Người đi vòng quanh Trái đất ba lần để tìm kiếm âm thanh nói về vẻ đẹp của... sự yên tĩnh

0:00 / 0:00
0:00
Ông Hempton ghi âm thanh trong rừng nhiệt đới Hoh, Mỹ
Ông Hempton ghi âm thanh trong rừng nhiệt đới Hoh, Mỹ
TP - Trong thế giới ngày càng ồn ào, nhà sinh thái học âm thanh Gordon Hempton đã dành hơn 40 năm để khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn sự yên tĩnh. Thế nhưng liệu thế giới đã sẵn sàng lắng nghe?

Ông Gordon Hempton đi vòng quanh Trái đất ba lần trong 41 năm qua để tìm kiếm và ghi lại những âm thanh tự nhiên đang dần biến mất. Ông từng nằm co ro trong khúc gỗ rỗng ở Tây Bắc Thái Bình Dương để ghi lại âm thanh của rừng cây, lướt trên sông Amazon trên chiếc độc mộc để dõi theo giai điệu du dương của những loài chim di cư và giành giải Emmy cho bộ phim tài liệu của mình, The Vanishing Dawn Chorus, ghi lại cảnh bình minh ló dạng trên sáu lục địa. Tuy nhiên, âm thanh mà ông Hempton quan tâm nhất đến việc bảo tồn lại có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất: sự yên tĩnh.

“Tại sao lại phải gìn giữ sự yên tĩnh?”, ông Hempton tự hỏi. “Chẳng phải ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, dọn dẹp chất thải độc hại, phục hồi môi trường sống và các loài có nguy cơ tuyệt chủng quan trọng hơn sao? Tôi lại nghĩ rằng, khi bạn bảo tồn sự yên tĩnh, bạn cũng đang bảo tồn mọi thứ khác”.

Đối với ông, yên tĩnh không phải là vắng bóng hoàn toàn âm thanh, mà là giảm những tiếng ồn do con người tạo ra. Ông đã dành phần lớn cuộc đời mình để lên tiếng thay cho sự yên lặng. Gần đây nhất, ông đã thành lập Quiet Parks International (QPI), một tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên nhằm chứng nhận và bảo tồn những cảnh quan tự nhiên cuối cùng của Trái đất thông qua “du lịch yên tĩnh”. Bằng cách khuyến khích du khách chiêm ngưỡng những kỳ quan âm thanh - chứ không chỉ cảnh quan - của hành tinh, ông Hempton hy vọng sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới và “cứu lấy sự yên tĩnh vì lợi ích của mọi sự sống”.

Người đi vòng quanh Trái đất ba lần để tìm kiếm âm thanh nói về vẻ đẹp của... sự yên tĩnh ảnh 1

“Công viên Yên tĩnh Hoang dã” đầu tiên trên thế giới nằm trong Rừng mưa nhiệt đới Amazon của Ecuador

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, tác động của việc tiếp xúc với ô nhiễm tiếng ồn trong thời gian dài - bao gồm đau tim, huyết áp tăng, đột quỵ, tiểu đường, sa sút trí tuệ và trầm cảm - có thể là nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút sức khỏe của hơn 1 triệu người Tây Âu. Tương tự như vậy, Cơ quan Môi trường châu Âu phát hiện ra rằng ô nhiễm tiếng ồn đã góp phần gây ra 48,000 ca bệnh tim và 12,000 ca tử vong trên khắp lục địa này mỗi năm.

