Bệnh nhân 52 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) với vết bỏng rộng ở lòng bàn chân. Ông được xác định bị tiểu đường týp 2 cách đây 10 năm, thường xuyên có cảm giác tê bì, nhức mỏi tay chân. Hai tháng trước, ông bắt đầu dùng đèn sưởi chân bằng đá muối vì được giới thiệu là giúp hết chứng tê bì. Tuy nhiên, sử dụng mỗi ngày, các triệu chứng tê bì của ông không thuyên giảm. Mới đây ông dùng đèn sưởi chân song đã để quá nóng, chân lại bị tê không có cảm giác, đến khi nhận ra là đã bị bỏng.
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội), cả hai lòng bàn chân bị bỏng nặng, gót chân bắt đầu hoại tử.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng khoa Chăm sóc Bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, các bác sĩ đã phải cắt lọc vết thương, thay rửa và sử dụng kháng sinh, điều trị đường huyết cho bệnh nhân. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định nhưng sẽ phải mất một tháng mới có thể hồi phục.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường không nên áp dụng các biện pháp sưởi ấm chân, sưởi đá muối, ngâm chân... để điều trị triệu chứng tay chân tê bì. Người bị tiểu đường thường kiểm soát đường máu không tốt, không cảm nhận được nhiệt độ cao thấp nên chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể dẫn tới bỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Tại khoa Chăm sóc bàn chân, mỗi tháng các bác sĩ tiếp nhận 2-3 bệnh nhân tiểu đường bị bỏng với những mức độ nặng nhẹ khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp do ngâm, sưởi chân. Không ít bệnh nhân vì nhập viện muộn hoặc sử dụng thuốc nam để chữa trị khiến vết thương bị nhiễm khuẩn nặng, hoại tử trên vùng rộng, phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng.