7h30 sáng, ông Bùi Văn Nghĩa (57 tuổi, ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã ngồi chờ ở góc đường Phan Bội Châu - Hàn Thuyên, TP Nha Trang. "Ngồi chờ chị Thư soạn nốt cái đơn cho đủ bộ hồ sơ để gửi cho tòa án. Mình không biết chữ nên toàn bộ hồ sơ đều nhờ chị Thư đánh máy giùm", ông Nghĩa nói.
Đúng 8h, người phụ nữ dáng nhỏ đi chiếc xe Honda Cub 50 xuất hiện ở góc đường này với chiếc máy đánh chữ cũ kỹ, xấp giấy A4 đựng trong túi vải màu bã trầu đã sơn bạc.
Bà Phạm Thị Anh Thư với công việc đánh máy chữ ngay góc đường Phan Bội Châu - Hàn Thuyên. Ảnh: Xuân Hoát. |
Bà Thư đặt chiếc máy đánh chữ lên bàn, mở túi lấy thanh đựng mực chế vào máy, tỉ mỉ dùng khăn lau từng nút bàn phím và tờ giấy A4 được luồn vào khung máy. Bà bắt đầu một ngày làm việc như thế hơn 30 năm nay. Hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, đôi tay thoăn thoắt đánh chữ đã trở nên quen thuộc với người dân phố biển Nha Trang cũng như du khách mỗi khi dạo phố qua đây.
Bà Thư kể mình đã làm nghề đánh máy chữ hơn 30 năm nay. Với bà đây không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là nét văn hóa cũng như muốn níu giữ cái nghề cũ của thời gian mà ông cha để lại. Gia đình bà có 3 thế hệ làm nghề đánh máy chữ. Ông ngoại của bà làm nghề từ những năm 60 thế kỷ trước, sau đó mẹ bà nối nghiệp rồi truyền lại cho bà. “Tôi theo nghề này từ lúc còn là thiếu nữ. Làm riết rồi quen đến giờ bỏ không được nữa”, bà Thư nói.
Bà Thư kể lúc nhỏ nhìn ông ngoại đánh máy chữ đã rất thích. Sau này mẹ bà là người trực tiếp truyền dạy nghề cho mình.
Người phụ nữ nhỏ nhắn với chiếc máy đánh chữ bạc màu trên góc phố ở Nha Trang. Ảnh: Xuân Hoát. |
“Đánh máy chữ khác với gõ máy tính vì mình không thể xóa chữ để sửa lỗi chính tả. Một chữ mình đánh sai phải bỏ cả tờ giấy. Vì thế nên từ nhỏ ông ngoại rồi mẹ tôi rất khắt khe khi truyền nghề”, bà Thư chia sẻ.
Là nghề tự do, nhưng bà Thư cũng có nguyên tắc riêng của mình, như buổi sáng phải đúng 8h và chiều khoảng 13h30 bà mới có mặt ở góc đường quen thuộc. “Công việc buổi nào tôi sẽ hoàn thành trong buổi đó. Nếu cái nào nhắm không xong được tôi sẽ từ chối để khách hàng đến nơi khác làm cho kịp công việc của họ”, bà tâm sự.
Nghề này giúp bà nuôi sống gia đình không?
Mắt vẫn không rời bàn phím, đôi tay gõ chữ theo kiểu “mổ cò”, bà Thư cho biết những thập niên 1980 và 1990 thế kỷ trước là thời gian thịnh vượng nhất của nghề này. Khi đó, ngoài đánh máy đơn từ, văn bản, bà còn đánh máy cả những bản thảo thơ, truyện ngắn hay viết thư thuê gửi đi nước ngoài.
Khách hàng của bà Thư đủ mọi tầng lớp từ dân nghèo, thương nhân đến nhà thơ. Ảnh: Xuân Hoát. |
“Thời nay công nghệ hiện đại việc in ấn trở nên dễ dàng hơn, vì thế công việc của tôi cũng ngày càng ít đi. Nhưng là cái nghiệp, mình không thể bỏ được”, bà Thư tâm sự.
Hơn 30 năm làm nghề, bà Thư tiếp xúc với đủ thể loại văn bản từ đơn từ đến hồ sơ đất đai, kể cả thơ. “Nghề này không chỉ biết đánh chữ là xong mà còn đòi hỏi mình phải am hiểu pháp luật, quy định hành chính. Một khách hàng đến kể cho mình một câu chuyện và mình phải hiểu, chắt lọc thông tin để rút gọn nội dung. Sản phẩm cuối cùng chỉ là lá đơn có thể dài 2-3 tờ A4, nhưng nghe câu chuyện của khách hàng có khi mất gần cả tiếng đồng hồ”, bà Thư cho hay.
Một lá đơn bình thường, bà Thư thường lấy khoảng 50.000-100.000 đồng, những đơn từ khó hơn, mất nhiều công sức thì khoảng 150.000, có khi cao hơn tùy độ khó của đơn từ.
Tuy nhiên, bà cho biết không phải loại đơn thư nào cũng nhận làm.
“Đơn từ phải là những câu chuyện có tình, có lý mình mới nhận làm. Với đơn ly hôn tôi nhất quyết không nhận làm. Nhiều người đến thuê nhưng tỏ ý phật lòng vì mình nhất quyết từ chối, nhưng đó là nguyên tắc của tôi hơn 30 năm nay”, bà Thư chia sẻ. Trong khoảng 3 tiếng đồng hồ trò chuyện, bà cũng đã từ chối gõ 2 lá đơn ly hôn dù được hứa trả công cao.
Bà là người cuối cùng làm nghề đánh máy chữ ở Nha Trang. Ảnh: Xuân Hoát. |
Chào tạm biệt bà Thư trong ráng chiều khi những tia nắng cuối cùng trong ngày dần tắt nơi phố biển. Trong cái âm thanh lách cách nơi góc phố ấy là người phụ nữ với nhịp gõ của đời mình cũng để giữ lại "tiếng của thời gian".
“Tôi sẽ làm nghề đến khi nào sức khỏe vẫn cho phép. Còn chiếc máy tôi sẽ giữ lại làm kỷ vật như một nhân chứng đã theo tôi và nuôi sống cả gia đình mấy chục năm qua” bà Thư nói.
Người đánh máy chữ cuối cùng ở Nha Trang. Clip: Xuân Hoát. |