Cuộc xâm lược âm thanh của chúng ta cũng đang tàn phá thế giới tự nhiên. Một báo cáo đăng trên tạp chí The Royal Society’s Biology Letters cho thấy ô nhiễm tiếng ồn đe dọa sự tồn tại của hơn 100 loài động vật khác nhau. Vì động vật dựa vào âm thanh để làm mọi thứ, từ tìm bạn đời, di cư đến săn mồi, nghiên cứu này cho thấy tiếng ồn do con người tạo ra đang khiến cuộc sống của giới động vật trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Sự yên tĩnh từ lâu đã giúp con người tìm thấy tiếng nói của mình. Giống như thiên nhiên, nó điều hòa và chữa lành chúng ta. Nhưng bất chấp bằng chứng khoa học chứng minh điều ấy, ông Hempton cảnh báo rằng số lượng những nơi yên tĩnh tự nhiên đang “gần bờ vực tuyệt chủng hơn hẳn các loài sinh vật”.

Cho đến nay, ông Hempton và đội ngũ các nhà sinh thái học âm học của ông đã xác định được hơn 250 địa điểm trên khắp thế giới có tiềm năng trở thành “Địa điểm yên tĩnh” của QPI, và họ dự định sẽ chứng nhận hơn 50 địa điểm trước năm 2030.

Vào năm 2019, tổ chức đã chứng nhận “Công viên Hoang dã Yên tĩnh” đầu tiên trên thế giới: một khu rừng rộng hàng trăm nghìn héc-ta thuộc Rừng nhiệt đới Amazon, nơi đời sống sinh học đa dạng và hoạt động của con người ít đến mức ông Hempton gọi nó là một “kiệt tác của thiên nhiên”.

Vào ngày 18/7, QPI đã công bố Hampstead Heath tại London (Anh) là một Công viên Yên tĩnh Đô thị, theo sau đó là năm khu bảo tồn thiên nhiên trong và xung quanh Stockholm (Thụy Điển) vào ngày 21/7. Vào tháng 8, The Ramble, cảnh quan rừng cây rộng 14 héc-ta Anh của Công viên Trung tâm, sẽ là công viên đầu tiên được QPI công nhận ở Mỹ. Trước khi kết thúc năm, cũng sẽ có thêm các Công viên Yên tĩnh Đô thị mới xuất hiện ở Pháp, Bỉ và Áo. Gần đây, họ đã công bố một xê ri Trải nghiệm Yên tĩnh trực tuyến, chứng nhận Khu nhà nghỉ Yên tĩnh đầu tiên Ý và Cộng đồng Yên tĩnh đầu tiên ở phía tây Bắc Carolina (Mỹ). Họ hình dung ra một thời đại mới của du lịch yên tĩnh mà ông Hempton hy vọng sẽ giúp mọi người kết nối lại với Trái đất và với chính họ.

Người đi vòng quanh Trái đất ba lần để tìm kiếm âm thanh nói về vẻ đẹp của... sự yên tĩnh ảnh 2
Rừng nhiệt đới Hoh, nơi có khí hậu và địa lý độc đáo

Trớ trêu thay, phải sau một đại dịch toàn cầu, thế giới mới nhận ra tầm quan trọng của sự yên tĩnh. Vào tháng 9/2020, tạp chí Science đã công bố một báo cáo kết luận rằng việc giãn cách xã hội do Covid-19 đã tạo ra “quá trình giảm tiếng ồn toàn cầu dài nhất và chặt chẽ nhất được ghi nhận trong lịch sử”, với tiếng ồn địa chấn được giảm tới 50% trên 77 quốc gia. “Trước Covid, câu hỏi phổ biến nhất mà chúng tôi nhận được tại QPI là “Tại sao sự yên tĩnh lại quan trọng?”, ông Hempton cho biết. “Bây giờ, các nhà quản lý đất đai, cộng đồng địa phương và chính phủ đều đang hỏi chúng tôi làm thế nào họ có thể tham gia”.

“Chúng ta quá bận rộn với việc nhìn ngắm thế giới, nhưng lắng nghe mới là điều thực sự giúp chúng ta hiểu được câu chuyện của một địa điểm”, ông Hempton chia sẻ. “Khi bạn đang lắng nghe, thực sự lắng nghe, một vũ trụ hoàn toàn mới sẽ mở ra cho bạn”.

Theo bbc.com, ngày 14/7/2021
MỚI - NÓNG