiện hành…
Thay đổi quan niệm về nhà ở
Trong dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, đã có đề xuất "linh hoạt" về những căn hộ dành cho thuê: Đối với nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư vốn từ ngân sách thì diện tích sàn tối thiểu là 30m2/căn và tối đa là 60m2/căn; đối với nhà ở xã hội do DN đầu tư xây dựng nhưng được hưởng các ưu đãi của Nhà nước thì diện tích sàn tối thiểu là 25m2/căn và tối đa là không quá 70m2/căn, trong đó loại căn hộ có diện tích nhỏ hơn 30m2/căn có số lượng tối đa không vượt quá 15% tổng số căn hộ trong một tòa nhà. Bên cạnh đó, đối với nhà ở thương mại cho thuê theo cơ chế thị trường thì diện tích sàn tối thiểu là 25m2/căn và loại căn hộ có diện tích nhỏ hơn 30m2/căn có số lượng tối đa không vượt quá 15% tổng số căn hộ trong một tòa nhà.
Theo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở cho thuê, từng bước thay thế quan niệm có nhà ở phải thông qua việc sở hữu riêng của cá nhân, hộ gia đình là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội hiện đại, đồng thời tạo điều kiện để những người có khó khăn về nhà ở có thể tạo lập được chỗ ở ổn định, góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Ngay Chiến lược phát triển nhà ở đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2011 đã quy định: mục tiêu 2020 tăng tỷ lệ thuê nhà ở lên 20% và đến 2030 tăng tỷ lệ thuê nhà ở lên 30% tổng số hộ dân có sở hữu nhà ở tại khu vực đô thị. Và thực tế những căn hộ diện tích nhỏ cũng phù hợp với nhu cầu ở đa dạng trong xã hội hiện đại, như khách vãng lai, những gia đình nhỏ chỉ có vợ chồng hay những người sống độc thân,…
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, những đề xuất thúc đẩy thị trường nhà ở cho thuê với cơ chế linh hoạt như trên giúp cơ hội về nhà ở cho người thu nhập thấp trở nên rõ ràng hơn, giải quyết hiệu quả thực trạng khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Đồng thời, giúp thị trường nhà ở cho thuê đa dạng hơn, người dân không buộc phải sử dụng những căn hộ lớn hơn nhu cầu thực tế, giảm bớt những chi phí không cần thiết.
Theo Hải Đăng
Pháp luật xã hội
Theo thống kê của Liên Hợp quốc (UN-Habitat) thì tỷ lệ người thuê nhà để ở tại các nước phát triển cao hơn tỷ lệ người thuê nhà tại các nước đang phát triển. Tại Mỹ thì tỷ lệ người thuê nhà là 32%, trong đó thuê nhà ở xã hội là 3%, tại Đức tỷ lệ người thuê nhà ở là 57%, trong đó thuê nhà ở xã hội là 6%, trung bình người thuê nhà ở tại 27 nước EU là 26,5%, trong đó thuê nhà ở xã hội là 13,5%, tại Úc tỷ lệ người thuê nhà ở là 27%, trong đó thuê nhà ở xã hội là 6%, tại Pháp người thuê nhà là 38%, trong đó thuê nhà ở xã hội là 16%, tại một số thành phố của các nước phát triển thì tỷ lệ thuê nhà ở còn cao hơn như: NewYork là 55%, London là 41%, tại Berlin và Armtesdam là trên 70%... |