Người dân tại “siêu” dự án Điện mặt trời có được hỗ trợ, đền bù?

Người dân tại “siêu” dự án Điện mặt trời có được hỗ trợ, đền bù?
TPO - Những ngày qua, một số người dân ở các xã thuộc hai huyện Tân Châu và Dương Minh Châu (Tây Ninh) đứng ra phản đối liên quan đến thu hồi đất tại dự án Điện mặt trời ở hồ Dầu Tiếng để đòi tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Tây Ninh đã thông tin chính thức liên quan đến vụ việc.

Đòi tiền đền bù đất không thuộc chủ quyền

Cho rằng chủ đầu tư dự án Điện mặt trời đã thu hồi đất, phá cây trồng nhưng hỗ trợ với giá thấp, một số người dân ở các xã thuộc hai huyện Tân Châu và Dương Minh Châu thuộc tỉnh Tây Ninh đã kéo đến trụ sở UBND xã, huyện và tại dự án để phản đối đòi tiền đền bù đất. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã giải thích, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đúng bản chất vấn đề.

Người dân tại “siêu” dự án Điện mặt trời có được hỗ trợ, đền bù? ảnh 1 Khu bán ngập hồ Dầu Tiếng, nơi xây dựng dự án Điện mặt trời

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, khu vực vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng (nơi triển khai dự án) đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch “Điện VII điều chỉnh” 6 dự án đầu tư Điện mặt trời với tổng công suất 610MW. Trong đó, có 5 dự án tỉnh Tây Ninh đã cấp chủ trương đầu tư, đang khẩn trương triển khai để kịp hoàn thành và vận hành trước 30/6/2019, đó là các dự án: Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 và Dầu Tiếng 3.

Để thực hiện dự án Điện mặt trời có quy mô trên 10.000 tỷ đồng này, nhà đầu tư cần khoảng 720 ha đất bán ngập. Trong đó, xã Tân Phú 65,45 ha, xã Tân Hưng 271,05 ha và xã Suối Đá 383,5 ha.

Về phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng, được chia thành 2 mức: mức 1 từ cao trình 24,44m trở xuống 23m, mức 2 từ cao trình 23m đến cao trình 22m. Mức 1 có giá hỗ trợ là 5.220 đồng/m2 (52.200.000 đồng/ha). Mức 2 có giá hỗ trợ là 2.900 đồng/m2 (29.000.000 đồng/ha). Diện tích được hỗ trợ là diện tích canh tác, sản xuất thực tế. Được biết, dự án do nhiều nhà đầu tư tham gia. Trong đó, công ty Xuân Cầu là chủ đầu tư 3 Dự án 1-2-3, dự kiến tháng 6/2018 khởi công nhưng chưa thể vì người dân gây áp lực trong thời gian qua.

Không thuộc diện đền bù, chỉ hỗ trợ

Liên quan đến vụ việc, chính quyền tỉnh Tây Ninh cho biết, khu vực thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3 là vùng đất bán ngập của Hồ Dầu Tiếng từ cao trình 24,4m xuống cao trình 22m. Đây là khu vực đất bán ngập do công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý theo Quyết định số 2812/QĐ-UBND tỉnh, ngày 09/12/2014. Tuy nhiên, có một số hộ dân tận dụng canh tác ở những nơi đất bán ngập theo thời vụ, chủ yếu là trồng cây khoai mì (khoảng 99%) thu hoạch theo mùa nước.

Người dân tại “siêu” dự án Điện mặt trời có được hỗ trợ, đền bù? ảnh 2 Người dân trồng mì trên đất không thuộc quyền sử dụng

Việc thu hồi đất thuộc quyền quản lý của công ty TNHH MTV khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà chứ không thuộc đất sở hữu của cá nhân (người dân). Theo quy định về điều kiện bồi thường đất khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại khoảng 1 Điều 75 Luật đất đai 2013 thì các hộ đang sản xuất trong khu vực thực hiện dự án không đủ điều kiện được bồi thường do không có giấy CN QSD đất.

Hiện nay, trong khu vực đất thu hồi của Công ty TNHH MTV khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng 1,2,3 đang có các hộ dân tận dụng những nơi đất ngập theo thời vụ để sản xuất nông nghiệp nên Nhà nước không thực hiện bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, xét thấy các hộ dân sản xuất trong vùng bán ngập cũng đem lại khoảng thu nhập nhất định phục vụ cuộc sống của các hộ dân, nên để đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, giao đất, đồng thời cũng tạo điều kiện ổn định cuộc sống nên cần thiết xem xét hỗ trợ một phần cho các hộ dân này. Việc hỗ trợ cho các hộ dân đang sản xuất trong khu vực sẽ gồm các khoảng: hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ nhà ở, công trình, vật kiến trúc hình thành trước khi có thông báo thu hồi đất, hỗ trợ cây trái hoa màu trước khi có thông báo thu hồi đất.

Một số người cho rằng, họ có Giấy CN QSD đất, thực chất đây là giấy CN QSD đất của mảnh đất khác, không phải Giấy CN QSD đất của mảnh đất trong dự án (cơ quan chuyên môn đã rà soát, đối chiếu với bản đồ và xác định không đúng thực tế, do một số phần tử xấu xuyên tạc vấn đề).

Trước việc người dân đề nghị được đền bù theo Luật đất đai 2013, UBND tỉnh Tây Ninh cho biết điều này không thể được vì đây là khu vực đất bán ngập thuộc quyền quản lý của công ty TNHH MTV khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý. Đây là đất phi nông nghiệp (không phải đất nông nghiệp) nên không điều chỉnh theo Luật đất đai 2013 mà chỉ có thể áp dụng và bị điều chỉnh theo Luật Thuỷ lợi và Luật Đê điều (nếu sau 1/7/2018) hay Pháp lệnh về Đê điều (nếu trước 1/7/2018).

Liên quan đến việc người dân đòi đền bù đất, ông Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Tây Ninh cho biết, chính quyền đại phương đã tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ người dân. Do đất tại dự án không thuộc quyền sử dụng của người dân nên chỉ được hỗ trợ về hoa màu chứ không đền bù đất. Ông Ngọc cho biết thêm, hiện có trên 60% hộ dân đã tự nguyện giao lại đất cho công ty TNHH MTV khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà để giao lại cho chủ đầu tư. Việc một số người dân vẫn chưa chịu trả lại đất vì đòi tăng tiền hỗ trợ.
MỚI - NÓNG