Người 'đàn rong' xuyên thế kỷ

Nghệ sĩ Minh Quang và ca sĩ Mỹ Lan cách đây gần 40 năm Ảnh: Tư liệu của ca sĩ Mỹ Lan
Nghệ sĩ Minh Quang và ca sĩ Mỹ Lan cách đây gần 40 năm Ảnh: Tư liệu của ca sĩ Mỹ Lan
TP - Cùng ban nhạc với Quốc Dũng, Lê Hựu Hà… vào những năm 1980, sau bao ngày tháng qua đi, người còn kẻ mất, nhưng nghệ sĩ chơi đàn ghi-ta bass Minh Quang vẫn cuồng nhiệt với cây đàn như thủa ban đầu. 

Hiện nay, Minh Quang chơi nhạc, làm clip hướng dẫn miễn phí cho các bạn trẻ mỗi sáng.

Bố mẹ thất vọng

“Cây đàn ghi-ta vốn quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng thích đánh ghi-ta bass. Số là ôm đàn dạo vài câu, đệm hát, biểu diễn độc tấu… lại không phải sở trường của người chơi ghi-ta bass, chúng tôi chỉ là người đệm cho các ban nhạc và ca sĩ. Trong cả ngàn người học và chơi đàn ghi-ta thì họa chăng có một vài người chuyên về cây đàn trầm bass. Tôi đem đến cho bố mẹ tôi một sự thất vọng, đó là khi tôi vác về nhà một cây đàn bass” - Minh Quang, biệt danh Quang “Bass”, Quang “bờm” (vì có thời anh để tóc dài như bờm ngựa), tâm sự.
“Gia đình chúng tôi kinh tế cũng khá giả, bố mẹ tôi đều muốn tôi thành thương nhân, kỹ sư, bác sĩ. Khi thấy tôi mười mấy tuổi cứ ôm đàn lang thang chỗ này chỗ kia, cả nhà đều lo lắng, ăn ngủ không yên. Nhưng rồi bố mẹ cũng hiểu tình yêu âm nhạc trong tôi quá lớn, nên không đành ngăn cấm tôi nữa”, anh kể.

Trước năm 1975, nhạc rock tại miền Nam phát triển rất mạnh. Nhưng rồi sau đó, nhiều người cho rằng, âm nhạc của Mỹ và phương Tây là đồi trụy, cần phải ngăn cấm để giữ sự trong sáng cho giới trẻ. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng kể: “Sau năm 1975, tôi được điều đi làm công nhân vì các vũ trường, tụ điểm đóng cửa hết. Mãi tới khi du lịch mở cửa trở lại, họ mới nhớ tôi, đi tìm tôi, mời chơi piano trong khách sạn”. Lớn lên sau năm 1975, Minh Quang học đàn ghi-ta bass từ một nghệ sĩ hồi đó đang chơi nhạc cho các xí nghiệp, nhà máy. Những năm 1980, cái nhìn về cuộc sống, về văn hóa Sài Gòn cởi mở hơn trước. Các tụ điểm âm nhạc bắt đầu được hoạt động trở lại. 

 “Nhạc rock được tái sinh, song với hình thức khác, ca ngợi cuộc sống lao động trên các nông trường, công trường, mỏ dầu… Những bản nhạc rock ngoại rất hiếm khi được biểu diễn” - Minh Quang kể. Anh còn nhớ mãi chuyến đi biểu diễn ở Nhà máy Thủy điện Trị An; xe cộ, nghệ sĩ lấm lem khói than, nhưng khán giả vô cùng náo nhiệt. 

Biểu diễn âm nhạc ban ngày

“Cuộc sống tại TPHCM của chúng tôi có nhiều thay đổi vào những năm 1980, khi phong trào nhạc rock được khôi phục. Không khí rất sôi nổi, niềm vui và tiếng cười tràn ngập khắp nơi”, Minh Quang kể. Anh biểu diễn trong ban nhạc gồm những tên tuổi lớn của phong trào âm nhạc bấy giờ như Quốc Dũng, Lê Hựu Hà… “Mỗi người một phong cách khác nhau, người thì khúc chiết, chặt chẽ, người thì cảm xúc, lãng mạn. Lê Hựu Hà và Quốc Dũng sáng tác, phối khí tổ chức rất nhiều chương trình âm nhạc và tôi là người chơi rất nhiều chương trình của họ mỗi tuần”, Minh Quang nói. Anh thường đệm cho các ca sĩ như Bảo Yến, Nhã Phương, Ngọc Bích, Đình Văn, Cẩm Vân… 

"Có một điều bây giờ khó ai tưởng tượng được, nhưng thời điểm những năm gần đổi mới ấy, chúng tôi thường biểu diễn âm nhạc vào ban ngày. Các tụ điểm âm nhạc giải trí được mở ra ồ ạt, nhưng chưa được hoạt động nhiều vào ban đêm mà chủ yếu mở cửa vào ban ngày. Khán giả tới xem rất đông. Trời Sài Gòn nắng chang chang, mỗi ngày chúng tôi chạy sô tới mấy tụ điểm” - Minh Quang cười kể lại. 

 Có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới lại biểu diễn âm nhạc chủ yếu vào buổi trưa, buổi chiều như TPHCM những năm 1980. Cuộc sống những năm tháng ấy cũng khá phức tạp. “Nhiều người vượt biên, không ít bạn bè tôi rời Việt Nam, thậm chí rủ tôi đi cùng. Song tôi vẫn ở lại. Tôi thích chơi nhạc tại thành phố của tôi” - Minh Quang chia sẻ. 

