Khoảng 8h ngày 5/7, hàng trăm người dân phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn đã vây bắt và đánh 2 người đàn ông quê ở Hải Dương, vào Quảng Bình làm dịch vụ xịt muỗi, vì nghi là đối tượng bắt cóc trẻ em. Công an thị xã Ba Đồn đã phải rất vất vả mới giải cứu được 2 nạn nhân để đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Một trong 2 nạn nhân, ông Đào Đình Vinh (SN 1972), xã Đoan Tùng, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình cho biết: Ông cùng một người cùng quê, tên Tùng (30 tuổi) rủ nhau vào Quảng Bình làm dịch vụ xịt muỗi. Sau một ngày tìm nhà trọ, nghỉ ngơi, sang ngày thứ 2, họ chở nhau đến phường Quảng Phong, đi từng nhà hỏi xịt muỗi. Vừa mới đi được vài nhà, thì họ bị người dân vây đánh túi bụi. Trong cơn mê – tỉnh, ông nghe người ta hô hoán “đây là bọn bắt cóc trẻ em”. Rất may, họ đã được lực lượng công an giải cứu đưa đi bệnh viện.
Theo Thượng tá Lê Văn Hóa, Trưởng Công an thị xã Ba Đồn, sở dĩ người dân bị kích động, dẫn đến đánh người lạ mặt là do cách đây 2 ngày, trên địa bàn phường Quảng Long có một cháu trai 6 tuổi bị mất tích chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, các trang mạng xã hội và một số tờ báo thông tin là cháu bị bắt cóc, dẫn đến người dân hoang mang, kích động. “Do hiệu ứng từ chuyện bé trai đang bị mất tích hôm qua, dân thấy người lạ mặt là vây đánh. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và rất nguy hiểm” – Thượng tá Hóa nói.
Trước đó, vào chiều muộn ngày 3/7, cháu Trần Trung Nghĩa (6 tuổi) mất tích khi đang chơi một mình trước cửa nhà, tại đội 4, thôn Trung Sơn, phường Quảng Long. Việc mất tích một cách bí ẩn của cháu Nghĩa làm dấy lên nghi ngờ đã xảy ra một vụ bắt có trẻ em. Các trang mạng xã hội thi nhau đưa thông tin, khẳng định cháu Nghĩa bị bắt cóc và một số tờ báo đưa ra các dữ kiện cũng theo hướng bị bắt cóc, khiến sự việc càng thêm nóng.
Thượng tá Hóa cho biết, trước một sự kiện, về mặt nghiệp vụ thì cần đặt ra tất cả các giả thiết, sau đó sẽ loại trừ dần để tìm ra sự thật. Như trường hợp cháu Nghĩa, lực lượng công an, các đoàn thể và gia đình đang nỗ lực tìm kiếm. Cũng có nhiều giả thiết được đặt ra, có thể cháu bị lạc, bị đuối nước, bị bắt cóc...
Thượng tá Hóa chia sẻ, báo chí và mạng xã hội cũng rất quan trọng trong việc giúp cơ quan chức năng sớm tìm ra cháu Nghĩa. Tuy nhiên, cách đưa thông tin như những ngày vừa qua có thể gây ra hiệu ứng xấu.
“Trong xã hội ngày nay, người Quảng Bình cũng có thể đi đến các địa phương khác để làm ăn, và ngược lại người các địa phương khác cũng có quyền đến Quảng Bình làm ăn. Việc hai người ở Hải Dương bị đánh sáng nay là một ví dụ về hiệu ứng xấu của các thông tin chưa được kiểm chứng. Tôi mong báo chí cần định hướng thông tin, giúp nhân dân hiểu rõ vấn đề, tranh hoang mang, kích động như vụ việc vừa rồi. Còn đối với người dân cũng phải cảnh giác với người lạ, nhưng cũng cần bình tĩnh trước thông tin bắt cóc trẻ em, khi chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng” – Thượng tá Hóa nói.