Người Hungary giám sát Hiệp định Paris ở Việt Nam - Kỳ 2

Người Hungary giám sát Hiệp định Paris ở Việt Nam - Kỳ 2
TP - Hồi hương sau khi đã cống hiến cho nền hòa bình tại Việt Nam, trong hơn 3 thập niên qua, các cựu thành viên Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế (ICCS) của Hungary đã và đang nắm giữ những cương vị đáng kể trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước.

>> Kỳ 1: Gặp Hoàng Thái hậu cuối cùng

Người Hungary giám sát Hiệp định Paris ở Việt Nam - Kỳ 2 ảnh 1
TS Botz Látszló (trái) và Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Quốc Dũng trong lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam

Thiếu tướng hồi hưu TS Botz László lúc đó mang hàm thượng tá, đặt chân tới Sài Gòn ngày 28-1-1973 trong phân đội Hungary thứ nhất. Ông tả lại cảnh nhóm ICCS của Hungary tới Sài Gòn, trong thư gửi vợ:

“Trước khi tới Sài Gòn, bọn anh được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu của Mỹ. Ở Sài Gòn, hai máy bay Liên Xô hạ cánh cùng những bộ quân phục Hungary gây sự chú ý rất lớn. Rất đông ký giả vây quanh nhóm”.

Với nhiệm vụ giám sát và kiểm tra, các thành viên ICCS được phân về các tổ kiểm tra địa phương, nằm rải rác khắp miền Nam và đặc biệt là tại một số khu vực chiến sự vẫn âm ỉ ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

Nếu nhiệm vụ này có thể mới lạ đối với nhiều quân nhân Hungary mà sứ mệnh tại Việt Nam là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời thì nó lại rất quen thuộc đối với phóng viên chiến trường Róbert László, người từng có mặt tại Đông Dương ba lần trong thập niên 60 và nổi tiếng với những tường thuật nóng bỏng về chiến sự.

Đồn trú tại Lam Sơn, một địa điểm chỉ tồn tại trên bản đồ quân sự và lấy tên một làng bản khi đó đã không tồn tại, lịch trình của nhóm ICCS (gồm Róbert László cùng các đồng sự người Hungary, Ba Lan, Canada và Indonesia) khá cố định. Ban ngày, họp hành, kiểm tra, khảo sát, đánh giá. Tối, cùng nhau chơi bóng bàn, uống nước.

Như hồi tưởng của vị ký giả, tại các phiên họp của nhóm ICCS, trong khuôn khổ sự trung lập mà Hiệp định Paris quy định, nhiều khi các bên đã đưa ra ý kiến trái ngược. Những lúc đó, thông thường, Hungary – Ba Lan và Canada – Indonesia là hai cặp đối nghịch.

Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, họ cư xử với nhau một cách tương kính, lấy bổn phận giám sát làm trọng mà bỏ qua nhiều bất đồng vì những khác biệt ý thức hệ.

Trong tập ảnh của ông Oroszi Antal, có một tấm ghi lại cảnh trao đổi tù binh trên cơ sở Hiệp định Paris. Việc giám sát sự trao đổi tù binh cũng thuộc nhiệm vụ của ICCS: các thành viên của phân đội Hungary đầu tiên đảm nhiệm bổn phận đó.

Đối với TS Déri Miklós - ấn tượng sâu sắc nhất là việc chứng kiến những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam ngày 29-3-1973. Có mặt tại Việt Nam 1 ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cho đến nay, ông vẫn còn giữ một mẩu báo Hungary cách đây 36 năm, có bài phóng sự và tấm ảnh ông cùng một đồng đội trong khoảnh khắc lịch sử chấm dứt sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ trong vấn đề Việt Nam.

Cùng tới Việt Nam với TS Déri Miklós, Thiếu tướng hồi hưu, cựu Cục trưởng Quân báo Hungary, TS Botz László lại rất tự hào về chuyên môn của những người trong ICCS.

Thời đó, quân đội Hungary có chừng 150.000 người và do hoàn cảnh thời Chiến tranh lạnh, số quân nhân thạo tiếng Anh để có thể phục vụ trong lực lượng ICCS khá ít ỏi. Lẽ ra phân đội Hungary đầu tiên trong ICCS phải có 290 người, nhưng không sao tìm đủ số cần thiết.

“Như thế, trên một khía cạnh nhất định, có thể coi những thành viên ICCS của Hungary ít nhiều đều là “tinh hoa” của quân đội Hungary thời bấy giờ!” - TS Botz László nói.

Ông Oroszi Antal, sau khi hồi hưu, hiện giữ chức Giám đốc Bảo tàng Đại học Quốc phòng Zrínyi Miklós (Budapest). TS Botz László trở thành một trong những chuyên gia  hàng đầu Hungary về an ninh quốc phòng. TS Déri Miklós thì sở hữu một bộ sưu tập tem Việt Nam độc nhất vô nhị ở Hungary và từng được tặng Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp cho Việt Nam.

Đa số các cựu quân nhân Hungary từng phục vụ ở Việt Nam, về sau đều gia nhập Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam, ra đời năm 1989 và là cầu nối bền bỉ, nhiệt thành giữa hai quốc gia trong suốt những thập niên qua. Thường gặp gỡ nhau hằng năm tại các ngày lễ lớn của Việt Nam, họ vẫn giữ nguyên những tình cảm tốt lành với đất nước và con người Việt Nam.

MỚI - NÓNG