Bi kịch của U17 Indonesia
Trong trận chung kết giải U16 Đông Nam Á 2022 hồi tháng 8, U16 Indonesia đã giành chiến thắng 1-0 trước Việt Nam nhờ bàn thắng duy nhất của Kafiatur Rizky ở phút 45+2. Hàng vạn khán giả, ban huấn luyện và các cấp lãnh đạo bóng đá Indonesia ăn mừng trong vui sướng vì đây là danh hiệu đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á trong vài năm qua.
"Những khoảnh khắc xúc động, vui sướng hòa làm một sau khi U16 Indonesia vô địch U16 Đông Nam Á 2022", CNN Indonesia mô tả thêm. "Trên khán đài, hàng vạn NHM nán lại chung vui cùng đội tuyển. Họ nhảy múa, hò hét và đốt pháo sáng. Đây như một lễ hội bóng đá mà đã lâu rồi Indonesia không có được". Nhìn cách mà Indonesia ăn mừng, khán giả có thể nhầm tưởng đây là đội tuyển vừa vô địch World Cup. Thậm chí, toàn bộ đội hình U16 Indonesia đã được diện kiến tổng thống nước này trong lễ mừng công trang trọng.
U16 Indonesia vô địch Đông Nam Á hồi tháng 8/2022. |
Sau chức vô địch, U16 Indonesia (đổi thành U17 Indonesia) bước vào vòng loại VCK U17 châu Á 2023 với sự tự tin rất lớn. Họ rơi vào bảng đấu với UAE, Malaysia, Palestine và đảo Guam. U17 Indonesia đã giành đến 3 chiến thắng trước UAE, Palestine và đảo Guam. Tuy nhiên, thất bại thảm hại với tỷ số 1-5 trước Malaysia khiến họ rơi xuống vị trí nhì bảng. Do không tính kết quả với hai đội đứng cuối, U17 Indonesia chỉ có 3 điểm khi so với các đội nhì bảng khác. U17 Indonesia bị loại vì kém hiệu số so với...U17 Lào.
Thất bại tại vòng loại VCK U17 châu Á 2023 như một cái tát trời giáng với người hâm mộ Indonesia và cả những người làm bóng đá nước này. Họ để thua đội bóng láng giềng với tỷ số khó tin và thậm chí xếp dưới cả bóng đá Lào. U17 Indonesia hưởng niềm vui đứng đầu Đông Nam Á chỉ chưa đầy 2 tháng, trước khi phải cúi đầu nhìn các bại tướng của mình đến sân chơi châu lục.
Trong khi đó, có một người Indonesia khác đã cùng đội bóng của mình vào VCK U17 châu Á 2023. Đó chính là Abdurrahman Iwan, một cầu thủ có bố mẹ là người Indonesia nhưng lại thi đấu cho U17 Qatar. Trong 4 trận đấu của Qatar, Iwan được HLV Ibrahim Al Shafei tạo cơ hội đá chính 1 lần, ở trận đầu tiên gặp Iraq.
Abdurrahman Iwan (số 23). |
Trên mạng xã hội, Abdurrahman Iwan bị chỉ trích vì ăn mừng chiến thắng với U17 Qatar. Người hâm mộ Indonesia gọi anh là 'kẻ phản bội tổ quốc'. Cầu thủ này không ngần ngại đáp trả với tuyên bố: "Tôi chưa bao giờ được Indonesia trao cơ hội thi đấu ở các cấp độ đội tuyển". Đến lúc này, nhiều người đặt câu hỏi phải chăng bóng đá Indonesia đang thờ ơ với những tài năng "100% Indonesia" để chạy theo những cầu thủ nhập tịch hoặc là con lai Indonesia.
Chiến lược 'Hà Lan hóa' Indonesia và hệ lụy
Cần phải khẳng định, những cầu thủ con lai Indonesia hoàn toàn có thể nhập tịch và thi đấu theo quy định của FIFA. Việt Nam có trường hợp của thủ môn Đặng Văn Lâm, người mang hai dòng máu Việt - Nga. Tham vọng tìm những kiều bào để gia tăng sức mạnh cho đội tuyển quốc gia là mong muốn chính đáng của bất kỳ đội tuyển nào trên thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề của Indonesia là họ đặt nhiệm vụ tìm kiếm "con lai" là mục tiêu hàng đầu trong việc phát triển nền bóng đá. HLV Shin Tae-yong cũng chính là người thường xuyên hối thúc Liên đoàn bóng đá Indonesia sang Hà Lan tuyển người. Đây là quốc gia có nhiều mối quan hệ với Indonesia trong lịch sử.
HLV Shin Tae-yong rất thích cầu thủ nhập tịch. |
Mới đây, chủ tịch LĐBĐ Indonesia Mochamad Iriawan cho biết họ sẽ cử một phái đoàn cấp cao sang Hà Lan để thuyết phục một số cầu thủ trẻ nằm trong tầm ngắm của HLV Shin Tae-yong.
"Chúng tôi hiện đang nghiên cứu 5 cầu thủ có thể nhập tịch thi đấu ở World Cup U20. Tất cả những cái tên này đều theo đề xuất của Shin Tae-yong. Có thể trong tuần này, một phái đoàn sẽ sang Hà Lan để thuyết phục các cầu thủ gốc Indonesia này. Trong số 5 cầu thủ, có ba người muốn về nước nhưng hai người lại không. Chúng tôi phải tìm cách tác động đến gia đình của họ", Chủ tịch PSSI Mochamad Iriawan cho biết.
Trong số những cái tên mà bóng đá Indonesia để mắt đến, trung vệ Mees Hilgers có tài năng nổi bật hơn cả. Tuy nhiên, cầu thủ này không muốn nhập tịch Indonesia vì đang có cơ hội phát triển ở Hà Lan. So với Indonesia - một quốc gia có 90% người theo Hồi giáo, Hà Lan là một thế giới hoàn toàn khác. Theo lý thuyết, các cầu thủ gốc Indonesia vẫn có thể thi đấu ở châu Âu cấp CLB và trở về tuyển Indonesia để tham dự các giải đấu. Nhưng, việc thiếu những hiểu biết về quê hương có thể khiến cho các cầu thủ này khó hòa nhập sâu sắc với Indonesia, từ đó hình thành sức mạnh màu cờ sắc áo.
Mees Hilgers đã từ chối nhập tịch Indonesia. |
Văn Lâm sống ở Nga từ bé nhưng thường xuyên về Việt Nam và nói tiếng Việt 'sõi'. Anh cũng có thời gian thi đấu nhiều năm ở V-League và thực sự là một người Việt. Bóng đá Việt Nam rất cẩn thận với những trường hợp Việt kiều muốn nhập tịch vì lo ngại mức độ hòa nhập.
Nhìn lại AFF Cup 2020, những cầu thủ từ châu Âu của Indonesia chưa thể hiện trình độ vượt trội so với các cầu thủ trong khu vực. Thậm chí, nhiều cái tên còn thi đấu kém hơn so với những cầu thủ sinh ra và lớn lên ở Indonesia. Thất bại ở vòng loại VCK U17 châu Á 2023 cho thấy Indonesia cần xem lại chiến lược phát triển cầu thủ trẻ, thay vì cứ tìm kiếm và chờ đợi những cầu thủ nhập tịch có khả năng ngay lập tức biến họ thành ông lớn ở châu Á.
Dẫu sao, thất bại ở các giải đấu U17 không phải là thảm họa gì với bóng đá Indonesia và họ vẫn còn rất nhiều cơ hội sửa sai. Với dân số 273 triệu người, tiềm năng bóng đá của Indonesia vẫn còn rất lớn.