Khởi nghiệp ở tuổi xế chiều
Tôi tìm đến số 54 Hàng Cót – Hà Nội để gặp người phụ nữ đầu tiên mang thạch dừa từ miền Nam về với Thủ đô. Dù đã ở tuổi ngoài 70 nhưng bà Nguyễn Thị Vân vẫn ngày ngày gắn bó với công việc làm thạch dừa phục vụ thực khách.
Bà Vân bắt đầu quá trình khởi nghiệp của mình ở tuổi 60. Khởi nghiệp là cả một quá trình đầy khó khăn, vất vả và với bà Vân, người phụ nữ ở độ tuổi xế chiều đó là việc làm không mấy dễ dàng.
Bà chia sẻ, ngày ấy dừa trong Nam nhiều vô kể. Nhìn những quả dừa xiêm lăn lóc, chất thành từng đống bà vẫn luôn đau đáu làm sao để những trái dừa ấy trở nên có giá trị hơn. Nghĩ là làm, bà bắt tay vào chế biến thạch dừa. Thạch dừa thành công lại có thêm sự ủng hộ, khích lệ của các thành viên trong gia đình, bà như được tiếp thêm động lực.
Sau này bà ra Hà Nội. Khi ấy, dừa ở ngoài Bắc còn khá ít ỏi và thạch dừa còn là một món ăn hoàn toàn xa lạ. Bà quyết định gây dựng lên quán Thạch dừa Dũng.
Đơn giản nhưng công phu
Ngày mới mở, quán của bà Vân chỉ là một quán nhỏ ven vỉa hè. Mọi công việc từ việc chặt dừa, nấu thạch, bán hàng phục vụ thực khách đều do một tay bà lo liệu. Qua năm đầu tiên đến năm thứ hai, thứ ba, thạch dừa được nhiều thực khách yêu thích và biết đến, bà mới mở rộng hàng quán như hôm nay.
Rồi nhiều người tìm đến quán của bà để học hỏi cách làm. Dọc con phố Hàng Cót ngày ấy nhà nhà đua nhau mở bán thạch dừa. Theo bà làm thạch dừa không khó, cái khó là làm sao giữ được hương vị nguyên bản của dừa. Cũng chỉ với một quả dừa, ít bột thạch và nước cốt dừa nhưng mỗi người lại làm ra một hương vị khác nhau không ai giống ai.
“Để làm được món thạch dừa, quan trọng nhất là chọn được dừa ngon. Dừa làm thạch phải là dừa non vừa tới, cùi mỏng để mọi người có thể dễ dàng thưởng thức. Cái khó của việc làm thạch ở chỗ phải làm thế nào để khi ăn thực khách cảm nhận được vị ngọt thanh tự nhiên, đậm hương dừa. Hiện nay, khi chế biến thạch dừa người ta thường kết hợp với lá nếp hay một số loại hoa quả như xoài, thanh long để biến tấu thành nhiều hương vị, màu sắc khác nhau, khá hấp dẫn.
Nhưng với tôi thạch dừa truyền thống vẫn luôn là số một, nó luôn mang một hương vị rất riêng” - bà Vân chia sẻ.
Bà dẫn tôi đến hỏi thăm cảm nhận của những vị khách trong quán. Thạch dừa nhà bà Vân có độ ngọt và độ đông vừa tới, không quá cứng, đủ để tạo cảm giác mát lạnh, tan nhanh trong miệng mà vẫn lưu lại hương thơm. Đó là những gì tôi cảm nhận khi ăn miếng thạch dừa đầu tiên. Chứng kiến niềm hạnh phúc của bà khi nghe những lời khen, lời ủng hộ, khích lệ của khách hàng tôi thầm nghĩ có lẽ với bà Vân đây chính là niềm vui đích thực.
Giữ nghề
Thời gian gần đây thạch dừa đang bước vào giai đoạn bão hòa lại phải cạnh tranh gay gắt với kem dừa, dừa dầm, những món ăn mới nổi đã khiến công việc buôn bán của bà Vân gặp nhiều khó khăn. Bà tâm sự, khách đến quán giờ đây không còn đông như trước. Tuy nhiên vẫn có những khách quen tìm đến quán để thưởng thức hương vị nguyên thủy của món ăn này.
“Vài năm trước, vì là quán đầu tiên mở bán thạch dừa nên việc buôn bán khá suôn sẻ, thuận lợi. Có những ngày cao điểm lượng dừa gia đình tôi bán ra lên đến cả nghìn quả, thậm chí không có đủ dừa để phục vụ khách hàng. Ngày ấy, quán đông chúng tôi thuê đến 4-5 nhân viên phục vụ mà vẫn không xuể. Thời gian gần đây nhiều quán thạch dừa mở ra nên khách cũng ít hơn, trung bình mỗi ngày gia đình chỉ bán được hơn trăm quả. Do lượng khách giảm nên chúng tôi không dám thuê nhân viên, mọi việc đều do mọi người trong gia đình lo liệu, thu nhập cũng chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống. Đã có lúc tôi suy nghĩ đến việc chuyển sang buôn bán cái khác nhưng lại không nỡ”, bà Vân nhớ lại.