Chưa có “bệnh ngôi sao”

Minh Quang là một trong số nghệ sĩ ghi-ta bass hiếm hoi từng chơi nhạc những năm 1980 mà hiện vẫn chơi nhạc thường xuyên. Lê Hựu Hà đã qua đời, Quốc Dũng sức khỏe yếu… Nhiều người theo đuổi nghiệp âm nhạc nhưng chuyển sang sáng tác phối khí. Minh Quang có 18 năm liên tục chơi nhạc tại phòng trà Ân Nam mỗi tối và anh chỉ dừng công việc này do đại dịch COVID-19. Ân Nam là một phòng trà nhạc xưa chất lượng tại TPHCM, do Minh Quang biên tập âm nhạc và anh cũng là trưởng ban nhạc. Nhiều ca sĩ đã trưởng thành tại đây như Thụy Long, Thiên Kim, Thùy Dương, Khắc Dũng…

Hiện nay, Minh Quang chuẩn bị quay lại với một sân khấu mới. Bạn bè trong giới thường khen Quang “bờm” có sức khỏe vô địch. Anh tiết lộ: “Bí quyết là thường xuyên tập thể hình, tập hít đất”. Minh Quang cũng rất ít khi dùng rượu bia. Thú vui của anh là một ly cà phê nhỏ buổi sáng, sau khi tập nhạc.

Người 'đàn rong' xuyên thế kỷ ảnh 1 Nghệ sĩ Minh Quang hiện nay, bên bộ sưu tập đàn Ảnh: NVCC

Nhớ lại bạn bè một thủa, Minh Quang nói: “Thời của chúng tôi không có ai là ngôi sao cả. Các ca sĩ nổi tiếng như Lưu Bích hay Nhã Phương thì cát sê cũng không cao hơn anh em ban nhạc là bao nhiêu. Không có ai là ngôi sao. Mọi người sống với nhau chia ngọt sẻ bùi, trân quý nhau bởi tình yêu âm nhạc, bởi tài năng”.  

Học hỏi tiếng đàn người hát rong

Minh Quang nghe nhiều, học nhiều, “trước kia gửi người đi nước ngoài mua đĩa về nghe học, nay tải trên mạng internet về nghiên cứu”. Anh không ngần ngại liên lạc bạn bè, người quen, nhờ giải đáp thắc mắc, tìm đến tận nhà các nghệ sĩ để giao lưu học hỏi. Anh thường đến các tiệm đàn cũ, có hôm ôm đàn ngồi một mình ngoài công viên Tao Đàn. Ít người biết Minh Quang cũng là nhạc sĩ với một số tác phẩm đã được biểu diễn, thu âm. 

Minh Quang thường đội mũ khi lên sâu khấu với cây đàn, mái tóc bờm ngựa của anh theo thời gian vơi đi ít nhiều. Nhưng lòng anh vẫn khắc ghi những nốt nhạc của một người hát rong. Trên một chuyến xe, Minh Quang vô tình nghe tiếng đàn của một người hát rong chơi điệu Bolero. Anh sững sờ, thán phục. Tất cả những người nghe hôm ấy đều tán thưởng cách đệm đàn của người hát rong. Trở về phòng tập nhạc, Minh Quang đem những câu nhạc của người hát rong vào tác phẩm. Dĩ nhiên, chúng được anh phát triển cho phù hợp với từng tác phẩm. Mọi người thấy hay và hỏi: “Quang học câu bass này ở đâu mà hay thế?”. 

 Một đời lăn lộn với cây đàn, với những tác phẩm âm nhạc kinh điển của thế giới, nhưng khi chơi điệu nhạc Bolero, Minh Quang lại nhớ đến người hát rong năm nào. Anh lại tự hỏi mình: “Ta đã chơi nhạc như một người hát rong mà cả đời sống với cây đàn hay chưa?”. 

Hướng về ngày mai

“Tôi thường đưa những tấm hình về đời sống văn nghệ những năm 1980 nhưng tôi không phải người sống với hoài niệm. Tôi đã mở kênh dạy ghi-ta bass miễn phí cho các bạn trẻ. Chúng ta cần nghĩ tới ngày mai”, Quang “Bass” nói. Sáng sớm, anh trả lời các câu hỏi, hướng dẫn chơi ghi-ta, quay hình đưa lên mạng xã hội, chỉ dẫn kỹ thuật đánh đàn, đệm hát. “Tôi bắt đầu ngày mới vào lúc… 10 giờ sáng, tức là sau khi đã xong xuôi chương trình dạy nhạc, trao đổi kinh nghiệm chơi nhạc miễn phí trên internet”. Mệt nhoài với âm nhạc, anh ra một quán cà phê nhỏ nào đó để nghỉ ngơi. 

Một clip dạy về kỹ thuật cơ bản đàn ghi-ta bass của anh có tới 27.000 lượt xem, bài hướng dẫn chơi điệu Bolero có 30.000 lượt xem, hướng dẫn chơi điệu Chachacha có 72.000 lượt xem… Nhiều bạn trẻ không chỉ xem clip để giải trí mà còn tập theo, áp dụng trong chơi nhạc biểu diễn. 

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nhận xét: “Minh Quang là một trong những nghệ sĩ ghi-ta bass hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, anh có những kỹ thuật rất điêu luyện, mẫu mực cho lớp trẻ học hỏi”. 

MỚI - NÓNG